Cứng quá thì gãy

Chẳng ai muốn mãi mãi mắc kẹt trong một cái vòng luẩn quẩn, chắc chắn là như vậy. Song, cách mà nước Anh đang hướng đến để bằng mọi giá hoàn tất lộ trình rời Liên minh châu Âu (EU) một cách 'rốt ráo' trong thực tế chứ không phải trên lý thuyết thì dường như lại tạo thêm nhiều trắc trở hơn nữa cho Brexit.

Cơ hội cho thỏa thuận thương mại Anh - EU hậu Brexit

“Bình đẳng”?

“Về cơ bản, EU muốn chúng ta tuân thủ các quy tắc của họ, cho dù chúng ta đã không còn là thành viên của khối này nữa”. Ngày 19-5, khi đề cập đến những bất đồng tồn tại trong quá trình đàm phán thương mại Anh - EU hậu Brexit trước Quốc hội Anh, Michael Grove (một quan chức cấp cao của Chính phủ Anh) đã nhận xét như vậy.

Ông nhấn mạnh: Chính phủ Anh vẫn duy trì cam kết đạt được một thỏa thuận thương mại tự do với EU, song “thành công của điều này phụ thuộc vào việc EU thừa nhận Anh bình đẳng với họ về chủ quyền”. “Chủ quyền” ở đây nghĩa là các vấn đề liên quan đến ngư trường đánh bắt hải sản, hoặc các thỏa thuận về quản lý thương mại nhằm hướng đến việc xây dựng một “sân chơi công bằng”.

Cũng trong ngày 19-5 đó, nước Anh kêu gọi EU từ bỏ những cách tiếp cận vấn đề mang tính “ý thức hệ”, điều bị London xem là nguyên nhân khiến vòng đàm phán thương mại trực tuyến thứ ba đã khép lại (vào thượng tuần tháng 5-2020) trong bế tắc.

Theo ông Michael Grove, EU cần phải nhìn nhận vị thế bình đẳng của một nước Anh đã không còn là thành viên EU.

Theo ông Michael Grove, EU cần phải nhìn nhận vị thế bình đẳng của một nước Anh đã không còn là thành viên EU.

Đặt vấn đề như thế, có thể hình dung, London muốn nhấn mạnh rằng Brexit thực tế đã diễn ra và nước Anh chỉ còn dính líu đến châu Âu lục địa qua những khúc mắc, tồn đọng trên phương diện thủ tục hành chính. Mà đã đến mức ấy thì EU nên “phiên phiến một chút”, “nhanh nhanh chóng chóng cho xong việc”.

Tuy vậy, trong đàm phán, điều gần như không thể là chuyện một phía đạt được tất cả những gì họ muốn.

Ở đây, Brexit, theo trình tự thời gian, chúng ta có: Nước Anh muốn rời khỏi châu Âu, trong khi EU đã từng tốn không ít công sức níu giữ; Nước Anh muốn Brexit cuối cùng vẫn có thể diễn ra đúng hạn vào ngày 31-12-2019, bất kể vẫn còn những vấn đề phải tạm gác lại, EU cũng vẫn chấp thuận. Sang năm 2020, khi đại dịch COVID-19 làm ngưng trệ tất cả mọi vận động trong dòng chảy sự kiện quốc tế, EU để ngỏ khả năng gia hạn thời gian chuyển tiếp (dự kiến sẽ kết thúc vào 31-12-2020) nhưng đến lúc này London vẫn từ chối. Và hiện tại, cách tiếp cận vấn đề của EU bị chỉ trích.

Đi qua tất cả những điểm mốc lớn đó, có thể thấy là những nhà đàm phán của phái đoàn EU, cho dù rất cứng rắn, cũng đã thỏa hiệp ở những điểm cần thỏa hiệp. Song, điều gì cũng có giới hạn.

Khi chưa có gì được phác thảo rõ ràng chứ chưa nói đến ngã ngũ mà ngày 18-5, việc Quốc hội Anh bỏ phiếu thông qua dự luật chấm dứt quy chế tự do đi lại của công dân EU trên đất Anh (nghĩa là sự hủy bỏ quy chế “nhập cư đặc biệt”) sau ngày 31-12-2020 có thể xem là một cách gia tăng sức ép khá thiếu tinh tế.

Thêm vào đó, London đang ráo riết xúc tiến việc ký kết một hiệp định thương mại tự do với nước Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của họ. Hiệp định ấy được kỳ vọng sẽ trở thành cơ hội kinh tế lớn nhất của nước Anh hậu Brexit.

Vấn đề là...

Lưỡng bại câu thương

Cho dù hiệp định thương mại tự do Anh - Mỹ có được ký kết sớm trước khi năm 2020 kết thúc, theo các cam kết vẫn còn đang có hiệu lực của thời hạn chuyển tiếp Brexit, Anh vẫn phải tuân thủ các quy định như một thành viên của EU.

