Cùng Thổ mở vùng an toàn, Syria là cờ tàn của Mỹ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong cuộc điện đàm với ông D.Trump, nhiều thuận lợi về vùng an ninh ở đông bắc Syria đã được thông qua.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm đã đồng ý đẩy nhanh các cuộc đàm phán về việc tạo ra một khu vực an ninh ở phía Đông Bắc Syria hôm 20/1.

"Hôm nay, Tổng thống của chúng tôi đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp an ninh khẩn cấp ở khu vực Manbij để ngăn PKK-YPG (Đảng Công nhân người Kurd - Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd) làm mất ổn định tình hình.

Các nhà lãnh đạo cũng đồng ý đẩy nhanh các cuộc đàm phán do người đứng đầu trụ sở hai nước khởi xưởng để tạo ra một khu vực an ninh ở Syria" - Bản tuyên bố của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Ngoài ra, bản tuyên bố cũng cho biết thêm Washington và Ankara tái khẳng định quyết tâm thực hiện các biện pháp loại bỏ khủng bố IS ở Syria, ngăn chặn sự hồi sinh của lực lượng này. Ông Erdogan cũng chia buồn với nước Mỹ về cái chết của 4 người lính ở vụ khủng bố tại thành phố Manbij.

Tổng thống Erdogan và Tổng thống Trump đang đạt được nhiều thỏa thuận cho vùng an toàn ở Syria

Hôm thứ ba ngày 15/1, Tổng thống Erdogan cho biết, sau cuộc trò chuyện qua điện thoại với ông Trump, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất tạo vùng đệm 30km ở Syria. Đáng chú ý, kế hoạch này đã được đề cập từ thời Tổng thống Obama tuy nhiên bị từ chối.

Việc ông Trump và ông Erdogan quyết định đẩy nhanh tiến độ đàm phán về vấn đề vùng an toàn tại Syria này cho thấy nhiều dấu hiệu mối quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện, và họ đang bắt tay nhau với tư cách là đồng minh thân thiết, thay vì đối đầu mâu thuẫn như trước.

Đáng chú ý, trong thông báo phát đi của Ankara, mục tiêu lần này mà vùng an toàn 2 bên bàn tới nhằm vào người Kurd ở khu vực Đông Bắc Syria, cụ thể là các thành phố Manbij và Raqqa. Qua đó cho thấy hai vấn đề:

Thứ nhất, trong mắt người Mỹ, họ đã mất quyền kiểm soát đối với lực lượng người Kurd ở Manbij và Syria. Việc mất quyền kiểm soát này thể hiện ở việc các tay súng của YPG đã tham gia cùng với lính Nga và lính Syria ở Manbij để tiến hành tuần tra chung thành phố này.

Tiếp đến, lực lượng Dân chủ Syria SDF do Mỹ hậu thuẫn đã cùng với chính quyền Damascus đưa ra danh sách 10 điểm, và cùng nhau thỏa thuận về các vấn đề trong 10 yêu cầu đó. Việc này nhằm đảm bảo cho người Kurd một vị thế tốt hơn trong chính quyền Cộng hòa Syria, và ngược lại, SDF sẽ chiến đấu cho Syria như một lực lượng quốc phòng.

Cảnh sát quân sự Nga, quân đội Syria và người Kurd cùng nhau tuần tra chung ở Manbij

Toàn bộ miền Đông của Syria đang do người Kurd dưới sự hậu thuẫn của Mỹ kiểm soát. Về luật pháp, Mỹ không thể đứng ra chiếm đóng, kiểm soát lãnh thổ của Syria, đây là hành động xâm lược. Vì thế, Mỹ phải ra sức hậu thuẫn các nhóm phiến quân địa phương để có tính hợp pháp trong việc kiểm soát lãnh thổ nước ngoài, SDF là một trong những lực lượng đó.

Tuy nhiên, các hành động của SDF cho thấy Mỹ đã không còn mang lại cho họ nhiều lợi ích như chính quyền Syria và Nga mang đến. Các thỏa thuận hiện tại không đẩy SDF vào thế bí, trong khi mở ra nhiều cơ hội đảm bảo, duy trì tự trị cho người Kurd ở Syria. Những điều này Mỹ sẽ không bao giờ mang lại bởi họ đã thất bại trong việc lật đổ chính quyền Tổng thống Assad.

Thứ hai, Mỹ đã phải quay lại hậu thuẫn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Syria. Nếu SDF ngả về phía Nga, những lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ nuôi dưỡng nhiều năm qua rơi vào thế bí. Họ vẫn có khoảng 40.000 tay súng với đầy đủ trang bị vũ khí hạng nặng, nhưng phần lãnh thổ kiểm soát ngày càng bị thu hẹp lại.

Tại thành trì chính ở Idlib, các nhóm phiến quân này chỉ còn giữ được 3 thành phố, phần đồng bằng rộng lớn và nhiều thành phố, thị trấn khác đã bị Hay'at Tahrir al-Sham thôn tính. Ngoài ra, Syria và quân Nga vẫn để ngỏ khả năng diệt gọn Idlib với mọi phe phái khủng bố bên trong.

Lính Mỹ đang để ngỏ khả năng sẽ tham gia vào vùng an toàn cùng phối hợp với lực lượng phiến quân địa phương mà Thổ hậu thuẫn

Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ cần những chỗ đặt chân mới cho nhóm phiến quân này. Vùng an toàn là một trong những mục tiêu mà Ankara hướng đến. Mỹ khi không còn lực lượng đại diện, họ buộc phải tìm kiếm một lực lượng phiến quân khác, và chung đụng với Thổ Nhĩ Kỳ cùng hậu thuẫn những nhóm quân ở Bắc Syria là điều khả thi nhất, ít tốn kém nhất.

Tuy nhiên, đây là công sức của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ không thể thay thế nhảy vào hớt tay trên của đồng minh. Do đó, họ chỉ có thể lợi dụng vùng an toàn và những nhóm quân thân Thổ để câu giờ, tìm kiếm một lực lượng đại diện mới ở Syria.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần Mỹ để tạo tiền đối trọng với Nga, tiếp tục theo đuổi quan điểm chiến tranh với người Kurd. Chỉ có điều, cả Thổ và Mỹ tìm đến nhau bởi bất đắc dĩ, cả hai đều không còn lòng tin chiến lược giành cho nhau sau một loạt biến cố nhiều năm qua.

Vì thế, từ chỗ có thể đường hoàng kiểm soát tới 30% lãnh thổ giàu có của Đông Syria, phối hợp với Tây Iraq tạo thành một dải tự trị người Kurd rộng lớn, chỉ một câu rút quân của ông Donald Trump đã làm đảo ngược tất cả. Để Syria bây giờ chỉ còn là thế cờ tàn với nước Mỹ.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cung-tho-mo-vung-an-toan-syria-la-co-tan-cua-my-3373259/