Cuộc chiến 1979 và những bài học

Những ngày qua, cuộc chiến tranh chống quân xâm lược phương Bắc năm 1979 được báo chí nước nhà tái hiện khá rõ ràng.

Chiến tranh đã qua đi 40 năm nhưng nhiều bài học vẫn còn nguyên giá trị cho cả hai bên.

Cuối cùng là gì? Không phải sau đợt kỷ niệm này, chúng ta tự cho mình là nhất, không sợ bất cứ một kẻ thù nào nữa. Mặc dù nhiều nhân vật chủ chốt trong cuộc chiến 1979 đã hết vai trò lịch sử. Trung Quốc đã trở thành siêu cường so với chính họ cách đây 40 năm.

Chiến tranh qua đi với những bài học để nó không còn lặp lại.

Chiến tranh qua đi với những bài học để nó không còn lặp lại.

Thế giới hiện đại đang chứng kiến rất nhiều cuộc chiến mới với bản chất cũ nhưng hình thức hoàn toàn khác: Dùng kinh tế thay súng đạn; dùng quyền lực “mềm” thay cho cách can thiệp “cứng”; phương thức tác động “đa phương” thay cho đơn phương… Tình hình này, buộc chúng ta cần rút ra bài học để tồn tại bên cạnh một nước lớn luôn có tư tưởng bành trướng.

Trước tiên, với chiến tranh biên giới năm 1979, Việt Nam có phần bất ngờ, vì hiếm người nghĩ hai nước láng giềng “anh em” cùng hệ tư tưởng, “núi liền núi sông liền sông” lại mang quân can thiệp chỉ vì lý do “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Thực tế, Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng từ rất lâu cho cuộc chiến tranh xâm lược này. Vì vậy, Việt Nam không thể chỉ có “cạnh tranh” hoặc chỉ “hợp tác” với Trung Quốc.

Bài học này đã được rút ra, đó là hợp tác và cạnh tranh song hành nhau. Trong bạn có thù, trong thù có bạn. Hợp tác và cạnh tranh song trùng được chứng minh là đúng đắn nhất trong giai đoạn hiện nay. Ví dụ: Mỹ không còn “thoáng” với đồng minh của họ; Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông bất chấp dư luận quốc tế…

Sau chiến tranh biên giới năm 1979 là cuộc chiến trên đảo Gạc Ma (1988) và rất nhiều cuộc chiến phi súng đạn khác…

Vì sao Trung Quốc “ưa thích” chọn hướng về phía Nam? Rõ ràng Đông Nam Á và hướng ra Biển Đông trong gần 100 năm nay là xu thế, vì nơi đây có nhiều lợi ích kinh tế, trở thành vùng có vị trí chiến lược quan trọng với các siêu cường.

Mặc dù, các nhà viết sử chiến tranh thời Cổ, Trung đại hiếm khi nhắc đến sự ủng hộ của một bên thứ ba nào đó, nhưng trong thời kỳ hiện đại, tiếng nói ủng hộ hòa bình tiến bộ từ khắp nơi trên thế giới là rất quan trọng.

Chiến tranh biên giới năm 1979, thắng lợi của Việt Nam có một phần từ sự ủng hộ của Liên Xô và các nước XHCN anh em. Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa rõ rệt hơn, âm mưu tinh vi hơn, vì vậy cần thiết phải có những người bạn tin cậy, được xây dựng trên nguyên tắc lợi ích hài hòa.

Bảo vệ đất nước, bằng nhiều cách, nhưng cách mà Việt Nam nhắc lại cuộc chiến tranh biên giới 1979 như những ngày vừa qua, làm cho nó trở nên xứng với tầm vóc lịch sử và tâm thế dân tộc!

Với đỏi hỏi phải có chính sách ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo, chúng ta nhớ lại câu nói của Bác Hồ với cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi lên đường thăm Pháp sáng ngày 31/5/1946: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Trương Khắc Trà

Bạn đang đọc bài viết [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc] Cuộc chiến 1979 và những bài học tại chuyên mục Tâm điểm của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/40-nam-chien-tranh-bien-gioi-phia-bac-cuoc-chien-1979-va-nhung-bai-hoc-145248.html