Cùng vượt qua đại dịch, tăng cường sức chống chịu trước thiên tai

Chủ đề Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2021 là 'Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép' nhấn mạnh đến việc các quốc gia cùng chung sức để vượt qua dịch bệnh, khôi phục kinh tế, tăng cường sức chống chịu trước thiên tai.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Mưa lớn gây sạt lở đất đá ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông tại quốc lộ 4D (tuyến đường từ thành phố Lào Cai lên thị xã Sa Pa). Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN

Mưa lớn gây sạt lở đất đá ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông tại quốc lộ 4D (tuyến đường từ thành phố Lào Cai lên thị xã Sa Pa). Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN

Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10) với chủ đề “Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép”, ông có thể cho biết ý nghĩa của thông điệp này?

Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai được bắt đầu vào năm 1989 do Đại hội đồng Liên hợp quốc khởi xướng để tôn vinh các nỗ lực và văn hóa toàn cầu trong đấu tranh sinh tồn với thiên tai và thúc đẩy mỗi cá nhân và Chính phủ các quốc gia chung tay xây dựng môi trường an toàn hơn trước thiên tai. Từ năm 2009, Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai được tổ chức cố định vào ngày 13 tháng 10 hằng năm. ASEAN cũng lấy ngày này để kỷ niệm Ngày Quản lý thiên tai ASEAN.

Theo Văn phòng Liên hợp quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNDRR), chủ đề của năm 2021 tập trung vào Mục tiêu của Khung hành động toàn cầu Sendai về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tăng cường hợp tác quốc tế để giúp các nước đang phát triển giảm nhẹ rủi ro và thiệt hại do thiên tai thông qua hỗ trợ phù hợp, bền vững, thực hiện các hành động cấp quốc gia nhằm hoàn thành các mục tiêu của Khung Sendai vào năm 2030.

Chủ đề “Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép” nhấn mạnh rằng trong bối cảnh toàn cầu nói chung và khu vực ASEAN nói riêng đang phải đối mặt với thảm họa chưa từng có là đại dịch COVID-19 và thiên tai diễn ra rất phức tạp, cực đoan trên quy mô toàn cầu. Trong một thế giới phẳng nơi mà các quốc gia, các lãnh thổ đều có ảnh hưởng lẫn nhau để giải quyết các vấn đề mang tính liên quốc gia, cùng vượt qua thách thức kép.

Cụ thể, tại Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thực hiện chủ trương thúc đẩy ngoại giao vaccine nhằm đảm bảo tăng tỷ lệ tiêm vaccine cho mọi người dân trong thời gian sớm nhất. Trong đợt mưa lũ lịch sử miền Trung vào tháng 10/2020, chỉ sau 1 thời gian ngắn kêu gọi, con số hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước cho đồng bào miền Trung đã lên đến hơn 25 triệu USD. Ngoài sự hợp tác trực tiếp như viện trợ, hỗ trợ các nguồn lực, các tổ chức đối tác trong phòng, chống thiên tai đã hợp tác với phía Việt Nam để chuyển giao kỹ thuật, khoa học và công nghệ, hợp tác trao đổi thông tin, đổi mới trong quản trị rủi ro thiên tai, thảm họa để các quốc gia đang phát triển tăng cường khả năng chống chịu trước cả thiên tai và dịch bệnh.

Có thể thấy. cùng nhau hợp tác vượt qua thách thức kép, chính là chìa khóa, giúp các quốc gia vượt qua được dịch bệnh nhằm khôi phục kinh tế, tăng cường sức chống chịu trước thiên tai. Đây cùng là thông điệp có ý nghĩa mà Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm nay muốn lan tỏa.

Khi mà thiên tai diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp thì công tác phối hợp đảm bảo an toàn cho người dân trước thiên tai trong thời gian vừa qua được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Từ đầu năm 2021 đến nay (tính đến ngày 10/10), đã xảy ra 17 trong tổng số 22 loại hình thiên tai, trong đó có 7 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 310 trận mưa đá, dông lốc, sét; 88 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó có 9 trận lũ ống, lũ quét, 157 vụ sạt lở bờ sông, 7 đợt nắng nóng và 5 đợt không lạnh, gió mùa Đông Bắc trong đó đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất từ ngày 7-13/1/2021.

