Cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979: Khắc ghi lời thề biên cương

Ngày 17.2.1979, sau khi bắn viên đạn cuối cùng, một chiến sĩ đồn biên phòng Pha Long đã gửi một bức điện về hậu phương, với chỉ vỏn vẹn vài chữ: 'Chúng tôi hết đạn. Xin vĩnh biệt'.

Trong nhiều bài thơ của Vương Trọng, tôi thích và bị ám ảnh nhất là bài Ghi ở Pha Long của ông, trong đó có những dòng chữ như cắt vào tâm can người đọc: Gặp điệp khúc tháng hai năm bảy chín/Lời vĩnh biệt nhói lòng Pha Long…/ Đến bây giờ tôi mới hiểu ra/Vì sao đường biên giới bản đồ/Của Tổ quốc được tô màu đỏ…

Dưới bài thơ là dòng đề dẫn: Pha Long là tên một xã thuộc huyện Mường Khương, Lào Cai - nơi diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới giữa chiến sĩ biên phòng Việt Nam và quân bành trướng Trung Quốc trong cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979.

Ngày 17.2.1979, sau khi bắn viên đạn cuối cùng, một chiến sĩ đồn biên phòng Pha Long đã gửi một bức điện về hậu phương, với chỉ vài chữ: "Chúng tôi hết đạn. Xin vĩnh biệt".

Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Pha Long phối hợp với dân quân tuần tra bảo vệ biên giới. (Ảnh: P.V)

Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Pha Long phối hợp với dân quân tuần tra bảo vệ biên giới. (Ảnh: P.V)

Bình yên tháng 2 biên giới

Bài thơ này viết vào năm 1997, chính xác là ngày 18.1.1997. Lúc đó địa danh Pha Long còn nghèo lắm. Đến được nơi này phải mất cả ngày. Đồn biên phòng Pha Long đóng ở nơi đây cũng chưa được xây mới. Còn bây giờ thì đã khác. Đường từ thị trấn Mường Khương theo Quốc lộ 4D đến Pha Long đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Con đường như dải tơ lụa, nằm vắt ngang lưng trời. Có cảm giác như chân muốn chạm đỉnh núi và tay có thể chạm tới từng đám mây trên trời. Đường quanh co nhưng không hề có ổ voi, ổ chó. Xe chạy bon bon và ngọt cua kinh khủng.

Tháng 2 mùa này dọc đường đầy những bông lau; hoa mơ, hoa mận nở trắng hai bên. Thích nhất vẫn là những phiến đá màu đen, sù sì, ngồi im lìm trên những vách núi. Qua cửa kính xe ô tô, trông chúng ngồ ngộ và dễ thương quá chừng.

Hơn 30km ngồi trên xe, từ trung tâm thị trấn huyện Bắc Hà đến Pha Long của Mường Khương, chúng tôi thấy bóng các chị, các mệ người Mông, người Dao… hào hứng dắt díu nhau xuống chợ.

Khuôn mặt ai cũng bừng sáng và ngập tràn sắc xuân. Trên chiếc gùi của các chị, các mệ vẫn thấy nhiều rau, quả và những em bé người Mông vẫn còn ngái ngủ.

Thích nhất là khi xe lướt trên những đoạn đường đèo rồi được phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn một dải biên cương của Tổ quốc. Bình yên quá. Cảm thấy mình thật may mắn. 40 năm trước, ở đây chẳng phải là một chiến trường ác liệt, quân và dân ta đã đổ máu để giữ gìn từng thước đất, bờ cỏ trước sự xâm lăng của quân bành trường Trung Quốc đó sao?

Mải miết ngắm nhìn, xe đến đồn Pha Long lúc nào chẳng hay. Đồn nằm ngay mặt đường, đẹp và khang trang chứ không phải như thời năm 1997 khi nhà thơ Vương Trọng đến thăm: Nền cũ đồn biên phòng/ Um tùm cây vô danh/ Hoang phế đè lên miền ký ức…

Đập vào mắt chúng tôi là nhà tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới và tiêu diệt phỉ sau này, nằm lặng lẽ và trang trọng phía sát ngay đồn. Tôi nhẩm đếm được có tổng cộng 41 liệt sĩ đã hy sinh, trong đó hy sinh vào năm 1979 có 26 chiến sĩ- nhiều nhất là trong 3 ngày nổ ra cuộc chiến: 17, 18 và 19.2.

Đưa mắt lướt nhanh thấy có tên nhiều chiến sĩ, cán bộ đã rất thân quen trên sách báo: Thượng úy, Đại đội trưởng Vàng Seo Sảy; Trung úy, đồn phó Nguyễn Văn Đức; Tiểu đội tưởng Nguyễn Văn Tiêm; Trung sĩ, chiến sĩ Mai Văn Tiêm; chiến sĩ Nguyễn Xuân Thảo, Trần Văn Tuất… Toàn chiến sĩ, cán bộ trẻ cả, cao nhất cũng mới chỉ 24-25 thôi.

