Cuộc chiến Airbus và Boeing: Phía sau đỉnh núi sẽ là…?

Ngành sản xuất máy bay thương mại thế giới vẫn là sàn đấu chính của hai hãng lớn nhất Boeing và Airbus dù đã có nhiều cái tên mới nổi lên nhằm chia sẻ thị phần, ví dụ các hãng sản xuất máy bay Trung Quốc hay châu Âu.

Dẫu Boeing đang lao đao vì sự cố thì Airbus vẫn chưa thể nắm trọn lợi thế thương trường.

Dẫu Boeing đang lao đao vì sự cố thì Airbus vẫn chưa thể nắm trọn lợi thế thương trường.

Doanh số hai năm qua của Boeing và Airbus đã rất ấn tượng khi nhiều hãng hàng không hiện phải chờ để được giao hàng dù đã đặt mua cách đây hai năm. Sau khủng hoảng xảy ra với B737MAX, những tưởng Airbus sẽ “tát nước theo mưa” khi nhiều hãng hàng không đã ngưng các dòng máy bay Boeing đang khai thác, thế nhưng dẫu Boeing đang lao đao vì sự cố thì Airbus vẫn chưa thể nắm trọn lợi thế thương trường.

Boeing đã bắt đầu đề cập đến những triển vọng của dòng B757 vào năm 2020. Một dòng máy bay tầm trung mới nhất (New Midsize Airplane – NMA) có khả năng chở tối đa 220-270 hành khách và tầm bay 5.000km sẽ được đưa vào khai thác vào giữa thập niên tới. Giới chuyên gia từng kỳ vọng NMA sẽ có thể bán cho khách hàng ngay tại Paris Air Show năm nay nhưng vụ khủng hoảng xảy ra với B737MAX có thể sẽ khiến tiến trình này tạm hoãn.

Airbus đã tỏ thái độ không e ngại đối với kế hoạch phát triển dòng máy bay NMA của Boeing và khẳng định sẽ sẵn sàng cung cấp giải pháp hiệu quả kinh tế và linh hoạt nhất cho thị trường. “Dòng A320/321 của chúng tôi với động cơ được cải tiến rất thành công về doanh số trên thị trường, đó là một dòng máy bay thân hẹp có hiệu quả kinh tế cao và một dòng máy bay thân rộng, đồng thời chúng tôi đang tiến hành nâng cấp động cơ cho dòng A330”, Trưởng phòng thương mại của Airbus Christian Scherer chia sẻ thông tin trước thềm Paris Air Show 2019.

Sự tính toán kỹ đã giúp Airbus đưa ra một mức giá linh hoạt, đủ sức cạnh tranh với kế hoạch mới của Boeing. Airbus cho rằng việc phát triển một dòng máy bay quá lý tưởng về khía cạnh bảo vệ môi trường sẽ tiêu tốn hàng tỉ USD trong khi vấn đề cần giải đáp là công nghệ mới có thể giúp giảm chi phí nhiên liệu, nhân công và vốn đầu tư cho hãng hàng không. Airbus đã có kế hoạch giới thiệu chi tiết hơn các phiên bản của dòng máy bay A321LR vào giữa năm 2019, có thể tại Paris Air Show vào tháng 6 tới.

Trong khi nhận thấy căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc có nguy cơ ảnh hưởng đến Airbus, nhà sản xuất máy bay châu Âu vẫn lạc quan về tầm nhìn thị trường lâu dài cũng như nội lực để đạt được doanh số 880-890 máy bay trong năm nay.

Về mặt toàn cầu, ngành công nghiệp sản xuất máy bay vẫn đang có nhiều lợi thế phát triển vì còn rất nhiều khu vực trên thế giới đang tăng trưởng kinh tế tốt, tác động tích cực đến sự tăng trưởng của ngành vận chuyển hàng không. NMA của Boeing là nằm giữa mẫu máy bay hai lối đi như A330 hay B787 và những mẫu máy bay bán chạy như A320/321 hay B737.

Trong khi đó Airbus lại đang hướng đến bảo vệ thị phần mà mẫu A330neo đang nắm giữ tại điểm đầu và mẫu best-seller A321neo tại điểm cuối phân khúc; cả hai dòng máy bay này đều đang được nâng cấp động cơ.

Airbus xác định hai thế hệ máy bay mới này sẽ chiếm lĩnh thị trường khi các hãng hàng không bắt đầu thay thế các máy bay B757 và B767. Còn Boeing thì cho rằng những mẫu máy bay tầm trung mới của họ sẽ tạo đột phá về hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với những máy bay cùng phân khúc của Airbus.

Đáp lại, Airbus công bố dự án phiên bản tầm xa mới của A321 là A321XLR như một bước đi trước Boeing.

Cuộc cạnh tranh giữa hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới vẫn đang trong giai đoạn quyết liệt khi cả hai đang thống trị phân khúc điểm đầu của thị trường với doanh số hằng năm lên đến 150 tỉ USD, là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa dòng B777X – một bản sao của chiếc jumbo danh tiếng B777 và đối thủ A359-1000 thế hệ mới.

Bất chấp những chế giễu từ phía Airbus khi cho rằng B777X giống như một chiếc Hummer được nâng cấp động cơ nhưng vẫn quá nặng nề so với những chiếc Airbus nhẹ nhàng, dòng máy bay mới này của Boeing vẫn có công suất khai thác ghế cao nhất.

Airbus và Boeing đã có một khởi đầu yếu ớt trong bốn tháng đầu năm 2019 cùng lúc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA dự đoán tỷ lệ lợi nhuận của ngành công nghiệp vận chuyển hàng không năm 2019 sẽ sụt giảm, dẫn tới giảm nhu cầu mua sắm máy bay mới của các hãng hàng không.

Cả hai hãng đều công bố hủy những hợp đồng đặt hàng mới, trong đó Boeing chịu tổn thất nặng nề hơn sau sự cố xảy ra đối với hai chiếc B737MAX.

Huỳnh Khôi

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cuoc-chien-airbus-va-boeing-phia-sau-dinh-nui-se-la-18893.html