Cuộc cách mạng kỹ thuật số nửa thế kỷ qua đã trải qua những giai đoạn nào?

Nền kinh tế mà chúng ta đang hướng tới hiện nay dựa chủ yếu vào dữ liệu, dùng dữ liệu để định hướng sáng tạo đổi mới cho nền kinh tế này.

Ông Daniel Castro, Phó chủ tịch Quỹ Công nghệ Thông tin và Đổi mới (ITIF) và giám đốc của Trung tâm Đổi mới Dữ liệu của ITIF

Trong bài phát biểu tại thảo luận về chia sẻ dữ liệu và cách thức các cơ quan quản lý rủi ro của quá trình số hóa mà không cản trở đổi mới sáng tạo ở đại sứ quán Mỹ mới đây, ông Daniel Castro, Phó chủ tịch Quỹ Công nghệ Thông tin và Đổi mới (ITIF) và giám đốc của Trung tâm Đổi mới Dữ liệu của ITIF cho biết bản thân ông học về công nghệ thông tin vậy nên trong quá trình hoạch định chính sách, các nhà quản lý cũng quan tâm nhiều đến việc đảm bảo an ninh an toàn trên không gian mạng.

Khi cùng nhìn vào quá trình đổi mới kỹ thuật số trong vòng 50 năm vừa qua, quá trình đầu tiên đó là nền kinh tế số dựa trên máy chủ main frame – kỷ nguyên các công ty như Microsoft hay IBM tung ra các máy chủ.

Sau đó thế giới chuyển sang làn sóng phát triển thứ 2, chúng tôi gọi kỷ nguyên này là kỷ nguyên mạng, khi đó người ta sử dụng máy tính có kết nối mạng, doanh nghiệp như Microsoft đưa ra phần mềm để người dùng cuối sử dụng. Thế rồi đến giai đoạn cuối những năm 1990 sang đầu năm 2000, kỷ nguyên của các công ty dotcom với sự hiện diện của các công ty như Yahoo hay Amazon phiên bản đầu tiên.

10 năm trở lại đây, thế giới chuyển sang nền kinh tế dựa vào dữ liệu, chúng ta dựa chủ yếu vào công nghệ di động, công nghệ phân tích dữ liệu lớn, công nghệ mạng xã hội…Và đến thời điểm hiện tại, thế giới hướng đến cả một nền kinh tế thuật toán, trong nền kinh tế này, thế giới sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ mạng Internet kết nối vạn vật hay công nghệ blockchain. Tất cả những loại công nghệ này sẽ mang đến nhiều tiềm năng cũng như cơ hội mới.

Nền kinh tế mà chúng ta đang hướng tới hiện nay dựa chủ yếu vào dữ liệu, dùng dữ liệu để định hướng sáng tạo đổi mới cho nền kinh tế này, dữ liệu giờ đây có khối lượng lớn hơn, độ chính xác của dữ liệu cao hơn, độ phân giải của dữ liệu cũng tốt hơn.

Ông Daniel Castro dẫn ra ví dụ của một chiếc máy bay Boeng. Trước đây máy bay chỉ phục vụ bay, thế nhưng giờ đây mỗi chuyến bay của máy bay Boeing, người ta thu về vô vàn các loại dữ liệu nhằm phục vụ đảm bảo an toàn bay cho các chuyến bay tiếp theo.

Dữ liệu giúp cho thế giới trên hai phương diện, thứ nhất khi có thêm dữ liệu, khả năng ra quyết định sẽ tốt hơn. Thứ hai, dữ liệu tốt hơn giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện sản xuất. Dữ liệu một mặt dùng để nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao năng suất lao động, mặt khác nó cũng giúp mang lại nhiều hiệu quả xã hội, ví như đảm bảo tốt hơn an toàn xã hội và cải thiện các vấn đề môi trường, đưa ra giải pháp giúp điều chỉnh tốt hơn trong nền kinh tế hoặc là hỗ trợ các cơ quan chính phủ, cơ quan công quyền hoạt động hiệu quả hơn.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo gần đây đã mang đến cho thế giới nhiều lợi ích, trong nhiều lĩnh vực thậm chí trí tuệ nhân tạo còn vượt trội so với con người. Trong chơi game chẳng hạn, với các loại cờ, máy tính cũng hay chiến thắng các nhà đại kiện tướng. Trong lĩnh vực y học, máy tính cũng được sử dụng để phát hiện ra nhiều căn bệnh như tim mạch hay ung thư da, ngực, ngoài ra có thể chuyển các ký tự thành chữ viết.

Trong cuộc sống riêng của con người, giờ đây con người được hưởng nhiều tiện ích từ các trợ lý ảo thông minh hoặc là công tơ, đồng hồ điện thông minh, chuông cửa, khóa cửa thông minh đang được ứng dụng. Hệ thống giao thông cũng đang được thay đổi dựa trên trí tuệ nhân tạo, chế độ tắt bật điều chỉnh chiếu sáng đều được sử dụng và vận hành bởi trí tuệ nhân tạo, ngoài ra thế giới có đường sá thông minh và thậm chí thùng rác cũng đang trở nên thông minh hơn.

NGỌC DIỆP

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/cuoc-cach-mang-ky-thuat-so-nua-the-ky-qua-da-trai-qua-nhung-giai-doan-nao-3523352.html