Cùng trẻ trải nghiệm ngày Tết quê hương

Việc cho trẻ được trải nghiệm một không gian Tết cổ truyền ngay tại trường học là hoạt động thiết thực, giúp trẻ hiểu hơn, yêu hơn và có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Cùng với sự phát triển của thời đại, rất nhiều phong tục tập quán của dân tộc đang dần bị phai nhạt theo thời gian, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Dạy trẻ hiểu về Tết cổ truyền. Ảnh minh họa: TTXVN

Chính vì vậy, những năm gần đây, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhiều trường mầm non tại Hà Nội đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa lồng ghép trong chương trình giáo dục mầm non để dạy cho trẻ về ý nghĩa của Tết nguyên đán.

Việc cho trẻ được trải nghiệm một không gian Tết cổ truyền ngay tại trường học là hoạt động thiết thực, giúp trẻ hiểu hơn, yêu hơn và có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc.

*Dạy trẻ hiểu về Tết cổ truyền

Tổ chức lễ hội trong trường mầm non là hoạt động giáo dục giúp trẻ phát triển toàn diện. Thông qua việc tham gia lễ hội, sự kiện, trẻ được hoạt động trong không khí vui tươi, rộn ràng, là dịp để mở rộng mối quan hệ giao tiếp, làm giàu kỹ năng sống cho trẻ.

Để giúp trẻ mầm non có cơ hội được khám phá, tìm hiểu nhiều hơn về Tết và mùa Xuân, nhiều trường đã tổ chức những buổi học ngoại khóa, tham quan vườn hoa ngày Tết hay chợ hoa Xuân, giúp trẻ có ý thức bảo vệ và chăm sóc thiên nhiên, yêu thiên nhiên nhiều hơn.

Tại các lớp, cô giáo đã tổ chức cho các bé khám phá chủ đề Tết thông qua các hoạt động tích hợp. Việc khám phá không chỉ diễn ra một lần, một buổi mà diễn ra cả tuần hoặc vài ba tuần. Qua đó, cô giúp bé hiểu được những nét đặc trưng trong phong tục truyền thống của ngày Tết Việt Nam. Từ đó, giáo dục trẻ lòng tự hào về truyền thống văn hóa Việt Nam cũng như biết giữ gìn phong tục truyền thống trong ngày Tết cổ truyền.

Với các bé Trường Mầm non Hoa Trà My, cứ vào dịp đầu Xuân mới, ai cũng háo hức chuẩn bị cho “Hội hoa Xuân”, một hoạt động bổ ích giúp các bé hiểu được ý nghĩa của ngày Tết; đồng thời thể hiện được cảm xúc và bộc lộ kỹ năng tạo hình thông qua các sản phẩm làm được. Công tác chuẩn bị cho lễ hội thường nhộn nhịp trong suốt tháng Giêng. Tại mỗi lớp, các bé cùng cô trang trí cây mai, cây đào cho thật đẹp.

Những chậu hoa rực rỡ được trang trí dọc khắp hành lang và sân trường. Lễ hội chính thức được nhà trường tổ chức với những màn biểu diễn văn nghệ chào Xuân cùng phần trao giải thưởng hội họa cho những tập thể - cá nhân có cây hoa trang trí đẹp nhất. Những hoạt động đó giúp cho các bé được sống trong không gian đậm chất xuân, được tìm hiểu về những cây, hoa đặc trưng của ngày Tết.

Với chủ đề “Tết Việt Nam, chào thế giới”, các bạn nhỏ hệ thống Trường Mầm non Vinschool đã háo hức trải nghiệm không khí Tết Việt qua nhiều trò chơi dân gian, chứa đựng những nét đẹp văn hóa dân tộc. Hòa với sắc màu rực rỡ của hoa mai, hoa đào, không gian các lớp học Vinschool rộn ràng hơn bởi âm thanh từ các trò chơi như: ô ăn quan, làng lúa làng hoa, nhảy bao bố, nhảy sạp, cướp cờ, kéo co....

Không khí rộn ràng, tiếng trống cổ vũ cùng hình ảnh những chiếc áo dài, áo bà ba ngộ nghĩnh mà các em nhỏ khoác lên mình đã mang mùa xuân về thật gần với ngôi trường của các em. Những hoạt động này không chỉ mang đến cho trẻ cơ hội trải nghiệm những trò chơi dân gian để thêm yêu những nét văn hóa truyền thống mà còn giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất và khả năng phản xạ, phán đoán, tư duy.

*Gói bánh chưng – gói yêu thương

Học gói bánh chưng cũng là hoạt động mà nhiều trường mầm non tổ chức cho học sinh tham gia vào những ngày cận Tết, tạo cơ hội cho các bé được học hỏi, hiểu biết về phong tục Tết cổ truyền.

Tại Trường Mầm non Lý Thái Tổ, bé nào cũng hồ hởi, thích thú khi được các cô giáo giới thiệu nguyên liệu và hướng dẫn các con từng thao tác làm bánh. Bé nào cũng được tự tay gói chiếc bánh của mình nên đều rất hào hứng.