Cho dù đó là thỏa thuận thương mại tự do riêng giữa nước Anh và nước Mỹ, EU cũng vẫn có thể có những cách tác động đến nó, tương tự cách năm ngoái Washington đã đe dọa chính phủ của cựu Thủ tướng Anh Theresa May, rằng “Nước Mỹ sẽ xem xét lại mối quan hệ thương mại của mình với nước Anh nếu cảm thấy những lợi ích của mình bị ảnh hưởng bởi các thỏa thuận Anh - EU”.

Trong khi đó, giữa EU và Mỹ cũng vẫn còn đang tồn tại những căng thẳng thương mại - điều đã bắt đầu xuất hiện kể từ khi đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền năm 2016. Ông đã nỗ lực làm mọi cách để giảm thâm hụt thương mại cho nước Mỹ, kể cả bằng việc thiết lập những hàng rào thuế quan mới lên các sản phẩm của những đối tác truyền thống ở cựu lục địa.

Ngày 20-5, nước Anh đã ban hành một biểu thuế toàn cầu mới.

Và bên cạnh đó, phía EU vẫn đánh giá rằng “bất chấp tính cấp bách và mức độ khó khăn của quá trình đàm phán, tiến triển đạt được rất chậm khi không có dấu hiệu thực sự cho thấy Anh có một kế hoạch để có thể đàm phán thành công”. London hầu như “chỉ tập trung vào các vấn đề mà họ quan tâm và bỏ qua những nội dung thiết yếu đối với các thành viên EU, như đánh bắt cá hay các tiêu chuẩn tối thiểu về y tế và môi trường”.

Chính vì thế, sau 2 vòng đàm phán đầu tiên bế tắc, vòng đàm phán trực tuyến (do các ảnh hưởng của đại dịch COVID-19) thứ ba bị tiên liệu là sẽ chẳng đạt được nhiều tiến triển và cuối cùng thực tế cũng đã khép lại trong tình trạng gần như “giẫm chân tại chỗ”.

Nước Anh trông chờ điều gì khi “cứng rắn” đến “cứng nhắc” đến như thế? Họ bất chấp sự eo hẹp của quỹ thời gian, bất chấp bối cảnh thực tế là tình trạng tê liệt trong dịch bệnh của hầu như toàn bộ tất cả các lĩnh vực, bất chấp hàng trăm nghìn văn bản hành chính cần được sửa đổi... để vẫn xác định mốc kết thúc bất di bất dịch cho toàn bộ câu chuyện là ngày 31-12-2020, mà vẫn chưa bắt đầu nhượng bộ?

Thực tế, London đã chuẩn bị cho phương án thời hạn chuyển tiếp kết thúc mà không có thỏa thuận nào được ký kết. Điều này cũng tương tự như cuối năm ngoái, khi chính phủ Thủ tướng Boris Johnson nhất quyết không đề nghị gia hạn thời điểm Brexit chính thức diễn ra. Nước Anh vẫn rời EU (trên lý thuyết) vào ngày 31-12-2019, trên những ngổn ngang và dường như London vẫn muốn sử dụng chiến thuật đó một lần nữa.

Tuy nhiên, điều quan trọng là lần này liệu EU còn sẵn sàng chấp nhận bị dồn ép đến như vậy? Hay là, do cũng đã quá mệt mỏi với đoạn kết kéo dài, Bruxelles cũng sẽ đồng ý với kịch bản “Brexit không thỏa thuận”?

Bất cứ sự chuẩn bị nào, kỹ lưỡng đến mức độ nào, cũng sẽ khó lòng bù đắp được những tổn thất ghê gớm đến từ hệ lụy của kịch bản đó. Hãy tưởng tượng: Khi mọi mối dây liên hệ đột ngột bị cắt đứt, những hoạt động thông thương quen thuộc hằng ngày giữa hai bờ eo biển Manche sẽ trở nên khó khăn đến đâu, với “lời lãi” sụt giảm đến mức độ nào? Chưa kể, những tranh chấp sẽ mỗi lúc một trở nên gay gắt, mà lại thiếu những cơ sở pháp lý cần thiết để phán xử những tranh chấp đó. Những kế hoạch hợp tác về an ninh - quốc phòng chắc chắn cũng sẽ vì thế mà bị ảnh hưởng, chưa kể đến khủng bố, dịch bệnh hay biến đổi khí hậu...

Đó hoàn toàn không phải là những viễn cảnh gợi lên lạc quan hay hy vọng cho những cơ hội phát triển kinh tế. Đúng vậy, trên lý thuyết, nếu không “làm ăn” với đối tác này, luôn luôn có thể tìm kiếm và chọn lựa những đối tác khác. Tuy nhiên, trong thực tế, việc tự đóng sập cánh cửa của một thị trường cận kề về mặt địa lý và hấp dẫn về mặt sức tiêu thụ như EU luôn có thể xem là một thất bại.

Mà đến lúc này, cả Anh lẫn EU, cũng như mọi guồng máy kinh tế toàn cầu đều đã mất mát quá nhiều bởi COVID-19 rồi.

Còn 7 tháng nữa. Những vòng đàm phán sẽ còn trì trệ đến bao giờ?

Đông Phong

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/cung-qua-thi-gay-597607/