Cuộc cách tân vật liệu cho đồ mỹ nghệ

Gặp nhà thơ - doanh nhân Phạm Quang Huy trong một sự kiện ra mắt sách vào đầu mùa Đông, anh hào hứng kể chúng tôi nghe về một dự án đã được triển khai gần nửa năm, làm đồ mỹ nghệ xuất khẩu bằng thứ vật liệu mới, để tránh việc đốn cây, phá núi, đem lại ích lợi hơn cho hệ sinh thái.

Chọn mệnh đề khó: Thay đổi nhu cầu người tiêu dùng

Huy được coi là một ông trùm composite miền Bắc trong suốt hơn hai thập kỷ nay. Thứ vật liệu xương sống mà anh sử dụng để sản xuất các mặt hàng phục vụ cho quân đội và ngành hàng hải là composite. Bên cạnh composite, composite 3D, UV và vật liệu Nano, còn có những vật liệu đặc thù khác như Polyurea, Polyurethane… Những mặt hàng anh chế tạo và sản xuất tại doanh nghiệp Nadicom của mình cũng thuộc loại khủng, như máy bay không người lái, nắp đậy radar, tàu thuyền, cano cao tốc, phụ kiện ô tô, đồ chơi trẻ em, những sản phẩm kỹ thuật cao…

Trong sản xuất có hai thể loại: Một là làm theo truyền thống, với những vật liệu truyền thống, theo nhu cầu quen thuộc của thị trường; Hai là sáng tạo sản phẩm mới hoàn toàn, định hướng người tiêu dùng và thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng. Với loại sản phẩm mỹ nghệ, trang trí dùng vật liệu composite, Phạm Quang Huy đã làm theo cách thứ hai. Vô cùng khó khăn và không phải doanh nhân nào cũng dám làm.

Nếu như trước kia, vật liệu mỹ nghệ thường là gỗ, đá, sành, sứ, mây tre, hoặc kim loại… thì nay, Huy mạnh dạn đưa vào chất liệu composite. Ý tưởng này đến với anh bất ngờ khi hơn một năm trước, có một người từ Pháp về đặt anh làm một loạt sản phẩm mỹ nghệ với chất liệu composite, và thế là như có ánh chớp xẹt qua, Huy nghĩ, ồ, tại sao ta lại không làm đồ mỹ nghệ từ chất liệu composite?

“Đồ mỹ nghệ từ chất liệu composite sẽ giúp bảo vệ môi trường, tránh tàn phá thiên nhiên khi khai thác quá mức vật liệu gỗ, đá, kim loại… Khi làm những đồ trang trí, gia dụng bằng composite thay thế cho vật liệu sành sứ, có ưu điểm là không gây sát thương như đồ sành sứ khi bị vỡ. Một ưu thế khác nữa cộng điểm thêm cho composite là độ bền cao, linh hoạt khi tạo dáng, đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn về kích cỡ…” – Anh Huy cho biết.

Dù mới thử nghiệm sản xuất đồ mỹ nghệ bằng chất liệu composite nhưng anh Huy đã có khách đặt hàng đưa sang một số nước ở châu Âu, có những khách hàng Mỹ, Nhật cũng tìm đến tận cơ sở của anh để đặt hàng lưu niệm. Bên cạnh việc tuyển thêm nhân sự thiết kế, anh Huy cùng đồng sự đang tập trung thực hiện kế hoạch đưa ra 300 mẫu sản phẩm mỹ nghệ, tìm kiếm một mặt bằng phù hợp tại Hà Nội để mở showroom đầu tiên, làm tiền đề cho dự án xuất khẩu quy mô hơn.

“Nếu sản xuất phát triển quá nhanh, không kịp chuẩn bị nhân sự lao động, thì anh giải quyết ra sao? Hiện nay, bài toán thiếu người lao động đang khiến những doanh nhân đau đầu?”

Trả lời cho câu hỏi đó, Huy mỉm cười khẳng định: “Lộn xộn và quy củ là hai mặt của sản xuất. Bất cứ thời kỳ nào, bất cứ doanh nghiệp nào, hay bất cứ đất nước nào vẫn thường xuyên phải đối mặt với điều đó. Đó là chuyện bình thường, tất nhiên thôi. Hiểu được triết lý đó của cuộc sống, thì không coi đó là áp lực nữa.”

Một nhân cách hấp dẫn

Có thể thấy một nhân cách hấp dẫn ở Phạm Quang Huy. Là một doanh nhân nhưng trên hết, anh là một kỹ sư say mê nghề của mình, không chỉ đam mê chế tạo những sản phẩm thuộc loại hàng khủng trong ngành kỹ thuật, mà bên cạnh đó, lại là những sản phẩm đầy tính lãng mạn và thơ trẻ như đồ mỹ nghệ trang trí, đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng… Trước mỗi một mặt hàng khác nhau, kích thích óc sáng tạo của người kỹ sư tài ba này, lại cũng khiến anh say sưa tìm hiểu và khai thác những loại vật liệu khác nhau, đem đến những hiệu ứng mới mẻ.

Kỹ sư Phạm Quang Huy

Kỹ sư Phạm Quang Huy

Huy cũng là một nhà thơ với tâm hồn lãng mạn, nhưng thơ anh không chỉ lãng mạn đơn thuần, mà mang hơi thở của triết lý, một triết lý sống của riêng anh, vừa đơn giản đến bất ngờ, mà lại cũng đau đáu nhân sinh khiến ta lắng lại suy tư giữa những con chữ nhỏ. Triết học đâu phải điều gì quá khó hiểu và phức tạp, mà chính là quan sát và suy nghĩ, rút ra những bài học hàng ngày.

Và nếu như những doanh nhân khác tìm vui trong du lịch, rượu ngoại, phụ nữ đẹp, thú chơi đồ cổ, hàng hiệu, xe hơi, điện thoại thông minh, thì anh Huy tìm niềm vui trong kiến thức mới. Giữa thời báo điện tử đè chết báo giấy, thì Huy lại lùng sục báo giấy để đọc. Anh cho rằng, báo điện tử chỉ hữu dụng khi muốn tìm tin nóng, nhưng khi muốn tìm triết luận, những kiến thức giá trị, cao sâu, thì phải đọc báo giấy. Mỗi tháng, anh tốn vài triệu đồng mua báo giấy, và luôn chắt chiu thời gian để ngốn sạch những thông tin thú vị trong những tờ báo đó.

“Trước trang sách không có kẻ giàu người nghèo

Bên trang sách sang hèn sấp bóng

Chỉ trí tuệ mới ngời ngời tỏa rạng

Người lớn khôn hơn người nhân hậu hơn lên”

(Trích tập Thơ Huy)

Người viết bài xin trích mấy câu thơ trong tập Thơ Huy của nhà thơ – doanh nhân Pham Quang Huy để tạm khép lại bài viết này. Bởi vượt lên mọi giá trị mà anh đang tạo ra cho cuộc sống, thì anh vẫn là một NHÀ THƠ.

Đặng Thanh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cuoc-cach-tan-vat-lieu-cho-do-my-nghe-539333.html