Cùng trẻ em 'Vẽ nên cổ tích'

Sau hai lần tổ chức vào năm 2016 và 2017, sân chơi 'Vẽ nên cổ tích' lần thứ 3 tiếp tục diễn ra tại TP.HCM.

Đây là hoạt động có sự phối hợp giữa Nhà xuất bản Kim Đồng cùng Quỹ “Thiện Nhân và những người bạn”. Hơn 40 họa sĩ nhí, nhỏ nhất 6 tuổi và lớn nhất 14 tuổi, đã tham gia “Vẽ nên cổ tích” năm 2018. Kết quả, những tác phẩm của các em đã được triển lãm, thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng. Có 29 bức tranh đã được bán đấu giá với số tiền hơn 30 triệu đồng, dành tặng cho chương trình phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho các em nhỏ.

Sân chơi “Vẽ nên cổ tích”

Với thông điệp “Thay vì ngồi chờ điều kì diệu không biết bao giờ xuất hiện, trẻ em hoàn toàn có thể cùng góp sức tạo nên những câu chuyện cổ tích đầy tình người”, sân chơi “Vẽ nên cổ tích” nhận được sự ủng hộ của giới mỹ thuật cũng như các mạnh thường quân.

Đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết ý tưởng thiết kế “Vẽ nên cổ tích” mà đối tượng tham gia chính là lứa tuổi hồn nhiên: “Bên cạnh việc làm sách, tổ chức các hoạt động đưa sách đến gần với các em thiếu nhi và các bậc phụ huynh, NXB Kim Đồng còn luôn hướng đến các chương trình gắn kết thương yêu trong thế giới trẻ thơ.

Chúng tôi đã xuất bản “Hành trình yêu thương - Nhật kí Thiện Nhân”, cuốn sách đoạt giải Sách Hay hạng mục sách thiếu nhi do Viện Giáo dục IRED, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và Sáng kiến OpenEdu đồng tổ chức năm 2017. Vẽ lên cổ tích chính là sân chơi ý nghĩa trong hè dành cho các độc giả nhí Kim Đồng, tiếp nối hành trình yêu thương ấy”.

Đại diện Quỹ “Thiện Nhân và những người bạn” cho biết: “Một đứa trẻ là họa sĩ sẽ tạo nên một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng nếu tác phẩm nghệ thuật ấy giúp ích cho những mảnh đời bất hạnh khác, thì họa sĩ nhí đó thực sự đã có thêm phép màu”.

Thông qua sân chơi “Vẽ nên cổ tích”, các em nhỏ tỏ ra rất hào hứng khi cảm nhận được rằng, chuyện cổ tích hoàn toàn có thể xảy ra ngay từ những điều vô cùng bình dị trong cuộc sống và chính các em cũng có thể là những vị thần may mắn và nhân hậu khi đem đến những điều kì diệu cho những người xung quanh. Một số tác phẩm do các em vẽ, đã được vài nhà tạo mẫu chọn mua để in lên áo dài.

Cách đây 10 năm, câu chuyện bà Trần Mai Anh từ Hà Nội vào Quảng Nam nhận nuôi đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong hoàn cảnh bi đát, đã gây xúc động sâu sắc cho cộng đồng. Vẻ đẹp ấy, bây giờ tiếp tục lan tỏa bằng sân chơi “Vẽ nên cổ tích”.

TH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cung-tre-em-ve-nen-co-tich-post224252.html