Cùng quyết tâm thực hiện

Trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế bị ảnh hưởng, nhiều người lao động mất việc làm, thu nhập giảm, nhưng giá thịt lợn, một loại thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn hằng ngày của người Việt lại duy trì ở mức cao là điều rất bất cập. Trước thực trạng này, Thường trực Chính phủ đã họp với Ban Chỉ đạo điều hành giá về giải pháp bình ổn giá thịt lợn và mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp chăn nuôi lợn, yêu cầu đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1-4-2020. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng của các bên liên quan.

Do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua, giá thịt lợn tăng cao nên Chính phủ đã tập trung nhiều giải pháp nhằm giảm giá thịt lợn. Bên cạnh các giải pháp như tái đàn, nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lợn giảm giá bán ra, nhằm góp phần bình ổn thị trường. Điều này cho thấy thái độ quyết liệt của Chính phủ đối với một vấn đề đã và đang tác động trực tiếp đến mỗi gia đình Việt Nam.

Giảm giá lợn xuất chuồng về mức 70.000 đồng/kg và tiếp tục giảm xuống còn khoảng 60.000 đồng/kg là hết sức cần thiết. Việc này được đặt trên vai các bộ, ngành chức năng và các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, những biểu hiện của giá lợn hơi trên thị trường trong thời gian qua cho thấy nhiều vấn đề đặt ra. Thực tế, sau mỗi lần được đề nghị giảm giá bán thì có doanh nghiệp giảm giá cầm chừng, có doanh nghiệp không giảm giá. Rồi tình trạng giảm giá nhưng lại giảm số lượng lợn xuất chuồng. Thế nên giá thịt lợn chỉ giảm được một vài ngày, sau đó bật tăng mạnh về mốc cũ. Trong khi đó, “lỗ hổng” về cơ cấu giá thịt lợn (chi phí trung gian lên tới 40-45%) vẫn chưa được khắc phục, nhiều tư thương từ chủ các lò giết mổ cũng lợi dụng cơ hội này để tăng giá.

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, việc giảm giá thịt lợn, đòi hỏi phải có một thái độ mới từ các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng tới bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân và người tiêu dùng.

Trước hết là việc phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân với cộng đồng. Cụ thể, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi cũng như giới kinh doanh, tiểu thương tại các chợ cần đồng thuận, đồng lòng thực hiện yêu cầu của Chính phủ, giảm giá thịt lợn theo đúng lộ trình nhằm sẻ chia khó khăn với người tiêu dùng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay.

Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần có thái độ kiên quyết, nghiêm khắc với các hành vi vi phạm pháp luật. Trước mắt là thực hiện đúng yêu cầu của Chính phủ: Khẩn trương kiểm tra việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh; làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt lợn; xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, đẩy giá lên cao, xuất nhập khẩu thịt lợn trái phép...

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống phân phối mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng. Từ đó có giải pháp giảm thiểu các khâu trung gian, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ tinh gọn hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng.

Về phía người dân cũng cần quan tâm sử dụng các thực phẩm thay thế thịt lợn và sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt nóng nhằm giảm áp lực cho nguồn cung thị trường trong nước.

Nếu các cơ quan quản lý nhà nước cùng các doanh nghiệp, doanh nhân và mỗi người dân cùng quyết tâm thực hiện thì chắc chắn giá thịt lợn sẽ giảm như Chính phủ đã đề ra.

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/963193/cung-quyet-tam-thuc-hien