Cuộc 'cách mạng' cấm túi nilon - 'kẻ giết người thầm lặng' ở các quốc gia châu Phi

Tanzania là quốc gia mới nhất ở châu Phi bắt đầu áp dụng lệnh cấm túi nilon từ ngày 1-6, trong nỗ lực loại bỏ chất thải nhựa khó phân hủy này nhằm bảo vệ môi trường. Một số quốc gia châu Phi dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng họ đã cấm sản xuất và sử dụng túi nilon từ 10 năm về trước. Dù kết quả thế nào, đây vẫn là động thái tích cực, rất đáng khích lệ.

Chỉ có 9% trong tổng số 9 tỷ tấn nhựa do thế giới làm ra được tái chế, phần lớn bị đem chôn lấp hoặc bỏ ra môi trường

Chỉ có 9% trong tổng số 9 tỷ tấn nhựa do thế giới làm ra được tái chế, phần lớn bị đem chôn lấp hoặc bỏ ra môi trường

Theo quy định mới ở Tanzania, lệnh cấm áp dụng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, bán và sử dụng tất cả các túi nilon sử dụng một lần. Người nào bị bắt gặp sản xuất túi nilon có thể nhận án tù 2 năm hoặc bị phạt số tiền lên tới 400.000 USD. Bất cứ ai bị phát hiện mang theo túi nilon đều có thể bị phạt tại chỗ 13 USD. Chính phủ cũng đã cảnh báo khách du lịch không mang túi loại này khi nhập cảnh vào nước này, nơi có các điểm tham quan nổi tiếng như Núi Kilimanjaro và Serengeti.

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) hoan nghênh lệnh cấm này của Tanzania, khi gọi nhựa là “kẻ giết người thầm lặng trong môi trường tự nhiên của chúng ta”. “Túi nilon thông thường phải mất 100 năm mới bị phân hủy. Chúng tôi rất vui khi Tanzania nằm trong số rất ít các quốc gia châu Phi cấm sử dụng”, Giám đốc WWF ở Tanzania Amani Ngusaru nói.

Tín hiệu đáng mừng ở châu Phi

Túi nilon được sử dụng hàng ngày trên khắp châu Phi, các lệnh cấm được hy vọng sẽ giải quyết loại rác thải phổ biến này. Đi đầu trong công cuộc này là Rwanda, nước đã đưa ra lệnh cấm túi nilon hơn 10 năm trước. Theo ông Patrick Mwesigye thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), chiến dịch thành công là bởi vì trước khi cấm, việc sản xuất túi nilon ở Rwanda còn chưa phổ biến.

Gần đây, tháng 3-2017, Kenya đã đưa ra một trong những lệnh cứng rắn nhất thế giới: Chỉ cần có hành vi vi phạm về lệnh cấm túi nilon có thể bị phạt tới 4 năm tù hoặc nộp 38.000 USD. “Ở Kenya, nó đã rất hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng nhập lậu túi nilon từ nước láng giềng”, ông Mwesigye nói.

“Kenya là đất nước của những người chăn thả gia súc, ngư dân và du lịch. Sự hiện diện của túi nilon đã khiến những ngành đó phải chịu hậu quả nặng nề”, ông Ongare nhấn mạnh. Ông David Ongare, Giám đốc thừa hành pháp luật về môi trường của Kenya cho biết, nước này sẵn sàng áp đặt nhiều lệnh cấm nữa trong tương lai cho đến khi đạt được kết quả mong muốn.

Nhựa mất hàng chục năm, thậm chí hàng thế kỷ để có thể phân hủy. Khi đó, những mảnh vật liệu nhỏ li ti trải khắp bề mặt đại dương hoặc hòa vào đáy biển và bãi biển. Chúng kết thúc hành trình trong chuỗi thức ăn của cá, chim và các động vật khác, do đó xâm nhập vào hải sản được con người tiêu thụ, khi đó, chúng vào chính cơ thể chúng ta. Các nhà khoa học ước tính có tới 236.000 tấn microplastic trong đại dương nhưng tác hại của nó đối với sức khỏe con người tới nay vẫn chưa tính toán được hết.

Đối với Tunisia, lệnh cấm nhằm thiết lập chính sách xanh hơn cũng bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1-3-2017 với yêu cầu tất cả các chuỗi siêu thị ngừng phân phối túi nilon. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ DW (Đức), Afif Fantar - kỹ sư của Trung tâm Quốc tế về Công nghệ Môi trường Tunis cho biết: “Tôi đã thấy một sự thay đổi nhỏ ở Thủ đô Tunis nơi tôi đang sống. Việc sử dụng túi nilion đã được giảm bớt và tình hình trên đường phố cũng tốt hơn”. Được biết, Tunisia đã cân nhắc cắt giảm sử dụng túi nilon từ nhiều năm trước, nhưng việc thực hiện đã bị trì hoãn. “Tôi thấy một tương lai tốt đẹp hơn cho xã hội của chúng ta trong những năm tới”, anh Fantar nói.

Trong hơn 10 năm kể từ khi lệnh cấm túi nilon được áp dụng ở các quốc gia châu Phi, những tiến triển dù là khiêm tốn đã được ghi nhận. Hiệu quả nhất có thể kể ra như Rwanda hay quần đảo Zanzibar ở Tanzania. Các lệnh cấm tương tự đã được ban hành ở Botswana, Eritrea, Mauritania, Morocco, Rwanda, Nam Phi và Uganda, nhưng thực tế vẫn chưa thấy rõ. Hệ thống quản lý kém và thói quen xả rác khiến triển vọng của xã hội không rác thải nhựa là phi thực tế, nhưng dù sao các nhà hoạt động môi trường đã đánh giá thà hành động còn hơn không.

