Cuộc chạy trốn hơn 1 thập kỷ của người phụ nữ bị bạo hành

Sau cuộc chia tay không êm thấm, Koa và con gái phải chịu sự theo dõi và hăm dọa suốt 11 năm của người bạn trai cũ bạo lực.

Zing trích dịch bài đăng The Guardian, nói về hành trình trốn chạy khỏi người bạn trai cũ bạo lực kéo dài hơn một thập kỷ của một phụ nữ người Mỹ.

Năm 2002, Koa nhảy xuống từ cửa sổ tầng 2 để trốn khỏi trận đòn của bạn trai. Cú ngã khiến cô bị gãy mắt cá chân, song vẫn kịp cầu cứu hàng xóm và gọi 911.

"Nếu ý chí của tôi không thắng nổi tính tàn bạo của hắn, có lẽ tôi đã chết vào ngày hôm đó rồi", Koa hồi tưởng.

4 năm sau sự việc trên, hai người tiếp tục chung sống và có một bé gái. Trong quãng thời gian ấy, cô tiếp tục bị bạo hành về thể chất và tinh thần.

Năm 2009, Koa quyết tâm chấm dứt mối quan hệ với bạn trai, rời đi cùng cô con gái nhỏ. Nhưng suốt 11 năm qua, hắn ta vẫn không ngừng đeo bám và hăm dọa hai mẹ con.

 Suốt 11 năm qua (2009-2020), Koa và con gái liên tục bị bạn trai cũ theo dõi, quấy rối và hăm dọa. Ảnh: Getty Images.

Suốt 11 năm qua (2009-2020), Koa và con gái liên tục bị bạn trai cũ theo dõi, quấy rối và hăm dọa. Ảnh: Getty Images.

11 năm chạy trốn

Trong 7 năm yêu nhau, gã bạn trai cũ thường xuyên nhục mạ, đánh đập, thậm chí siết cổ Koa vì những lý do trớ trêu. Tuy nhiên, hắn chỉ phải ngồi tù một thời gian ngắn, sau đó lại tìm đến cô khi được tự do.

Để chạy trốn khỏi sự truy đuổi của tình cũ, Koa đã 3 lần xin lệnh bảo vệ từ tòa án địa phương, chuyển nhà hàng năm và thay đổi danh tính. Cô từng nghĩ đến việc rời bỏ nước Mỹ mãi mãi, nhưng nhanh chóng từ bỏ ý định.

Dù được bảo vệ bởi pháp luật, Koa và con gái vẫn chịu đựng sự đeo đuổi và hăm dọa. Không thể tiếp cận cô một cách trực tiếp, hắn nhiều lần gọi điện hoặc nhờ người thân, bạn bè chuyển lời tới cô.

Koa cho biết vào năm 2011, bạn trai cũ đã "xây dựng một đội quân" để bôi nhọ danh dự cô trên mạng xã hội. Hàng tháng trời, cô bị những người lạ mặt vu khống là "bịa đặt chuyện bị bạo hành" và dọa giết.

Đến đầu năm nay, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, Koa nghĩ mọi chuyện đã tạm lắng xuống. Nhờ quy định phong tỏa và hạn chế di chuyển trong mùa dịch, Koa tin rằng bạn trai cũ sẽ không thể tìm kiếm cô, ít nhất trong thời gian tới. Hai mẹ con cô đã chuyển tới Hawaii sinh sống, tận hưởng khoảng thời gian bình yên ngắn ngủi.

Không chỉ đeo bám trực tiếp, gã bạn trai cũ còn khủng bố Koa trên mạng xã hội. Ảnh: iStock.

Song, sự yên bình ấy nhanh chóng bị phá vỡ. Hồi tháng 4, Koa bỗng nhận được một tin nhắn từ số máy lạ, trong đó ghi rõ địa chỉ hiện tại của cô.

Không lâu sau, cô tiếp tục nhận được tin nhắn từ một số máy khác, tự nhận là Betty - người vợ hiện tại của gã bạn trai cũ và yêu cầu cô gọi lại. Khi Koa làm theo, đầu dây bên kia đúng là Betty, song phủ nhận việc nhắn tin cho cô.

Chia sẻ với The Guardian, Koa kể rằng Betty cũng là nạn nhân của kẻ biến thái ấy, khẳng định rằng hắn ta đang trên đường đến Hawaii để tìm mẹ con cô.

Lúc này, đại dịch lại trở thành rào cản ngăn cô tìm đến sự trợ giúp của cơ quan chức năng. Cảnh sát quá bận bịu kiểm soát dịch bệnh, các tình nguyện viên hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành đều không làm việc. Koa và con gái buộc phải chuyển tới một nơi ở tạm thời "kín đáo và an toàn hơn" để chờ dịch bệnh qua đi.

