Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Người lao động cần lựa chọn nghề nghiệp phù hợp

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Theo ông Đào Ngọc Phượng – Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội, để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, người lao động cần xác định rõ năng lực sở trường của mình và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Người lao động cần xác định rõ năng lực

Để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, theo ông Đào Ngọc Phượng, người lao động cần xác định rõ năng lực sở trường của mình và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Người lao động cần có được các kỹ năng phù hợp với những công việc mới và luôn thay đổi; linh hoạt hơn, chuẩn bị cho các tình huống việc làm “phi tiêu chuẩn”. Đặc biệt, để chiến thắng trong cuộc chạy đua với quá trình tự động hóa và vi tính hóa, người lao động cần làm chủ được các kỹ năng sáng tạo và kỹ năng xã hội.

Ông Phượng đưa ra ví dụ thực tế, đối với ngành da giầy Việt Nam có vị trí cao trên thị trường thế giới, đứng thứ ba thế giới về sản xuất và thứ hai thế giới về xuất khẩu. Năm 2019, ngành da giầy cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động. Sản xuất da giầy là một trong các ngành công nghiệp chiếm nhiều lao động phổ thông nhưng chủ yếu áp dụng công nghệ thấp, máy móc có công nghệ đã lạc hậu, cũ kỹ năng suất lao động thấp.

Để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, người lao động cần xác định rõ năng lực sở trường của mình và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, người lao động cần xác định rõ năng lực sở trường của mình và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội chuyên sản xuất về giầy dép nội địa và xuất khẩu do vậy lực lượng lao động phổ thông là chủ yếu, số lượng lao động đông. Đặc biệt, người lao động không quen môi trường công việc công nghiệp, quen tự do; sự chấp hành, nhận thức tuân thủ kỷ luật lao động còn hạn chế; việc tiếp cận với máy móc thiết bị công nghiệp kém…

Để người lao động thích ứng được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công ty đã chủ động áp dụng máy móc thiết bị đơn giản, dễ học, dễ vận hành, phù hợp với nhiều đối tượng. Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ nhân viên hiểu về công nghiệp 4.0 là gì; mở các khóa đào tạo công nhân nhận thức cách nhìn nhận về xu thế phát triển công nghiệp; đưa máy móc thiết bị một số công đoạn vào sản xuất.

Bố trí sản xuất hợp lý, tăng năng suất lao động; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin; đầu tư, tạo điều kiện cho những nhà khoa học, kĩ sư sáng chế, biến ý tưởng triển vọng thành sản phẩm 4.0 thực tế...

Nâng cao trình độ công nghệ

Về những cơ hội và thách thức của người lao động trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phàn Cao su Hà Nội cho rằng: Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì việc chủ động chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tiếp cận thành tựu công nghệ mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thời cơ để nước ta đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng của người lao động cho việc ứng dụng cuộc cách mạng 4.0 là rất quan trọng giúp tăng cường năng lực hội nhập quốc tế và giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này đối với doanh nghiệp.

Nhiều cơ hội và thách thức của người lao động trước cuộc cách mạng 4.0

Cụ thể, việc tạo ra nhiều cơ hội trong nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh chuỗi sản phẩm; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số, Internet... là những thuận lợi căn bản và là thời cơ cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, do sự lạc hậu về công nghệ, sự suy giảm giá trị sản xuất kinh doanh, tình trạng dư thừa lao động phổ thông, lao động thiếu kĩ năng, trình độ thấp, thị trường lao động công nghệ cũ có thể bị phá vỡ, những sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp hoặc ít sẽ bị đào thải và cơ cấu của nền kinh tế có nguy cơ thay đổi theo hướng tiêu cực.

“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng lớn nhất là các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào áp dụng tốt đúng nhịp sẽ có cơ hội phát triển và bắt nhịp được nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp nào không đổi mới, qui mô hẹp, bị tụt hậu khả năng cao bị loại khỏi thị trường”, ông Phượng chia sẻ.

Ông Đào Ngọc Phượng: Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang diễn ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng sâu và rộng. Trong giai đoạn khởi phát của cách mạng công nghiệp 4.0, cần có sự nhận thức đầy đủ và có những biện pháp chủ động để các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, tranh thủ các lợi ích và hạn chế những tác động bất lợi từ cách mạng công nghiệp 4.0. Sự thành công của doanh nghiệp phụ thuộc vào ý thức của cán bộ công nhân viên và người đứng đầu doanh nghiệp.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-nguoi-lao-dong-can-lua-chon-nghe-nghiep-phu-hop-113017.html