Cúng xe, từ văn hóa dân gian Nam Bộ cho tới tục lệ lái xe nào cũng phải biết

Với mong muốn cầu bình an, may mắn, khi mua một chiếc xe hoặc với những người kinh doanh vận tải, hầu hết mọi người đều cúng xe như một tục lệ không thể thiếu.

Ô tô với người Việt Nam không chỉ là một phương tiện đi lại mà còn là một tài sản, thậm chí là một gia tài. Khi sở hữu một chiếc, chủ xe luôn muốn được bình an và may mắn trong quá trình sở hữu xe vì vậy tục lệ cúng xe từ đó mà đời.

Đối với những người kinh doanh dịch vụ vận tải, họ thường tổ chức cúng xe định kì hàng tháng: người miền Nam, miền Trung cúng vào ngày mùng 2 và 16 hàng tháng, còn người Bắc cúng xe vào mùng 1 và 15 âm lịch.

Cúng xe như một tục lệ không thể thiếu của cánh tài xế miền Nam

Cúng xe như một tục lệ không thể thiếu của cánh tài xế miền Nam

Ngoài ra, khi mua xe mới, cúng xe được cho là lễ nghi mà chủ xe không thể nào bỏ qua vì theo quan niệm tâm linh của người Á Đông "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Nhiều người kĩ tính còn chọn cả ngày lành, tháng tốt để mua xe, sắm lễ cúng xe sao cho đầy đủ nhất.

Anh Minh, quê ở Bến Tre, đang chạy xe khách tuyến Tp.HCM - Bến Tre thường cúng đồ chay trước xe vào ngày mùng 2 và 16 âm lịch. Còn ngày thường thì thắp hương hoa quả trên bàn thờ bên trong xe.

Bàn thờ trong xe là miếng sắt sơn hoặc inox nhỏ bày chính giữa, ngay sau kính xe. Trên bàn thờ có bình hoa, ống cắm hương và tùy người, có thêm cả tượng Phật bà Quan Âm, Thần tài... Đồ cúng ngày thường là hoa và một đĩa hoa quả.

Lễ vật cúng xe thường giống như đồ thờ cúng thường ngày

Theo anh Minh, mùng 2 và 16, sau khi chạy xe về bến, rửa xe sạch sẽ, anh thường bày đồ trước xe cúng. Đồ chay gồm cháo, đường táng, bánh ngọt và thêm cả xấp tiền, đô la âm phủ. Người cúng đơn giản là cúng chay như anh Minh, nhưng nhiều người còn cúng xe bằng heo quay, bánh mì, bánh hỏi, xôi gà… cùng đầy đủ hương hoa.

Trước đây, tục cúng xe chỉ có ở miền Trung, miền Nam nhưng nay cả miền Bắc, khi mua xe, chủ xe cũng duy tâm và cúng xe như một tục lệ không thể thiếu. Không chỉ cúng ô tô, ngay cả với những chiếc xe máy đắt tiền, chủ xe cũng cúng xe. Ở miền Nam, khi cúng xe mới, các lễ vật thường là 1 bình hoa tươi, 1 đĩa trái cây, 1 đĩa thịt lợn quay hay gà luộc, lợn luộc, 1 xấp tiền vàng mã, 3 li rượu, 3 li trà, 1 đĩa muối trắng.

Cúng xe mới được cho là giúp chiếc xe bình an và may mắn

Bài khấn trong tục cúng xe đa số được “dân ôm vô-lăng” truyền miệng nhau và thường là những lời khấn nôm. Được biết, nhiều tài xế hay chủ xe cao tuổi vẫn thuộc lòng những bài khấn cổ, tuy nhiên những bài khấn này càng ngày càng mai một. Đôi khi, chủ xe chỉ khấn theo sự thành tâm chứ không theo bất kì bài khấn nào.

Dù chỉ mang tính chất tâm linh, nhưng tục lệ đã được lưu truyền như một nét đẹp trong văn hóa dân gian Nam Bộ hàng trăm năm qua và tạo tâm lý an tâm cho người lái xe kinh doanh hoặc chủ xe khi tham gia giao thông.

Có rất nhiều bài cúng xe và đều do lưu truyền miệng

Chuyện cúng xe là chuyện không sai. Đó âu cũng là để người tài xế bình tâm trên đường và tin vào những điều tốt đẹp. Song, hơn hết, vẫn cần ở người lái xe việc chấp hành đúng luật, chạy cẩn thận. Không gì bằng ý thức bảo vệ tính mạng cho chính mình và người tham gia giao thông trong thực tế.

Bởi Sơn Phạm, 10:34, 14/07/2018

Nguồn Cartimes: http://cartimes.vn/bai-viet/cung-xe-tu-van-hoa-dan-gian-nam-bo-cho-toi-tuc-le-lai-xe-nao-cung-phai-biet-756.htm