"Tôi phải dựa vào chính mình"

Không chỉ là chất xúc tác khiến tình cảm giữa các đôi tình nhân tan vỡ, đại dịch Covid-19 còn đẩy những nạn nhân bị biến thái theo dõi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan".

Thực tế, khoảng 1 trong 6 phụ nữ Mỹ là nạn nhân của những trò đeo bám dai dẳng. Theo Liên hiệp Chống bạo lực gia đình nước này, khoảng 66% các vụ truy vết, quấy rối như trên được gây ra bởi nửa kia của các nạn nhân.

Jannifer Landhuis, giám đốc Trung tâm Phòng chống nạn theo dõi (SPARC) tại Washington (Mỹ), nhận định rằng dịch bệnh khiến nhiều nạn nhân mất đi yếu tố phòng vệ, ví dụ như công việc, chỗ ở và dịch vụ hỗ trợ. Ngược lại, những kẻ biến thái lại có thể tận dụng thời gian giãn cách xã hội để thu thập thông tin về nạn nhân.

Theo Landhuis, khi rơi vào tình huống nguy hiểm, các nạn nhân nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các trung tâm hỗ trợ và báo với chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, Koa cho rằng những biện pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Trong trường hợp của cô, kẻ đeo bám vẫn có thể dựa vào kẽ hở của hệ thống pháp luật để thực hiện hành vi theo dõi.

“Ngày trước, khi tôi gọi điện cầu cứu cảnh sát, họ chỉ cảnh cáo hoặc đưa ra mức phạt nhẹ nhàng với người bạn trai cũ. Hắn chưa bao giờ bị xử phạt thích đáng vì vi phạm lệnh bảo vệ”, Koa nói.

Nhiều báo cáo cho thấy, khoảng 66% các vụ theo dõi đều được gây ra bởi nửa kia của nạn nhân. Ảnh: Getty Images.

Gần đây nhất, sau khi nhận được hai tin nhắn bí ẩn, cô đã tìm đến trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành ở địa phương. Trung tâm đã từ chối trường hợp này và khuyên cô nên liên hệ với cảnh sát khu vực.

Koa lập tức làm theo. Thế nhưng, phía cảnh sát chỉ đề nghị gọi điện cảnh cáo nghi phạm vì không có bằng chứng cụ thể. Điều này khiến Koa vô cùng lo lắng vì biện pháp này có thể kích động gã bạn trai cũ.

Trước lời giải trình của Koa, một trung úy tại sở cảnh sát khu vực trả lời: "Làm sao hắn có thể dừng tay nếu không biết rằng bạn đang cảnh cáo hắn?".

Thẩm phán Elizabeth Hines, chuyên xét xử các vụ án bạo lực gia đình ở Ann Arbor (bang Michigan, Mỹ), cho rằng các nạn nhân cần trình báo hành vi theo dõi của kẻ bạo hành càng sớm càng tốt để chặn đứng tình trạng này.

"Dù vi phạm nhỏ hay lớn, các nghi phạm phải bị cảnh cáo để không tiếp diễn hành vi đeo bám về sau", bà Hines nhấn mạnh.

Đấu tranh để giải phóng chính mình

Nhiều năm qua, Koa luôn sống với tư cách một nạn nhân của bạo lực gia đình. Cô không chắc liệu gã bạn trai cũ có đang trên đường tới Hawaii tìm cô hay không. Thế nhưng, cô đã chuẩn bị tinh thần để đối đầu trực diện với kẻ hủy hoại đời mình.

Trong buổi phỏng vấn với The Guardian, Koa bày tỏ lo ngại về tương lai của hai mẹ con, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Cô và con gái đang cân nhắc rời khỏi nước Mỹ, nhưng đó là chuyện khi đại dịch lắng xuống.

Mất niềm tin vào hệ thống pháp lý và bảo trợ xã hội, Koa quyết tâm tự mình bảo vệ bản thân và đấu tranh giải phóng chính mình. Ảnh: Shutterstock.

Koa cho biết hệ thống pháp luật và bảo trợ xã hội nước Mỹ đã không thể bảo vệ an toàn cho mẹ con cô. Vì vậy, cô đành phải dựa vào chính mình để đảm bảo sự an toàn và tìm lại tự do cho bản thân.

"Tôi sẽ không để chuyện này định nghĩa mình", cô khẳng định.

Cho đến hiện tại, đấu tranh để bảo vệ và giải phóng chính mình đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của cô. Những giấy tờ pháp lý, báo cáo của trạm cứu trợ và hàng chục bản ghi âm cuộc gọi đã trở thành "vũ khí" để Koa tự thân chống lại kẻ bạo hành, tìm kiếm cho mình một kết cục sau cùng.

Tên của các nhân vật trong bài đã được thay đổi để bảo vệ danh tính.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-chay-tron-hon-1-thap-ky-cua-nguoi-phu-nu-bi-bao-hanh-post1136640.html