Pha Long hiên ngang, anh dũng

Theo hồi ức của Chính trị viên, Thượng tá đồn Pha Long Phan Đức Mạnh: 5h45 sáng 17.2.1979, Trung Quốc dùng các loại pháo lớn đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta.

Ở Lào Cai, quân bành trướng Trung Quốc tập trung bắn phá vào 8 Đồn Biên phòng - các mục tiêu phòng thủ của ta từ Pha Long đến A Mú Sung. Địch xác định đây là những “cửa ải” quan trọng, “nếu vượt qua các chốt máu này có thể dễ dàng tiến về thị trấn Mường Khương, xuống Bắc Hà và ra cả thị xã Lào Cai lúc bấy giờ”.

Đồn biên phòng Pha Long phối hợp với Tiểu đoàn BĐBP Kiều Đầu, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tổ chức tuần tra song phương. (Ảnh: BP)

Trên hướng Pha Long, địch dùng 2 Trung đoàn tấn công dọc tuyến biên giới do Đồn Pha Long phụ trách. Cuộc chiến đấu ở Đồn Pha Long diễn ra vô cùng quyết liệt, trong 4 ngày từ 17 đến 20.2, địch tổ chức tiến công 20 lần với 5 đợt tấn công lớn hy vọng đè bẹp sức kháng cự của chiến sĩ ta.

“Mặc dù thông tin liên lạc bị cắt đứt, vũ khí đạn dược thiếu thốn, lương thực thực phẩm cạn dần nhưng cán bộ chiến sĩ Đồn Pha Long vẫn đánh địch đến viên đạn cuối cùng. Có ngày giữa ta và địch giành giật nhau từng mô đất, từng đoạn giao thông hào, từng chiến sĩ, cán bộ của đồn đã trải qua nhiều giây phút hiểm nguy, cận kề cái chết nhưng không ai nao núng” - thượng tá Phan Đức Mạnh kể và lật dở từng trang lịch sử truyền thống của đồn, trong đó có 2 bức điện rất xúc động.

Đó là bức điện đánh đi trưa 18.2 có nội dung: Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều, nhưng anh em chúng tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu, dù còn một người cũng chiến đấu”.

Bức điện thứ hai được Ban Chỉ huy Đồn đánh đi lúc 11h ngày 19.2 có nội dung: “Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các Đồng chí”. Bước điện thứ 2 cũng là đề dẫn cho bài thơ Ghi ở Pha Long của nhà thơ Vương Trọng đã nói ở trên.

Bia tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 tại đồn BP Pha Long. (Ảnh: V.H)

Cũng theo thượng tá Phan Đức Mạnh, trong cuộc chiến đấu này, lịch sử truyền thống của đồn đã khắc ghi những chiến sĩ, anh hùng đã chiến đấu quên mình vì biên cương của tổ quốc. Đó là Thượng úy Đồn phó Nguyễn Anh Đức, người ngay từ đầu đã lên chốt đi sát các khẩu đội cối, đại liên, chỉ huy đơn vị chiến đấu phòng ngự. Anh đã ngã xuống chiến hào khi đợt tấn công cuối cùng trong ngày của địch bị đập tan.

Rồi đảng viên Lê Khắc Xuân, từ khi mở màn trận đánh lúc 5h sáng 17.2 đến phút cuối cùng đơn vị rời khỏi trận địa lúc 21h30 ngày 20.2 đã 5 lần băng mình qua lửa đạn, chiến đấu hết sức ngoan cường, không cho một tên địch nào vượt lên.

Khi xảy ra trận đánh, đồng chí Đồn trưởng đi công tác chưa về kịp, chính trị viên Trần Xuân Ngọc chỉ huy linh hoạt, thực sự là linh hồn của cuộc chiến đấu kiên cường trên pháo đài Pha Long.

5 đợt tấn công của địch vào Đồn đều bị cán bộ, chiến sĩ của đồn đánh bật. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới này, cán bộ chiến sĩ đồn Pha Long đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt 740 tên địch, thu được nhiều súng đạn của địch.

Pha Long hiên ngang và trụ vững trước sức tấn công của giặc bành trướng như vậy. Chốt máu này đã đẩy lùi quân địch và là chốt chặt vững chãi cho miền biên cương thời đó cũng như tận mãi bây giờ.

Khắc ghi lời thề biên cương

Đồn Pha Long bây giờ khác lắm. Những năm đầu Đồn Pha Long xây dựng sơ sài, chỉ có 2 gian nhà trình tường ở vị trí bên cạnh nhà thường trực Ủy ban hành chính xã Pha Long. Vài năm sau, doanh trại được chuyển đến đóng ở vị trí Đồn hiện nay sau khi được xây dựng khang trang trên nền Đồn cũ của thực dân Pháp trước đây.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long chuẩn bị đón xuân. (Ảnh: P.V)

Ngoài tuần tra, bảo vệ đường biên, Đồn còn tham gia cùng đồng bào 8 dân tộc anh em ở 2 xã biên giới là Pha Long, Tả Ngải Chồ để phát triển kinh tế. Hiện mô hình trồng thảo quả, trồng sa nhân do đồn và bà con phối hợp sản xuất đang cho những kết quả kinh tế khả quan, bước đấu đã có thu hoạch. Số hộ nghèo ở Pha Long hiện đã giảm hẳn…

Đồn có 2 gian nhà chỉ huy lợp ngói âm dương, 2 nhà dài của cán bộ chiến sĩ tường xây lợp gianh, có nhà ăn nhà bếp, nhà tiếp khách gia đình quân nhân.