Các mặt hàng túi vải đang dần phổ biến, thay thế cho túi nilon ở Tanzania

Rác thải nhựa - nguy cơ khó lường

Không chỉ châu Phi, cho dù ở châu Âu hay châu Á, không khó để nhận thấy rằng đồ nhựa có ở khắp mọi nơi. Nó được sử dụng trong tất cả các loại sản phẩm hàng ngày, như ống kem đánh răng, ghế, đồ chơi, thiết bị điện và điện tử như máy tính. điện thoại di động…

Ai cũng biết, nhựa phổ biến trong cuộc sống hiện đại bởi nó nhẹ, mềm dẻo, dễ đúc, dễ vận chuyển, bền và dễ vệ sinh. Bên cạnh đó, có rất ít lựa chọn thay thế cho vật liệu nhựa nếu tính đến lợi ích kinh tế. Chính vì sự tiện lợi và độ bền của chúng mà khi thế giới nhận ra hệ quả của việc lạm dụng nhựa thì có vẻ như đã muộn. Việc đổ chai, túi và cốc nhựa sử dụng một lần, tương đương với 8 triệu tấn chất thải nhựa vào đại dương mỗi năm được cảnh báo sẽ dẫn đến việc đại dương của chúng ta chứa nhiều rác hơn cá vào năm 2050, trong khi ước tính 99% tất cả các loài chim biển sẽ ăn phải nhựa. Thậm chí còn có bằng chứng cho thấy chất thải nhựa đe dọa độ phì nhiêu của đất.

Nhựa mất hàng chục năm, thậm chí hàng thế kỷ để có thể phân hủy. Khi đó, những mảnh vật liệu nhỏ li ti trải khắp bề mặt đại dương hoặc hòa vào đáy biển và bãi biển. Chúng kết thúc hành trình trong chuỗi thức ăn của cá, chim và các động vật khác, do đó xâm nhập vào hải sản được con người tiêu thụ, khi đó, chúng vào chính cơ thể chúng ta. Các nhà khoa học ước tính có tới 236.000 tấn microplastic trong đại dương nhưng tác hại của nó đối với sức khỏe con người tới nay vẫn chưa tính toán được hết.

Cần giải pháp đồng bộ và lâu dài

Trong khi đó, không nơi nào những rắc rối liên quan đến rác thải nhựa lại nhức nhối như ở châu Á, nơi nhiều bãi biển ngập rác và các bãi rác đang lan tràn khắp nơi. “Mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở châu Á (trừ Nhật Bản) là khoảng 40kg so với mức tiêu thụ bình quân đầu người là 140kg ở các nước phương Tây.

Sự tăng trưởng hàng năm của ngành nhựa ở một số nước châu Á cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của họ”, Surendra Patawari Borad, một doanh nhân điều hành một công ty tái chế ở Bỉ và Mỹ đồng thời chủ trì ủy ban nhựa tại Cục Tái chế Quốc tế (BIR) có trụ sở tại Thủ đô Brussels cho biết. Ông Borad lý giải mức sống ngày càng tăng ở châu Á đang thúc đẩy thói quen của người tiêu dùng, vì thế rác thải ngày càng gia tăng.

Mặc dù châu Á được cho là đóng góp nhiều hơn vào nạn ô nhiễm nhựa, châu Âu và các nước tiên tiến khác cũng là nguyên nhân do đã xuất khẩu trái phép một lượng lớn phế liệu nhựa sang châu Á. Trung Quốc hồi đầu năm 2018 quyết định cấm nhập khẩu phế liệu nhựa để ngăn các quốc gia EU xuất sang hàng triệu tấn rác. Lệnh cấm này đã khiến thế giới phải “mở to mắt” về sự thật chúng ta đang phải đối mặt, đó là vấn đề rác thải và tái chế khó kiểm soát.

Trong bối cảnh đó, dù là bất cứ quốc gia nào, muốn “đoạn tuyệt” với nhựa đều phải xác định con đường dài gian nan phía trước. Tháng 3-2019, Ủy ban châu Âu (EC) đã bỏ phiếu về lệnh cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, như ống hút, khuấy, đĩa và bông, và thay thế chúng bằng các vật liệu bền vững hơn kể từ năm 2021. Chiến lược của EC cũng nhằm tiến tới mục tiêu tất cả các bao bì nhựa có thể tái chế hoặc tái sử dụng vào năm 2030.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng, tất cả chúng ta có thể bắt đầu ngay bây giờ bằng cách loại bỏ hoặc giảm việc sử dụng đồ nhựa một lần không cần thiết, nhưng cũng cần các giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề nhựa đại dương, từ chế tạo vật liệu và sản phẩm đến thu gom và tái chế rác thải. Bên cạnh đó, cần giáo dục người dân về cách xử lý nhựa theo cách thân thiện với môi trường, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tái chế cũng như vạch ra lộ trình, mục tiêu cụ thể về tái chế.

Việc cấm sản phẩm nhựa sử dụng một lần là một bước đi hợp lý, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề rác thải nhựa là tập trung thu gom và quản lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường bền vững, lâu dài.

Yến Chi (Theo DW)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/cuoc-cach-mang-cam-tui-nilon-ke-giet-nguoi-tham-lang-o-cac-quoc-gia-chau-phi/813012.antd