Những sản phẩm làm ra tuy chưa được vuông vức, hoàn hảo nhưng chứa đựng sự cố gắng rất lớn của các bé. Mỗi chiếc bánh sau khi luộc xong sẽ được gửi lại để học sinh mang về nhà, khoe “thành tích” với bố mẹ, ông bà. Sau hoạt động này, khi được hỏi về nguyên liệu để gói bánh chưng, bạn nhỏ nào cũng có thể trả lời vanh vách, nào là gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong...

Bên cạnh hoạt động gói bánh chưng, Trường Mầm non Lý Thái Tổ còn tổ chức “Hội chợ xuân 2018” ngay tại sân trường, mang đậm hương vị của ngày Tết nguyên đán. Tại hội chợ, các em nhỏ được tham gia nhiều trò chơi dân gian, thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, tham quan các gian hàng và thưởng thức các món ăn truyền thống.

Với Trường Mầm non Lá phong đỏ, Ngày hội gói bánh chưng đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, là dịp gắn kết giữa bố mẹ với con cái, giữa gia đình và nhà trường. Bởi các con không chỉ được cùng với các cô học gói bánh mà nhà trường còn tổ chức cho phụ huynh cùng các con trông nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng, kể cho các bé nghe những câu chuyện về Tết xưa. Đặc biệt, những chiếc bánh chưng này sẽ được bày bán tại “Chợ quê” do Trường Mầm non Lá phong đỏ tổ chức để gây quỹ ủng hộ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Trong những bộ trang phục truyền thống, các bạn nhỏ Trường Mầm non Happy Smile cũng cảm nhận được không khí rộn ràng của ngày Tết thông qua hoạt động gói bánh chưng. Trước khi bắt tay vào làm, các bé được cô giáo kể cho nghe câu chuyện “Sự tích bánh chưng”.

Bé nào cũng được tự tay lau, gấp lá, đong gạo đỗ, gắp thịt, buộc lạt sao cho chiếc bánh thật vuông vức. Lớp học gói bánh chưng càng trở nên đặc biệt hơn khi có mặt bố mẹ, ông bà... là người trực tiếp hướng dẫn, giúp các con hiểu thêm ý nghĩa của ngày Tết gia đình, Tết đoàn viên.

*Bồi đắp lòng nhân ái cho trẻ

Không chỉ giúp các bé trải nghiệm và học hỏi về những giá trị truyền thống ngày Tết, nhiều trường mầm non còn tạo điều kiện để các bé biết chia sẻ yêu thương đến các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên đã tổ chức Hội chợ Xuân "Tết nhân ái 2018". Hoạt động này đã tạo ra sân chơi bổ ích cho các bé được hòa mình vào bản sắc Tết cổ truyền củaViệt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, giúp các bé hiểu hơn về sự khác biệt từ nền văn hóa của các nước. Số tiền thu được từ hội chợ, nhà trường sẽ ủng hộ cho chương trình “Cùng em đến trường” của Quỹ Tấm lòng Việt – Đài Truyền hình Việt Nam.

Cô Vũ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên chia sẻ: Hoạt động thiện nguyện là một trong những hoạt động giáo dục về giá trị tinh thần, về tính nhân văn cho các con mà nhà trường hướng tới. Thông qua hoạt động Tết nhân ái, nhà trường muốn các con cảm nhận được sự yêu thương, đủ đầy của hạnh phúc gia đình, của thầy cô, bạn bè. Từ đó, các con sẽ biết quan tâm, thông cảm và sẻ chia với những bạn có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống.

Tại Trường Mầm non Năng khiếu Louis, triển lãm tranh từ thiện “Xuân diệu kỳ” là hoạt động gây quỹ từ thiện thường niên của trường mỗi dịp Xuân về. Năm nay, trường tổ chức đấu giá hơn 100 bức tranh đặc sắc do chính bàn tay của học sinh và cô giáo thể hiện nhằm gây quỹ từ thiện. Toàn bộ tiền đấu giá thu được từ triển lãm, nhà trường sẽ dành để hỗ trợ xây dựng trường học, bữa ăn dinh dưỡng và vật dụng sinh hoạt cho học sinh các trường thuộc các xã vùng cao khó khăn.

Trường Mầm non VSK Thăng Long đã tổ chức chuyến đi thiện nguyện “Tết – chia sẻ yêu thương” dành cho các bạn nhỏ Trường mầm non Lâm Giang, huyện Văn Yên, Yên Bái. Nhà trường đã huy động sự đóng góp từ các phụ huynh cùng với cán bộ, giáo viên nhà trường để dành tặng các phần quà cho trẻ em vùng cao.

Các bạn nhỏ đã góp công sức cùng các cô gói từng phần quà là chiếc chăn, áo ấm, đôi tất, chiếc mũ, đồ dùng học tập mới để dành tặng các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Nhìn cách các bé nâng niu, chăm chút từng gói quà đủ thấy được tình cảm của các em dành cho những bạn kém may mắn hơn mình. Các cô đã truyền dạy cho trẻ hiểu được về sự đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ mọi người.

Có thể nói, mỗi hoạt động trải nghiệm mà các trường tổ chức cho học sinh đã giúp các em ngay từ lứa tuổi mầm non có cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, phát triển đời sống tâm hồn phong phú, biết rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên và tình người, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn. Qua đó, các em cũng được bồi dưỡng tình yêu đối với quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc để góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam./.

Việt Hà/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/cung-tre-trai-nghiem-ngay-tet-que-huong/75862.html