Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ: Mốc son đấu tranh đầu tiên của Đảng bộ Quảng Ngãi

Hưởng ứng chủ trương của Trung ương Đảng trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, nhất là thực hiện nhiệm vụ 'chia lửa' với Xô Viết - Nghệ Tĩnh, cách đây 90 năm, đêm ngày 7, rạng sáng 8.10.1930, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Huyện ủy Đức Phổ, cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ diễn ra và giành thắng lợi trong thế chủ động.Phát huy truyền thống yêu nước

Chia lửa với Xô Viết - Nghệ Tĩnh

Để chuẩn bị kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1.5.1930, Trung ương Đảng phát động phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước. Từ đó, phong trào cách mạng dâng lên mạnh mẽ, đỉnh cao là ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Trung tâm TX. Đức Phổ nhìn từ trên cao.

Tháng 6.1930, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, của Xứ ủy Trung kỳ, Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định phát động đấu tranh chia lửa với phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Giai đoạn này ở Quảng Ngãi, khí thế cách mạng khá mạnh, đặc biệt là ở các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Sơn Tịnh...

Cuối tháng 9.1930, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phát động đợt đấu tranh sâu rộng trong toàn tỉnh để hưởng ứng và ủng hộ Xô Viết - Nghệ Tĩnh; phản đối thực dân Pháp và tay sai đàn áp dã man đồng bào Nghệ - Tĩnh. Hình thức đấu tranh chủ yếu là mít-tinh, biểu tình, rải truyền đơn, treo băng, cờ, khẩu hiệu... Những cuộc mít-tinh, biểu tình đã thu hút đông đảo quần chúng, đặc biệt là nông dân tham gia. Tỉnh ủy chọn huyện Đức Phổ làm thí điểm, vì phong trào cách mạng ở địa phương lúc này khá mạnh, là nơi có tổ chức cơ sở đảng của tỉnh ra đời sớm nhất và có cơ quan Tỉnh ủy đứng chân.

Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm, tối ngày 7.10.1930, lực lượng biểu tình ở 20 làng trong huyện Đức Phổ đã tề tựu tại điểm tập kết gò Cây Thị, Lộ Bàn (nay thuộc phường Phổ Ninh). Sau khi nghe Tỉnh ủy vạch trần tội ác của bọn thực dân, phong kiến, tuyên truyền đường lối của Đảng... đã hun đúc khí thế sục sôi tinh thần đấu tranh cho 3.000 người tham gia biểu tình. Họ mang theo dùi, gậy, dây thừng, cờ đỏ búa liềm kéo về huyện lỵ Đức Phổ...

Tiếng hô khẩu hiệu, tiếng thúc giục “tiến lên, tiến tới” xen lẫn tiếng trống mõ, tù và vang lên rộn rã. Đến rạng sáng ngày 8.10, đoàn người biểu tình kéo về huyện lỵ Đức Phổ đã lên 5.000 người và đi đến đâu quần chúng theo đến đó, với nhiều vật dụng được mang theo và khẩu hiệu đấu tranh.

Phù điêu ghi nhớ sự kiện biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ vào rạng sáng ngày 8.10.1930.

“Trước sức ép của đoàn biểu tình, tri huyện Đức Phổ lúc bấy giờ là Nguyễn Phan Lang và toàn bộ lại mục, lính bỏ chạy lên vùng Gò Hội. Đoàn biểu tình xông vào Huyện đường, đốt công văn, hồ sơ, giải phóng tù nhân, treo cờ, rải truyền đơn... Đến 7 giờ sáng, đoàn biểu tình đã làm chủ huyện lỵ, rồi tuần hành trong khu vực trung tâm huyện và các xã lân cận, sau đó giải tán”, thương binh Ngô Văn Bưng (gần 80 tuổi), ở thôn Lộ Bàn, có bố tham gia cuộc biểu tình hôm đó, kể.

