Cuộc chiến 2/1979: Vì sao khó xảy ra cuộc chiến Xô-Trung?

Nếu quân đội Trung Quốc không rút khỏi Việt Nam, họ sẽ phải chiến đấu trên hai mặt trận.

Trong 3 kỳ trước với các tiêu đề “Cuộc chiến tháng 2/1979: Vì sao vùng trời Việt Nam bình yên?”, “Tháng 2/1979: Hải quân Liên Xô giúp Việt Nam trấn Biển Đông”“Cuộc chiến 2/1979: Trung Quốc ngán sức mạnh quân sự Liên Xô” chúng ta đã hiểu khá rõ về việc trong cuộc chiến tranh xâm lược tháng 2/1979 của Trung Quốc, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự…, của Liên Xô đối với Việt Nam là một yếu tố rất quan trọng giúp chúng ta giành thắng lợi vẻ vang.

Tuy nhiên, trong và sau cuộc chiến tranh này, có những ý kiến (chủ yếu từ phương Tây) cho rằng, Liên Xô không sẵn sàng đưa quân đội vào tham chiến bảo vệ đồng minh (Việt Nam) mà chỉ ủng hộ về ngoại giao và tập trung viện trợ kinh tế, quân sự.

Những luồng ý kiến này tập trung chỉ trích Hiệp định hợp tác Việt-Xô là không thực chất, Việt Nam không thể trông cậy vào đồng minh những lúc “hữu sự.

Trên thực tế, đây là những tuyên truyền có chủ đích, nhằm ly gián mối quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện giữa Liên Xô và Việt Nam, nhằm mục đích riêng của những người đưa ra luận điệu đó.

Liên Xô sẵn sàng can thiệp quân sự

Vào giai đoạn đó, có một câu hỏi rất lớn được giới học giả quốc tế đặt ra là Liên Xô thực sự có ý định tấn công Trung Quốc để “cứu” Việt Nam hay không? Nếu không thì vì sao không? Và nếu có thì đâu là mức “ngưỡng” cuối cùng, mà Liên Xô sẽ quyết định can thiệp quân sự?

Trong hồi ký của các cựu quân nhân Liên Xô cho biết, Moscow sẽ can thiệp quân sự khi cần thiết và khi đó Trung Quốc đã được cảnh báo trước một điều rõ ràng: Nếu quân đội Trung Quốc không rút khỏi Việt Nam, họ sẽ phải chiến đấu trên hai mặt trận.

Việt Nam chưa bao giờ cầu viện ai giúp đánh đuổi giặc ngoại xâm

Việt Nam chưa bao giờ cầu viện ai giúp đánh đuổi giặc ngoại xâm

Khi cuộc chiến tranh biên giới bắt đầu nổ ra, Liên Xô đã trục xuất các nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc. Họ buộc phải trở về Bắc Kinh bằng đường xe lửa liên vận và trên cung đường này, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã được chứng kiến cảnh hàng đoàn xe tăng Liên Xô đang rầm rập tiến về hướng Đông, từ vùng núi Ural cho đến vùng biên giới Mông Cổ-Trung Quốc.

Thậm chí, trước ngày Trung Quốc tuyên bố rút quân, Chủ tịch Fidel Castro đã cảnh báo rằng, nếu nhà cầm quyền Bắc Kinh không chấm dứt hành động xâm lược, Cuba và Liên Xô có thể sẽ đưa quân đội đến giúp đỡ Việt Nam.

Đây là minh chứng cho cam kết của “người anh cả” Liên Xô và đất nước Cuba anh em, quyết tâm bảo vệ Việt Nam chống quân xâm lược bành trướng.

Không chỉ thế, giới chuyên gia quân sự nước ngoài và cả Trung Quốc phân tích và nhận định rằng, có quá nhiều sự lựa chọn hiệu quả đối với Liên Xô trong các hành động tấn công trên chiều dài 4.500 km đường biên giới Xô - Trung, nơi có 44 sư đoàn đang sẵn sàng tham chiến. Nhưng cũng có thể xuất hiện những kịch bản khác.

Kịch bản thứ nhất và cũng là kịch bản xấu nhất: Đây là kịch bản "ngày tận thế", là đòn tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc ở vùng hồ muối Lop Nor (hay còn gọi là La Bố Bạc) - nằm giữa sa mạc Taklamakan và sa mạc Kuruktag, thuộc phía Đông khu tự trị Duy Ngô Nhĩ - Tân Cương.

Mục tiêu này dường như thích hợp hơn cả trong sự đánh giá của quân đội Liên Xô bởi sự hủy diệt lớn, sức mạnh răn đe cao, tấn công phủ đầu trong tầm với của nhiều loại tên lửa Liên Xô. Tuy nhiên, nó chỉ xảy ra nếu Trung Quốc cũng có ý định làm điều tương tự với Việt Nam.

Kịch bản thứ hai:Liên Xô sẽ mở một cuộc đột kích quân sự lớn bao gồm cả tấn công trực diện vào thủ đô Bắc Kinh hoặc mở một cuộc tấn công quy mô lên hàng loạt tỉnh phía bắc Trung Quốc, giống như chiến dịch Bắc Kinh đang tiến hành ở Việt Nam hay sử dụng phương thức đổ bộ đường không nhanh chóng đổ quân xuống vùng đồng bằng tuyết phủ của Tân Cương và khu vực Mãn Châu - trung tâm công nghiệp nặng của Trung Quốc.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cuoc-chien-21979-vi-sao-kho-xay-ra-cuoc-chien-xo-trung-3375004/