“Chốt máu” ngày xưa đã được trồng đầy hoa. Xung quanh đầy cây xanh, nhiều nhất là đào, mận. Một đồng nghiệp còn hái cho chúng tôi vài quả đào - đặc sản của đồn. Mọi người chia nhau ăn, nhai rốm rốm. Vị chua chua, thanh thanh của đào lưu mãi trong cổ họng.

Chúng tôi dạo một lượt khắp đồn và không khó để nhận thấy các phòng ốc, nơi làm việc đều được bày trí rất ngăn nắp, gọn gàng. Đứng phía sau đồn còn thấy cả một dải biên cương hùng vĩ, phía xa xa là đường biên với Trung Quốc.

Nhưng ấn tượng hơn cả là tấm bia trấn ải dựng trước cổng đồn, được coi như một lời thề biên cương của chiến sĩ biên phòng Pha Long. Từng chữ của bia trấn ải đều được viết hoa trang trọng:

“Nguyên Thần Bổn Mệnh Giữ Núi Non.

Nam Sơn Bốn Cõi Tựa Sách Trời Định.

Thiên Thiên Nhật Nguyệt Linh Linh Ứng.

Tuyệt Tuyệt Long Phụng Báo Quốc An.

Bình Nhất Hà Việt Nam Quốc Thổ”.

Tạm dịch nghĩa là:

Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non.

Núi Nam bốn cõi đã định trong sách trời.

Đời đời nhật nguyệt linh thiêng ứng nghiệm.

Rồng Phượng bảo vệ an nguy Tổ quốc.

Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây.

Bia trấn ải nằm ngay ở cổng đồn Biên phòng Pha Long. (Ảnh: V.H)

Theo thiếu tá Phạm Minh Xuân- Đồn trưởng Đồn biên phòng Pha Long, phát huy truyền thống của cha anh; cán bộ, chiến sĩ của đồn đều quán triệt, khắc ghi lời thề biên cương cũng như thấm nhuần tư tưởng: Đồn là nhà, biên giới là quê hương.

Những năm qua, Đồn Pha Long tiếp tục lập những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Đồn đã quản lý, bảo vệ 16,3km đường biên giới, có cửa khẩu phụ Lô Cố Chin.

Nhiều năm qua, đồn đã tổ chức tuần tra song phương và phối hợp giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc phức tạp nảy sinh trên biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Đồn Pha Long đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức giao đoạn biên giới cho nhân dân tham gia bảo vệ. Bên cạnh đó, đơn vị đã xây dựng các tổ tự quản an ninh thôn bản. Từ nguồn tin do nhân dân cung cấp, Đồn Pha Long đã đấu tranh thắng lợi hàng trăm chuyên án, vụ án ma túy, mua bán người, giải cứu hàng chục vụ…

Chiều tháng 2 ở miền biên giới ngả chiều thật nhanh. Ông mặt trời đang dần khuất ở đỉnh núi. Khách và chủ chia tay mà ai nấy cũng thấy bùi ngùi. Thật ngẫu nhiên, những ca từ của bài của bài Chiều biên giới do Trọng Tấn hát từ đâu bỗng vang lên: Chiều biên giới em ơi/Có nơi nào xanh hơn/Như chồi non cỏ biếc/ Như rừng cây của lá như tình yêu đôi ta… Tạm biệt Pha Long, đồn biên phòng Anh hùng. Những trang sử hào hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới cách đây 40 năm sẽ luôn được viết tiếp bởi những chiến sĩ, cán bộ đang cống hiến thầm lặng để bảo vệ, giữ giới biên cương hôm nay.

Trong 5 năm, Đồn Pha Long đã làm thủ tục xuất nhập cảnh quốc tịch Việt nam 28.710 lượt, xuất nhập cảnh quốc tịch Trung Quốc 4760 lượt người. Hai bên đã gửi tổng số 180 lần với 180 lá thư trao đổi công tác, chúc mừng các ngày lễ tết. Hai bên tổ chức hội đàm tham gia giao lưu hữu nghị tổng số 20 lần với 100 đại biểu tham gia, trong đó Ta sang Bạn 10 lần với 50 đại biểu, Bạn sang Ta 10 lần với 50 đại biểu. Bạn trao trả cho ta 2 trường hợp với 2 nạn nhân; ta trao quà cho bạn 2 trường hợp với 2 đối tượng và 1 khẩu súng. Ta và bạn đã phối hợp tuần tra song phương 20 lần với 240 lượt cán bộ chiến sĩ 2 bên tham gia.

Nguyễn Văn Hoài

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/cuoc-chien-bao-ve-bien-gioi-1979-khac-ghi-loi-the-bien-cuong-955729.html