Cuộc 'cách mạng' về cải cách hành chính, phục vụ nhân dân (Bài 2): Tạo tiền đề quan trọng để xây dựng Chính phủ điện tử

Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đánh giá là 'tài nguyên quốc gia đắt giá', là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số. Thượng tá Tô Anh Dũng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội kiêm Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) đã chia sẻ với phóng viên ANTĐ những nội dung quan trọng của dự án.

Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của công dân - Ảnh: lam thanh

Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của công dân - Ảnh: lam thanh

- Phóng viên: Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an hết sức quan tâm, chỉ đạo sát sao. Đồng chí cho biết về sự cần thiết của việc xây dựng dự án này?

Thượng tá Tô Anh Dũng: Hiện nay ở nước ta việc quản lý dân cư mang tính đơn lẻ. Để phục vụ công tác quản lý Nhà nước của bộ, ngành mình, đồng thời bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng bộ, ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý Nhà nước đều cấp cho công dân một số loại giấy tờ. Chính vì vậy mà mỗi công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ khác nhau (giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ...).

Cùng với việc cấp các giấy tờ cho công dân, lâu nay, việc nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý Nhà nước của từng bộ, ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin chung về công dân giữa các cơ sở dữ liệu nên không khắc phục được tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin, không thống nhất về thông tin cơ bản trong các cơ sở dữ liệu… Thực trạng này gây lãng phí về kinh tế, nguồn nhân lực. Khi thực hiện thủ tục hành chính người dân phải mất thời gian đi sao, chứng thực các giấy tờ để chứng minh nhân thân, trong khi những loại giấy tờ liên quan đều chỉ sử dụng chung những thông tin về công dân giống nhau.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý Nhà nước nói chung và công tác nghiệp vụ của ngành công an là xu hướng tất yếu. Muốn làm được điều này, cần phải xây dựng và kết nối được hệ thống các cơ sở dữ liệu, trong đó cốt lõi là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc không chỉ phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân, khắc phục được các hạn chế, bất cập nêu trên, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số.

- Thời gian qua, Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được công an các địa phương tập trung tích cực triển khai. Đồng chí có thể thông tin một số kết quả bước đầu trong quá trình thực hiện?

- Đến nay, việc tổ chức triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Như Bộ Công an đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020. Lãnh đạo Bộ cũng chỉ đạo đẩy mạnh việc tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, đề xuất cải cách thủ tục hành chính phục vụ xây dựng dự án; tham mưu đề xuất Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí nguồn vốn thực hiện dự án.

Đa số các địa phương đã hoàn thành thu thập Phiếu thông tin dân cư với số lượng lên đến hàng chục triệu phiếu, đã nhanh chóng xử lý các phiếu thu thập được. Bộ Công an cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp triển khai cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh từ 1-1-2016, đến nay đã có khoảng 60 địa phương cấp số định danh cá nhân.

Vừa qua, Bộ Công an cho tiến hành triển khai, thực hiện thí điểm hệ thống quản lý dân cư tại Hải Phòng và các cơ sở dữ liệu về dân cư tại Hà Nội, Cần Thơ, Tây Ninh; tiến hành rà soát, bố trí nguồn nhân lực, đào tạo tập huấn; khảo sát hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những cố gắng và kết quả bước đầu nêu trên đã cơ bản tạo được tiền đề cho giai đoạn “nước rút” triển khai và cơ bản hoàn thành Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.

Thượng tá Tô Anh Dũng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội kiêm Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư

- Mốc thời gian năm 2020 cơ bản hoàn thành dự án liệu có phải là áp lực lớn đối với công an các đơn vị, địa phương, thưa đồng chí?

- Tôi cho rằng, áp lực là không thể tránh khỏi, nhưng trong đó có cả những áp lực tích cực, để lực lượng công an thêm quyết tâm để hoàn thành. Điều tôi muốn chia sẻ là việc triển khai dự án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án công nghệ thông tin nhóm A, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương với các quy trình thủ tục phức tạp về phương thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và cách thức tổ chức thực hiện mà từ trước đến nay chưa từng có trong tiền lệ.

Dự án có nhiều hạng mục công việc, phạm vi rộng; triển khai hạ tầng mạng, lắp đặt thiết bị với hàng chục nghìn thiết bị từ Trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn; rồi công tác đào tạo phần mềm sử dụng cho gần 20.000 người. Công tác thu thập, tạo lập và chuyển đổi dữ liệu dân cư gặp nhiều khó khăn do tính chất, đặc thù của từng địa bàn, nhất là tại địa bàn khu công nghiệp tập trung nhiều nhân khẩu tạm trú; địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có trình độ dân trí không cao... Với khối lượng công việc rất lớn, phạm vi triển khai rất rộng, thời gian rất cấp bách đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt với quyết tâm cao mới hoàn thành được mục tiêu đề ra.

- Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, theo đồng chí cần có những yêu cầu, giải pháp nào?

- Vấn đề này luôn được các đồng chí lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo, gợi mở sát sao. Trong đó, tập trung nghiên cứu sửa đổi, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành để phù hợp với lộ trình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong xây dựng và đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Một điều quan trọng khác là nhận thức và quyết tâm của toàn lực lượng công an, nhất là những bộ phận, những cán bộ chiến sĩ làm việc trực tiếp, liên quan đến dự án. Chúng ta đã cùng vượt qua chặng đường dài, tương đối thành công. Đích đang ở gần, và hiệu quả của dự án khi được ứng dụng vào đời sống xã hội sẽ là phần thưởng vô giá.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của đồng chí!

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nền tảng trong hệ thống các cơ sở dữ liệu

Vừa qua, Bộ Công an tổ chức lễ công bố Thông tư, quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, đồng thời ra mắt Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, có vai trò, vị trí, ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội. Trong đó, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư là trung tâm của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong toàn quốc. Việc quản trị, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là yếu tố sống còn của dự án.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, việc xây dựng một hệ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu nền tảng trong hệ thống các cơ sở dữ liệu của quốc gia, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giảm giấy tờ công dân, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Minh Hà (Thực hiện)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuoc-cach-mang-ve-cai-cach-hanh-chinh-phuc-vu-nhan-dan-bai-2-tao-tien-de-quan-trong-de-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-post442760.antd