'Cung phụng' chủ tàu cá

Mỗi chiếc tàu đánh cá chuẩn bị ra khơi, chủ tàu phải bỏ ra mấy trăm triệu đồng mua sắm phí tổn: Dầu, nước đá, lương thực... Khi tàu quay về cập cảng, có hàng chục tấn hải sản bán ra thì từ ông bán dầu đến bà bán rau ở chợ thường xuyên hỏi han, chăm sóc, có thái độ 'cung phụng' tốt nhất đối với các ông chủ tàu. Họ là những người làm 'dịch vụ hậu cần nghề cá'.

Tàu bán dầu của ông Nguyễn Quốc Cường đang bơm dầu sang chiếc tàu của ngư dân tỉnh Bình Thuận tại cảng cá Hòn Rớ. Ảnh: Hải Luận

Bài 1: Chạy “theo đuôi con cá” để bán dầu

Trong chuyến đi biển, tiền mua nhiên liệu để đảm bảo cho tàu cá hoạt động trên biển chiếm khoảng 80% tổng chi phí. Cả chủ tàu đánh cá và chủ cửa hàng bán dầu lưu động trên sông, biển đều luôn “bám nhau” và hiểu nhau để giải quyết tốt vấn đề cung - cầu của thị trường.

Chiếc tàu vỏ sắt có công suất máy trên 1.000 mã lực ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, lần đầu tiên ghé vào cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bán cá. Ông Tuấn, chủ tàu bán dầu lên buồng lái hướng dẫn thuyền trưởng chạy tàu ra khu neo đậu an toàn, gọi thuyền đưa đón đến chở thuyền trưởng, thuyền viên vào cảng để bắt xe về Thanh Hóa thăm nhà. “Đang vào mùa trăng, tàu neo đậu ở đây có người trông coi cẩn thận. Qua rằm, mấy anh đó lại vào bơm dầu, lấy đá đi biển” - Ông Tuấn tiết lộ thông tin.

Làm “hoa tiêu” từ cửa biển

Thời điểm sáng trăng, có rất nhiều tàu lớn từ Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... ghé vào Hòn Rớ bán cá, dân trong vùng gọi là “tàu lạ”. Vì tàu mới từ nơi khác đến không biết luồng lạch, chủ tàu bán dầu hiểu ý và “lấy lòng” thuyền trưởng. Ông Nguyễn Quốc Cường, chủ tàu dầu xởi lởi, nói với tôi:

- Doanh nghiệp tôi mới thành lập, ít khách hàng, buộc phải đi tìm và chăm sóc khách hàng từ xa. Tàu mấy anh tỉnh khác đến đây, tôi phải chạy thuyền ra ngoài cửa đón, giống như “hoa tiêu” dẫn tàu vào cập cảng, trên cầu cảng có người của mình đứng túc trực phụ kéo dây, buộc tàu với họ. Thuyền trưởng cần gì, bọn tôi sẵn sàng giúp vô điều kiện, chở mấy anh lên trạm Biên phòng trình sổ hành trình, bơm nước ngọt miễn phí, đôi khi mời nhậu chút đỉnh để hiểu lòng nhau hơn. Nếu mà cho tàu dầu neo một chỗ, ngồi chờ họ cặp tàu đến mua thì có nước sập tiệm sớm.

- Ông ở trong bờ, mấy ông trên tàu cá là người lạ, ở ngoài biển, bằng cách nào ông biết được lịch trình cập bờ của họ? - Tôi đặt vấn đề.

- Nhờ mấy ông thuyền trưởng quen giới thiệu với nhau ngoài biển. Khi tàu vào gần bờ có sóng điện thoại, mấy anh gọi cho biết thời gian cụ thể, mới có phương án đón tàu từ xa. Mình phục vụ chu đáo, họ cảm động lại giới thiệu cho tàu khác. Đôi khi mình dẫn tàu cá ngoài biển vào sông neo đậu ngon lành, nhưng do không theo sát, lơ là “chăm sóc” bị mấy ông bán dầu khác đến gặp “rỉ tai” nói xấu, thế là họ đổi ý không mua dầu của tôi nữa.

Những chiếc tàu đánh bắt xa bờ hành nghề mành chụp, mỗi chuyến đi biển họ mua từ 10.000 - 25.000 lít dầu, gặp những chiếc tàu đánh cá ở Thanh Hóa, Nghệ An..., đôi khi họ yêu cầu chở cả một xe bồn xuống cảng bơm trực tiếp vào tàu. Riêng tiền dầu đã ngốn từ 100 - 300 triệu đồng. Giống như luật bất thành văn, một chiếc “tàu lạ” đã mua dầu một lần, thì lần thứ 2, 3... trở thành “mối ruột”. Việc mua bán dầu phải “tiền trao cháo múc”, không có nợ nần dây dưa. “Bán dầu cho mấy ông “tàu lạ” tháng nào biết tháng đó. Tháng này mấy ông vào Nha Trang bán cá, nhưng tháng sau gặp cá, họ ghé vào Quảng Nam, tháng khác họ theo dòng nước vào Bình Thuận. Nếu cho họ nợ tiền dầu thì khó đòi lắm” - Ông Cường chia sẻ nguyên tắc bán hàng của mình.

