Cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho phụ nữ và trẻ em gái

Chúng ta không thể trở thành một cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo, phát triển bền vững nếu thiếu sự tham gia quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái', Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN.

Thiệt thòi trong tiếp cận và thụ hưởng cơ hội

Theo Thủ tướng, trong ASEAN, kể từ năm 1967 đến nay, phụ nữ ASEAN đã có những cống hiến rất tích cực vào tăng trưởng và thịnh vượng của các nước thành viên. Đáng chú ý, số lượng phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đã tăng đáng kể gần đây, nhiều phụ nữ là chủ tịch hội đồng quản trị hay giám đốc điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Ở Việt Nam, Chính phủ cũng đã chủ động triển khai lồng ghép các sáng kiến ưu tiên vào các chương trình, đề án cấp quốc gia, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái. Hàng năm, Chính phủ dành một khoản 2,6% GDP trong các chính sách, chương trình trợ giúp xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái.

Điểm nổi bật là Việt Nam nỗ lực thực hiện Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp Quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt, đối xử chống lại phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ đạt 70,7%/năm. Tỷ lệ phụ nữ làm chủ DN tăng, có tới 98% số DN do phụ nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội khóa 14 (2016-2021) đạt 27,1% - mức cao hơn khu vực và thế giới. Tỷ lệ lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội chiếm gần 50% trong tổng số người tham gia. Tỷ lệ phụ nữ là nhà nghiên cứu khoa học, chủ các đề án, đề tài cấp bộ, cấp Nhà nước tăng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ một thực tế là phụ nữ dù chiếm 45% lực lượng lao động ở khu vực Đông Nam Á với dân số hơn 640 triệu người và quy mô GDP hàng năm tăng khá đồng đều, nhưng mức thu nhập của phụ nữ trong khu vực nói chung còn thấp hơn nam giới làm cùng một công việc, chênh lệch trung bình lên tới 25% ở một số quốc gia. Theo báo cáo của Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc, nền kinh tế ASEAN tăng trưởng mỗi năm ở mức 5% trong thập kỷ vừa qua nhưng phụ nữ chỉ đóng góp vào 11% tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các Bộ trưởng/trưởng đoàn dự Hội nghị. Ảnh: Mạnh Dũng

Tăng cường an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau

Bày tỏ vinh dự được nhận chuyển giao vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN (AMMW) lần thứ 3 giai đoạn 2018- 2021 từ Bộ trưởng Phillipin Rhodora T.Masilang Bucoy - Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung cho biết: “Để hướng tới một cộng đồng phát triển bền vững, tự cường và năng động như Tầm nhìn của ASEAN đến năm 2025, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo tiếp cận đồng đều các cơ hội cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em gái, làm tiền đề cho sự tiến bộ và bình đẳng trong khu vực chúng ta”.

Theo Bộ trưởng, những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc trong cục diện thế giới và khu vực cùng quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, song cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn, nhất là đối với phụ nữ.

“Không thể có một mô hình an sinh xã hội đơn lẻ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trong mọi trường hợp. Do đó các Bộ trưởng và các bạn ASEAN sẽ cùng sát cánh với Việt Nam trong 3 năm tới trên cương vị Chủ tịch nhằm tăng cường và thúc đẩy hợp tác ASEAN về an sinh xã hội cho người dân. Cùng nắm tay nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp cho hơn một nửa dân số là những phụ nữ và trẻ em gái của ASEAN”, Bộ trưởng nói.

Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN lần thứ lần 3 được tổ chức là cuộc họp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN kể từ khi Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập vào cuối năm 2015.

Các Bộ trưởng đã thảo luận và thống nhất về bản Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 3 tại Việt Nam để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ được tổ chức vào tháng 11-2018 tại Singapore. Bản Tuyên bố tập trung vào các nội dung chính bao gồm: Đào tạo và tăng cường các kỹ năng mới cho phụ nữ, hình thành mạng lưới học tập suốt đời tại ASEAN, phù hợp với sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đảm bảo việc làm bền vững cho tất cả mọi người, chấm dứt mọi rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các nguồn lực, việc làm; và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt thông qua việc hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách bảo hiểm xã hội; mở rộng độ bao phủ tới mọi đối tượng, bao gồm khu vực phi chính thức và người lao động di cư.

Trong thời gian qua, ASEAN đã có những bước tiến quan trọng về bình đẳng giới và tăng cường quyền năng, vai trò của phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là những đối tượng thiệt thòi hơn trong tiếp cận và thụ hưởng các cơ hội, các nguồn lực. Nguyên nhân căn bản là những định kiến giới về giá trị, vai trò của nam và nữ. Đòi hỏi trong thời gian tới, các nước ASEAN sẽ sát cánh hơn nữa để giải quyết những vấn đề này.

Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN lần thứ lần 3 được tổ chức là cuộc họp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN kể từ khi Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập vào cuối năm 2015. Các Bộ trưởng đã thảo luận và thống nhất về bản Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 3 tại Việt Nam để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ được tổ chức vào tháng 11-2018 tại Singapore.

Bản Tuyên bố tập trung vào các nội dung chính bao gồm: Đào tạo và tăng cường các kỹ năng mới cho phụ nữ, hình thành mạng lưới học tập suốt đời tại ASEAN, phù hợp với sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đảm bảo việc làm bền vững cho tất cả mọi người, chấm dứt mọi rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các nguồn lực, việc làm; và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt thông qua việc hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách bảo hiểm xã hội; mở rộng độ bao phủ tới mọi đối tượng, bao gồm khu vực phi chính thức và người lao động di cư.

Trong thời gian qua, ASEAN đã có những bước tiến quan trọng về bình đẳng giới và tăng cường quyền năng, vai trò của phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là những đối tượng thiệt thòi hơn trong tiếp cận và thụ hưởng các cơ hội, các nguồn lực. Nguyên nhân căn bản là những định kiến giới về giá trị, vai trò của nam và nữ. Đòi hỏi trong thời gian tới, các nước ASEAN sẽ sát cánh hơn nữa để giải quyết những vấn đề này.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cung-xay-dung-mot-tuong-lai-tot-dep-hon-cho-phu-nu-va-tre-em-gai-125454.html