Cúng ông Công ông Táo ở bếp hay trên ban thờ?

Chuẩn bị đến ngày Tết ông Công ông Táo, nhiều gia đình đã chuẩn bị những lễ vật thờ cúng. Tuy nhiên nhiều người vẫn đang đặt ra câu hỏi cúng ông Công ông Táo ở bếp hay trên ban thờ.

Ý nghĩa của lễ cúng ông Công ông Táo

Cúng ông Công ông Táo ở bếp hay trên ban thờ? (Hình ảnh minh họa)

Cúng ông Công ông Táo ở bếp hay trên ban thờ? (Hình ảnh minh họa)

Theo tín ngưỡng cổ truyền ghi chép trong sách cúng cổ truyền Việt Nam, cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp là tập tục lâu đời. Đây là ngày Táo Quân cưỡi cá chép vàng lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian; tất cả những việc tốt, việc xấu, những gì đã làm được và chưa làm được của con người dưới hạ giới một cách khách quan, trung thực.

Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo.

Việc làm mâm cỗ cúng là để tiễn ông Táo lên thiên đình bẩm báo tất cả các việc xảy ra trong năm của gia đình và cũng là người kết nối gia đình với các vị thần linh trên thiên đình, chuyển tải mong ước của gia chủ trong năm mới.

Cúng ông Công ông Táo ở bếp hay trên ban thờ?

Chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho biết, trong lễ cúng ông Công ông Táo, nếu nhà bạn có ban thờ Táo quân (thường đặt gần bếp) thì thắp hương ở ban thờ này. Nếu không có ban thờ Táo quân riêng thì phải thắp hương ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên cúng lễ ở bếp vì từ xưa đến nay, ban thờ luôn được coi là ăng ten để giao tiếp giữa hai thế giới âm dương, giữa người trần thế và thần linh.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương, lễ cúng ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thường cúng trên bàn thờ gia tiên với cách gọi nôm na là cúng ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, đây là hai vị thần khác nhau. Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà.

Ông Táo là 3 vị đầu rau (2 nam, 1 nữ) trông coi việc bếp núc trong gia đình. Lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, người dân thường gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng. Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.

Hiện, ở một số chùa lớn cũng thường có ban thờ riêng cúng Táo quân. Ngày xưa, lễ cúng Táo quân thường đặt trong bếp, nơi đặt ban thờ riêng các Táo. Song ngày nay, việc thờ cúng đã đơn giản hóa, do quan niệm và không gian bếp thường chật chội, ở thành phố càng chật chội hơn nên nhiều nhà không có ban thờ riêng ông Táo.

Với những nhà không có ban thờ Táo quân riêng sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng đặt dưới gian bếp và thêm một mâm khác thắp hương ở ban thờ thần linh, gia tiên thực hiện nghi lễ cúng chính. Khi cúng, người dân nổi lửa để bếp cháy đỏ rồi bày mâm cỗ.

Thời gian cúng ông Công ông Táo

Tuy có quan điểm khác nhau về thời điểm đẹp nhất để cúng ông Công, ông Táo, nhưng các chuyên gia đều cho rằng nên cúng trước hoặc trong ngày 23 tháng Chạp. Không nên thực hiện nghi thức cúng ông Công, ông Táo sau ngày này.

Thạch Thảo (TH)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/cung-ong-cong-ong-tao-o-bep-hay-tren-ban-tho-130148.html