Cuộc chạy đua vaccine COVID-19

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 21-9, có tổng cộng 187 dự án vaccine COVID-19 đang được nghiên cứu và phát triển toàn cầu, trong đó có 36 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và 9 loại đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III.

Thử nghiệm giai đoạn III là giai đoạn then chốt quyết định liệu vaccine có được đưa vào sử dụng hay không. Cuộc đua này, theo các nhà quan sát, diễn ra đan xen với cuộc đọ sức kép về khoa học và chính trị, sẽ có tác động quan trọng đối với công tác chống dịch và quản trị y tế công cộng trên toàn cầu.

Do việc nghiên cứu và phát triển vaccine đòi hỏi công nghệ cao nên quyền sản xuất vaccine thường nằm trong tay một số nước phát triển. 4 "ông lớn" về vaccine toàn cầu là GlaxoSmithKline của Anh, Pfizer và Merck của Mỹ và Sanofi Pasteur của Pháp đã chiếm 90% thị trường vaccine toàn cầu. Các công ty dược phẩm của Mỹ và châu Âu không những tiên phong trong việc phát triển các loại vaccine mới, mà còn chi rất nhiều tiền để đưa ra các phương án nghiên cứu và phát triển với các lộ trình công nghệ khác nhau, lập kế hoạch mua bán vaccine từ vài tháng trước đó.

Cuộc chạy đua vaccine COVID-19 đang đến hồi nước rút.

Cuộc chạy đua vaccine COVID-19 đang đến hồi nước rút.

Thậm chí, chính phủ còn đứng ra phát động cuộc đua điều chế vaccine. Tháng 4-2020, Mỹ đã khởi động chương trình "Operation Warp Speed" (chiến dịch thần tốc), được khởi xướng bởi Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá sinh học của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Chiến dịch đã chi ra hơn 12,3 tỷ USD để triệu tập các "ông lớn" về dược phẩm và sinh học cũng như các tổ chức và quân đội chính phủ các nước nhằm tăng tốc nghiên cứu và phát triển vaccine bằng cách thử nghiệm đồng thời nhiều dự án vaccine khác nhau.

Tháng 6-2020, vì lo ngại Mỹ có thể là nước đầu tiên có vaccine do Sanofi Pasteur sản xuất, Tổng thống Pháp Macron sau khi đi thị sát Sanofi Pasteur đã tuyên bố tăng cường hợp tác với công ty này để xây dựng Pháp trở thành một "cường quốc vaccine".

Sau khi Mỹ tuyên bố dự định chi 1 tỷ euro để mua bộ phận nghiên cứu vaccine của Công ty Công nghệ sinh học CureVac của Đức và chuyển nó đến Mỹ, Bộ Kinh tế Đức tuyên bố sẽ đầu tư 300 triệu euro vào CureVac, mua lại 23% cổ phần của công ty này và thay thế giám đốc điều hành bằng một người Đức. Hành động này được cho là để bảo vệ công ty không bị các công ty nước ngoài mua lại và đảm bảo rằng Đức được ưu tiên sử dụng vaccine do công ty này nghiên cứu.

Các nước như Đức, Pháp, Italy, Hà Lan còn thành lập Liên minh vaccine châu Âu để đẩy nhanh việc nghiên cứu và phát triển vaccine COVID-19 ở châu Âu và đảm bảo rằng các nước châu Âu được ưu tiên cung cấp vaccine. Tại Nga, vaccine COVID-19 có tên Sputnik V do Viện Nghiên cứu Gamalaya của Nga và Viện Nghiên cứu Trung ương 48 thuộc Bộ Quốc phòng nước này phối hợp nghiên cứu đã được nhà nước đăng ký, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, đơn vị bào chế và nghiên cứu vaccine COVID-19 cũng đã bắt đầu đến giai đoạn thử nghiệm trên khỉ vàng Macaca mulatta được nuôi phục vụ mục đích khoa học.

Không trực tiếp nghiên cứu, nhiều quốc gia khác cũng chọn biện pháp liên kết nhằm có được vaccine nhanh nhất có thể sau khi nó được đưa vào sử dụng. Các nước như Brazil, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã hợp tác với các công ty vaccine ở các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển vaccine, cho phép các công ty này thực hiện các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III ở nước mình. Chẳng hạn như Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc và Công ty Dược phẩm AstraZeneca của Anh đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn III ở Brazil, việc hợp tác giữa các công ty này với Brazil bao gồm cả thỏa thuận chuyển giao công nghệ và cho phép Brazil sau đó có thể tự sản xuất vaccine.

Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã ký một thỏa thuận với hai công ty của Anh và Mỹ để sản xuất vaccine COVID-19 do các đơn vị này nghiên cứu và phát triển. Argentina và Mexico cũng ký thỏa thuận với các công ty sản xuất vaccine để được ưu tiên mua với giá phù hợp.

Thực tế cho thấy, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đóng vai trò quyết định đối với diễn biến của quan hệ quốc tế và cạnh tranh về khoa học công nghệ thúc đẩy sự điều chỉnh trật tự toàn cầu. Nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine là một khía cạnh của công nghệ sinh học, cũng là một phần quan trọng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới hiện nay. Ngoài ra, những cân nhắc chính trị liên quan càng thúc đẩy cuộc chạy đua vaccine toàn cầu. Cuộc chạy đua này đan xen cả các yếu tố chính trị lẫn khoa học.

Thứ nhất, các nước đi đầu trong việc nghiên cứu và phát triển vaccine thành công có thể nhanh chóng khởi động lại nền kinh tế và khôi phục trật tự xã hội. Theo ước tính, tổng nhu cầu về vaccine COVID-19 của thế giới là hơn 3 tỷ liều với tổng trị giá là hơn 75 tỷ USD. "Người chiến thắng" trong cuộc đua vaccine sẽ chiếm được thị phần đáng để mong ước. Thứ hai, quyền ưu tiên có được vaccine sớm đã trở thành một phương tiện để chứng minh tính hiệu quả của hệ thống quản trị quốc gia.

Chống chọi được với đại dịch COVID-19 là một sự kiểm nghiệm đối với hệ thống quản trị của một quốc gia. Quyền ưu tiên được nghiên cứu, phát triển và sử dụng vaccine tượng trưng cho thực lực về khoa học và công nghệ của một nước, giúp nâng cao lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là đối với một số quốc gia đang xuất hiện sự chia rẽ trong cộng đồng vì đại dịch COVID-19.

Một điểm quan trọng nữa là các nước đi đầu trong nghiên cứu và phát triển vaccine có thể gia tăng tầm ảnh hưởng quốc tế thông qua việc chứng minh cho thế giới thấy họ có khả năng cung cấp sản phẩm chung toàn cầu. Thuật ngữ "ngoại giao vaccine" sẽ không còn xa lạ nữa. Cùng với đó là địa vị của an ninh sinh học trong an ninh quốc gia cũng vì thế mà tăng lên. Tự chủ an ninh sinh học là một phần không thể thiếu của an ninh quốc gia trong thời đại hiện nay.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/cuoc-chay-dua-vaccine-covid-19-618446/