Còn cụ Nguyễn Thị Đường (83 tuổi) cho biết: "Trước đây cứ mỗi lần kỷ niệm ngày biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ, bố tôi và các chú, các bác lại kể câu chuyện về cuộc biểu tình này cho chúng tôi nghe. Theo bố tôi, ngày hôm đó nhân dân các làng ở 3 tổng từ già đến trẻ tay cầm gậy gộc, bước đi trong tiếng trống, tiếng mõ, trong lòng hừng hực khí thế...

Mốc son chói lọi

Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy mà trực tiếp là Huyện ủy Đức Phổ đã giành thắng lợi, mở ra cao trào cách mạng mới của Quảng Ngãi.

Cùng thời gian này, Đảng bộ huyện Mộ Đức đã vận động quần chúng lao động ở Gò Huyện, Đồng Ngỗ, Bàu Gốc, Phú An, Chú Tượng, Thi Phổ, Bồ Đề... tập trung tại Cống Cao- Thiết Trường (Đức Tân), nghe diễn thuyết. Đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu, phản đối thực dân Pháp và Nam triều tàn sát đồng bào Nghệ - Tĩnh. Đồng thời, đội phòng triệt của huyện đã làm vật cản chắn ngang Quốc lộ 1 và đường từ Thạch Trụ đi Ba Tơ, ngăn cản địch vào và trên Ba Tơ xuống đàn áp; hỗ trợ cho nhân dân Đức Phổ đấu tranh thắng lợi...

Học sinh Trường THCS Phổ Ninh (TX.Đức Phổ) tham quan Di tích Gò Cây Thị. ẢNH: PV

Theo ông Hoàng Nam Chu, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Phổ, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu nhận xét rằng, thắng lợi của cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ ngày 8.10.1930, là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh không chỉ của nhân dân Quảng Ngãi những năm đầu thế kỷ XX, mà còn là một điểm nhấn quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc biểu tình mãi là niềm tự hào, là biểu tượng về truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, quật cường của nhân dân Đức Phổ, nhân dân Quảng Ngãi nói riêng, nhân dân cả nước nói chung kể từ khi có Đảng lãnh đạo. Cuộc biểu tình giành thắng lợi không chỉ cổ vũ, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của phong trào trong toàn tỉnh và các tỉnh miền Trung, mà còn đóng góp vào cao trào cách mạng 1930 - 1931 của cả nước.

Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ có ý nghĩa lịch sử to lớn, thể hiện vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi khi mới thành lập. Đó là sự sáng suốt, nhạy bén, kiên quyết, táo bạo, nắm vững đường lối của Đảng. Đó là lòng tin tuyệt đối vào Đảng Cộng sản của quần chúng. Dân tin Đảng, Đảng dựa vào dân đã tạo nên sức mạnh cho cuộc biểu tình. Đảng ta nhận định: “Quảng Ngãi tuy phong trào chưa bằng Nghệ - Tĩnh, nhưng nó vẫn là mạnh nhất phía nam Trung Kỳ”.

“Cuộc biểu tình chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng với thắng lợi của cuộc biểu tình, sự kiện đó có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng tỉnh Quảng Ngãi và huyện Đức Phổ.

Cuộc biểu tình đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt và toàn diện về tư tưởng, đường lối chính trị của Tỉnh ủy Quảng Ngãi”, GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định.

Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Đức Phổ Nguyễn Kiên cho biết: "Phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của quê hương, trong 90 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi nói chung và nhân dân TX.Đức Phổ nói riêng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hy sinh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ngày nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân TX.Đức Phổ tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương, từng bước ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Đầu năm 2020, huyện Đức Phổ chính thức được công nhận là thị xã, với 15 đơn vị hành chính gồm 7 xã, 8 phường.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất của Đức Phổ tăng bình quân gần 17%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể có nhiều tiến bộ. Quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Bài, ảnh: BÁ SƠN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202010/cuoc-bieu-tinh-chiem-huyen-duong-duc-pho-moc-son-dau-tranh-dau-tien-cua-dang-bo-quang-ngai-3025195/