Ngư dân “chỉ điểm” thị trường cho doanh nghiệp

Câu chuyện chăm sóc, đeo bám của chủ tàu bán dầu với chủ tàu đánh cá biểu hiện thị trường vô cùng sôi động, cạnh tranh khốc liệt trên bến dưới thuyền. Ngược thời gian những năm về trước, tàu đánh cá nhỏ ra vào đánh bắt giống như đi “chợ xóm”, chiều đi - sáng về, mỗi tàu mua 1-3 can dầu/chuyến biển. Không có những chiếc tàu lớn đổ mấy ngàn lít dầu như bây giờ.

Ông Nguyễn Huy Giới, Giám đốc Công ty TNHH Huy Giới nhớ lại: “Cả vùng Cửa Bé toàn ghe (tàu nhỏ) giã cào ven bờ, lưới rút nhỏ..., dưới nước chưa ai mở cửa hàng dầu cơ động. Tôi thuê lại cái kho của Xí nghiệp Đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa) làm chỗ chứa dầu, hằng ngày bơm vào từng can, chở xe ba gác đi giao từng chủ ghe. Được một thời gian, tôi rước đội thợ ngoài miền Bắc vào đúc chiếc sà lan bằng lưới thép, xi măng, trọng tải 20 tấn, các loại ghe cập vào bơm dầu tấp nập. Sau 3 năm, tôi lại đóng chiếc sà lan xi măng thứ 2 có gắn động cơ, dễ dàng di chuyển trên sông và cửa biển. Thời thế thay đổi, tôi chuyển sang đóng 6 chiếc tàu vỏ sắt, tàu vỏ com-po-sít hoạt động ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận và huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)”.

Nghe ông Giới nói vậy, tôi hỏi:

- Anh là người đóng tàu bán dầu đầu tiên, đã có lượng khách hàng lớn, ổn định tại Nha Trang, tại sao phải vượt sóng gió đi xa mở thị trường?

- Tôi đi theo mấy ông chủ tàu đánh cá, họ đi đánh bắt theo mùa, theo đuôi con cá. Thuyền trưởng đưa tàu từ Khánh Hòa vào vùng biển Bình Thuận đánh bắt, rồi ghé vào Mũi Né bán cá, mua dầu đi biển tiếp. Cả vùng Mũi Né không có tàu bán dầu dưới biển, phải mua từng can trên bờ chở xuống thúng chai, chèo ra xa mới đưa được lên tàu. Quá cực.

- Đến khai phá vùng đất mới, ông gặp những rào cản nào khó gỡ nhất?

- Năm đó, tỉnh Bình Thuận cấp giấy phép kinh doanh cho tôi. Tôi đưa tàu vào bán dầu cho ngư dân, chính quyền bắt phạt và yêu cầu dừng bán. Họ bảo, vùng này chưa có “quy hoạch” nên không được phép bán dầu. Tôi chạy ra Hà Nội gặp ông Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam trình bày đầu đuôi, ông chỉ đường cho tôi: “Anh vào hợp đồng với mấy ông chủ tàu đánh cá mua bán dầu, tàu của anh có quyền đi khắp vùng biển Việt Nam, họ mua thì anh bán, không vi phạm điều luật nào hết”. Tôi về soạn thảo công văn thông báo gửi đến rất nhiều cơ quan, đơn vị ở tỉnh Bình Thuận về việc tàu của tôi sẽ bán dầu cho ngư dân trong vùng. Sau vụ đó, tỉnh đã bổ sung quy hoạch và giúp tôi kinh doanh bình thường.

Được biết, thời gian sau, nhiều ngư dân gặp ông Giới lại nói: “Bây giờ, cá nó chạy ra Côn Đảo rồi, bọn tui phải chạy theo đuôi nó ra đó đánh bắt, ông tới đó bán dầu cho bọn tui”. Nghe vậy, ông Giới chủ động hỏi dò la tình hình ở Côn Đảo và được ngư dân kể: Cả vùng chỉ có một cây dầu bán ở trên bờ, can nhựa chờ mua dầu chất cao như núi, họ chỉ bán theo giờ hành chính. Ông Giới thuật lại: “Chỉ nghe họ nói can nhựa chất như núi, tôi đã sướng rồi. Lập tức tôi bay ra Côn Đảo xem địa hình, thấy cả một bãi tàu ghe đậu san sát nhau, hai bên có hai quả đồi bao bọc, tạo nên một cái vịnh kín gió. Tôi quay về bờ và xuống Long An tìm mua chiếc tàu vỏ sắt có tải trọng 300 tấn làm cửa hàng bán dầu ở Côn Đảo. Đến nay, gần như thị phần dầu dưới biển ở nơi này là do tôi cung cấp”.

Bài 2: Chăm “mạch máu” biển khơi

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cung-phung-chu-tau-ca/