Kè chống sạt lở bờ sông La Tinh, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, Bình Định, được thi công cả trong điều kiện trời mưa để đảm bảo vượt lũ an toàn. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Hiện tại, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ mưa lũ chính vụ ở khu vực miền Trung và được cơ quan dự báo nhận định rằng khu vực này có khả năng xảy ra mưa lớn dồn dập trong các tháng 10-11/2021, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

Cùng với thiên tai, trong những tháng đầu năm 2021 dịch COVID-19 đã diễn ra phức tạp, 19 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ cùng với Thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều địa phương phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết các địa phương đã, đang tập trung mọi nguồn lực (lực lượng, phương tiện, trang thiết bị,...) và sử dụng phần lớn dự phòng ngân sách, các nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên chưa có điều kiện triển khai nhiều hoạt động phòng, chống thiên tai trong tình hình mới, trong khi mùa mưa bão, đã, đang xảy ra. Đây là thách thức lớn cho công tác phòng, chống thiên tai.

Trong bối cảnh như vậy, công tác chỉ đạo và triển khai ứng phó vượt qua thách thức kép của thiên tai và dịch bệnh đã được thực hiện tốt trong thời gian vừa qua. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo các địa phương rà soát, chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Đến nay đã có 43 trong số 63 tỉnh, thành phố đã rà soát, cập nhật số liệu phương án ứng phó thiên tai.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành các văn bản chỉ đạo, sổ tay hướng dẫn công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tới các cấp chính quyền và người dân; phối hợp với Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế tổ chức 2 khóa tập huấn dành cho cấp tỉnh với 2.100 cán bộ tham dự tại 204 điểm cầu; tập huấn dành cho cấp huyện, xã với 18.000 cán bộ, tại 1.000 điểm cầu; nâng cao kỹ năng, rà soát phương án phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 với 1.800 điểm cầu qua mạng xã hội Facebook gồm 17.000 người theo dõi.

Qua triển khai ứng phó với bão số 5, số 6, các địa phương khu vực ảnh hưởng của bão đã thực hiện đồng bộ, đảm bảo an toàn, không phát sinh, lây lan dịch bệnh. Các địa phương sẵn sàng kế hoạch sơ tán 331.929 người dân khu vực ven biển khi có tình huống nguy hiểm; rà soát 4.031 trường hợp F0, F1 đang được cách ly, sẵn sàng đảm bảo an toàn; khoanh vùng những đối tượng khu vực đặc biệt nguy hiểm.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đưa ra một số hướng dẫn để các địa phương xây dựng các kịch bản ứng phó khi có tình huống xấu, vừa tiến hành phòng, chống thiên tai vừa phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, trong công tác chuẩn bị khu sơ tán dân tập trung thì cần xác định nhu cầu sơ tán về số hộ, số người để tiến hành bố trí. Đồng thời, cần lựa chọn các công trình có sức chống chịu với thiên tai, đủ diện tích giãn cách theo quy định phòng, chống dịch COVID-19… thuận tiện cho việc chăm sóc các trường hợp yếu thế và công tác tiếp tế.

Về tổ chức di chuyển sơ tán, các địa phương cần chú ý bố trí nhóm người vào các khu phải hợp lý. Nếu có điều kiện thì nên tiến hành xét nghiệm nhanh cho nhân dân trước khi triển khai phương án sơ tán tập trung, trong đó, lưu ý nếu có trường hợp F1, cần cho vào khu cách ly. Với nhóm có nguy cơ thấp, không có triệu chứng của bệnh thì sẽ di chuyển vào khu sơ tán và chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly tại nơi sơ tán khi có tình huống phát sinh. Việc thực hiện kế hoạch sơ tán dân cần phải tổ chức di chuyển trước khi thiên tai ập đến…

Theo ông, những bài học được rút ra khi ứng phó với thiên tai để vừa đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai, vừa đảm bảo hiệu quả an toàn chống dịch COVID-19 là gì?

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt việc phòng, chống dịch COVID-19 vừa nêu cao tính chủ động trong ứng phó với thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong tình huống xảy ra “thảm họa kép” cả thiên tai và dịch bệnh.

Để ứng phó, không để bị động với “thảm họa kép”, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai địa phương phải luôn là lực lượng nòng cốt, tuyến đầu. Theo đó, lực lượng này cần được tập huấn thuần thục các phương án ứng phó các tình huống rủi ro thiên tai có thể xảy ra trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, công tác thông tin, truyền thông có vai trò quan trọng, phải đi trước một bước để giúp người dân chủ động phòng tránh. Ngay từ trước khi mùa mưa, bão diễn ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng quốc tế Liên hợp quốc (UNICEF) xây dựng, sản xuất các ấn phẩm truyền thông với đa dạng thể loại: infographic, video… và đặc biệt là ban hành “Sổ tay phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” để phổ biến rộng rãi tới các địa phương.

Các địa phương cũng cần xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó khi phải vừa phòng, chống thiên tai vừa phòng, chống dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú ý tới công tác sơ tán dân vùng thiên tai.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thắng Trung/TTXVN (thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/cung-vuotqua-dai-dich-tang-cuongsucchongchiutruocthien-tai-20211012092207246.htm