Cùng với Trung Quốc, giá thịt lợn ở Việt Nam sẽ còn 'sốt' đến hết năm

Dự báo 25% tổng đàn lợn của Việt Nam có thể bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, trong khi đó sản lượng thịt lợn của Trung Quốc dự báo giảm 25% trong năm 2019 và 15% trong năm 2020.

Mất 3-5 năm để ổn định thị trường

Dịch tả lợn châu phi (ASF) được phát hiện đầu tiên vào ngày 19/2/2018 tại tỉnh Hưng Yên sau đó đã lan nhanh ra các tỉnh phía Bắc, đến tháng 4 dịch bắt đầu được phát hiện tại các tỉnh miền Trung và Nam Bộ.

Ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề do dịch tả lợn châu Phi (ảnh mang tính minh họa)

Ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề do dịch tả lợn châu Phi (ảnh mang tính minh họa)

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch tả lợn châu Phi đã khiến ngành chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng nặng nề trong 9 tháng đầu năm, 60 tỉnh thành trên cả nước với hơn 4,7 triệu con lợn bị tiêu hủy và tương đương với 10 -12% nguồn cung.

Rabobank dự báo 25% tổng đàn lợn của Việt Nam có thể bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, trong khi đó sản lượng thịt lợn của Trung Quốc dự báo giảm 25% trong năm 2019 và 15% trong năm 2020. Tổ chức này cũng nhận định, các điều kiện không ổn định của thị trường có thể duy trì trong vòng 3 - 5 năm tới.

Diễn biến giá lợn hơi trong nước cũng chịu tác động mạnh từ diễn biến của dịch tả lợn châu Phi. Theo đó giá lợn hơi bắt đầu giảm kể từ giữa tháng 2, sau khi công bố phát hiện dịch tại miền Bắc.

Giá lợn hơi tại miền Bắc và Trung Bộ sau đó tiếp tục lao dốc cho tới cuối tháng 5 thì bắt đầu tạo đáy và tăng trở lại, thời điểm mà dịch bắt đầu được kiểm soát. Giá lợn hơi tại miền Nam tạo đáy trễ hơn khoảng 2 tháng do diễn biến dịch lây lan từ Bắc vào Nam.

Trong khi đó, giá lợn hơi tại Trung Quốc cũng có diễn biến tương tự. Giá lợn hơi tại các tỉnh gần biên giới Việt Nam là Quảng Đông và Quảng Tây giảm mạnh kể từ sau khi dịch được phát hiện vào tháng 8/2018 tại Trung Quốc. Sau đó, giá lợn hơi tại Trung Quốc lao dốc và tạo đáy kể từ tháng 3 sau khi dịch đã được kiểm soát và lập tức tăng mạnh sau đó.

Giá lợn hơi tại Quảng Đông, Quảng Tây đã tăng gần gấp 3 lần kể từ mức đáy và hiện đang giao dịch quanh mức 34 NDT/kg (tương đương với 110 nghìn đồng/kg), tức là gấp đôi so với giá lợn hơi tại Việt Nam.

Thiếu hụt 200 - 500 nghìn tấn thịt lợn đến cuối năm 2019

Trong báo cáo chuyên đề về đánh giá tác động của dịch tả lợn châu Phi, các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng giá, lợn hơi trong nước sẽ tiếp tục tăng giá và duy trì ở mức cao trong khoảng thời gian từ đây tới cuối năm và có thể sang cả đầu năm 2020.

Cơ sở khiến Yuanta đưa ra nhận định nói trên dựa trên một số nguyên nhân: Thứ nhất, nguồn cung trong nước thiếu hụt tại thời điểm cuối năm.

Ipsos Business Consulting dự báo đến cuối năm 2019, Việt Nam có thể thiếu 500 nghìn tấn thịt lợn, tương đương 20% nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, Bộ NN&PTNT dự báo chỉ thiếu hụt 4 - 5% nhu cầu, tức là khoảng 200 nghìn tấn thịt lợn. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng mạnh trở lại vào thời điểm cuối năm.

Thứ hai, chênh lệch giá lợn trong nước và Trung Quốc. Hiện tại, giá lợn hơi tại các tỉnh giáp ranh biên giới phía Bắc của Việt Nam là Quảng Đông, Quảng Tây đang giao dịch ở mức gấp đôi so với giá lợn hơi tại Việt Nam (vào khoảng 31 – 37 NDT/kg).

Chênh lệch giá lợn ở mức cao khiến có tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch từ Việt Nam sang Trung Quốc và gây ra những biến động giá bất thường đối với giá lợn trong nước. Tuy nhiên, hoạt động này diễn ra khá hạn chế do Trung Quốc thường xuyên siết chặt nhập khẩu qua con đường này.

Thứ ba, dịch tả lợn châu Phi đã bước đầu được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến khó lường khiến người chăn nuôi ngại việc tái đàn. Hiện nay chưa có vacxin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho lợn, do vậy người chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn e ngại việc tái đàn và ảnh hưởng tới sự phục hồi nguồn cung.

Báo cáo của Yuanta cho rằng, Dabaco (mã DBC) và Masan Group (MSN) là những doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của giá thịt lợn. Tuy nhiên, điều này sẽ tác động tới Dabaco lớn hơn do cơ cấu doanh thu của những mảng liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi chiếm tới hơn 82%, trong khi tỷ trọng trong doanh thu của Masan Group còn khá khiêm tốn.

Theo Dân trí

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cung-voi-trung-quoc-gia-thit-lon-o-viet-nam-se-con-sot-den-het-nam-552337.html