Cùng nỗ lực giúp học sinh vùng lũ

Miền Trung vừa liên tiếp hứng chịu những trận bão, lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đối với ngành giáo dục, nhiều trường học bị tốc mái, hư hỏng nặng; sách, vở, đồ dùng dạy học lấm lem bùn đất hoặc bị nước lũ cuốn trôi...

Để học sinh sớm được trở lại trường, chính quyền và người dân các tỉnh miền Trung cùng lực lượng của quân đội đã tập trung ưu tiên giúp ngành giáo dục khắc phục hậu quả thiên tai.

Cả nhà trường và học sinh đều gặp nhiều khó khăn

Tại “rốn lũ” Quảng Bình, đến chiều 28-10, 100% học sinh đã đến trường học tập trở lại. Nhưng do ảnh hưởng của bão số 9, một số đoạn đường, vùng trũng lại bị ngập, nước tiếp tục dâng cao. Để bảo đảm an toàn, tỉnh đã cho học sinh ở những vùng bị ảnh hưởng của bão số 9 tạm thời nghỉ học từ ngày 29-10. Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Bình, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành giáo dục địa phương. Ước tính, toàn tỉnh có 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập nước; cơ sở vật chất, sách, vở, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho học sinh... bị hư hỏng, trôi theo nước lũ. Tổng thiệt hại ban đầu của ngành giáo dục Quảng Bình ước tính khoảng 360 tỷ đồng.

 Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) tham gia giúp Trường Mầm non Hiền Ninh tổng dọn vệ sinh sau khi lũ rút.

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) tham gia giúp Trường Mầm non Hiền Ninh tổng dọn vệ sinh sau khi lũ rút.

Với phương châm “Nước rút đến đâu khắc phục nhanh, hiệu quả đến đó” để sớm ổn định hoạt động dạy và học, cùng với sự giúp đỡ tích cực của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương, các nhà trường đã huy động đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh chung tay dọn bùn, vệ sinh lớp học. Tuy nhiên, ở nhiều trường có khối lượng đất đá sạt lở lớn, hư hỏng nhiều dãy phòng học cùng với lượng bùn dày nên công tác dọn dẹp gặp nhiều khó khăn. Cùng đồng nghiệp quần quật dọn dẹp đống đổ nát, bà Dương Thị Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Những đợt lũ liên tiếp trong hơn hai tuần qua đã làm cho cơ sở vật chất trường lớp bị thiệt hại nặng nề. Hiện toàn bộ hệ thống bơm lọc nước của nhà trường đều hư hỏng, nhiều trang thiết bị dạy học và sách, vở bị nước lũ cuốn trôi. Trong hơn 300 học sinh của nhà trường, có tới 90% là con gia đình làm nghề nông. Các gia đình đều trắng tay sau lũ nên nỗi lo thiếu đói ảnh hưởng đến việc học của học sinh rất nhiều”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết: “Toàn huyện có 69 điểm trường thì 58 điểm trường ngập lụt sâu, có điểm ngập 2-3m nên các trang thiết bị, đồ dùng, sách vở của học sinh bị ướt và hư hỏng. Một số phòng học và hơn 30 công trình phụ trợ sụp đổ. Sau khi lũ rút, huyện đã huy động toàn bộ lực lượng thu dọn vệ sinh. Ngay từ đầu tuần, các điểm trường cơ bản đã sẵn sàng tổ chức dạy học trở lại. Tuy nhiên, tại một số điểm trường, học sinh phải tổ chức học dồn phòng, bởi các phòng học sạt lở hiện không thể sử dụng được”.

Dù đã chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai nhưng do mực nước lũ quá cao kèm theo mưa bão nên thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) là hết sức nặng nề. Bão lũ đã khiến 186 phòng học, 111 phòng chức năng, 31 phòng nội trú bị hư hỏng nặng; 3.237 bộ sách, vở, tài liệu bị ướt, cuốn trôi... Những vấn đề huyện đang quan tâm khắc phục là: Tu sửa, cải tạo hoặc xây mới hệ thống phòng học, công trình vệ sinh, nhà bếp, hệ thống nước, hệ thống điện bị hư hỏng; mua sắm bổ sung bàn ghế học sinh, bàn ghế làm việc, trang thiết bị dạy học... Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: “Đến thời điểm này, học sinh trên địa bàn huyện đã quay trở lại học bình thường. Tuy nhiên, 8/85 điểm trường bị sập hoàn toàn, hiện đang học ghép. UBND huyện kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ những thứ mà ngành giáo dục huyện Lệ Thủy đang rất cần vào lúc này”.

Thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, mưa lũ kéo dài đã khiến ngành giáo dục địa phương thiệt hại khoảng 98 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của bão số 9, hiện tỉnh phải tạm thời cho học sinh nghỉ học vì bị ngập lụt, chia cắt và sạt lở đất. Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Ngay sau lũ, sở đã tập trung chỉ đạo các trường phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác dọn dẹp vệ sinh, sớm đón học sinh đi học trở lại. Riêng huyện Hướng Hóa-địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất hiện vẫn có một số trường đang còn ngổn ngang do sạt lở đất, nước lũ và bùn non làm hư hại, chưa thể khắc phục xong”.

Hành động khẩn trương, sớm đưa học sinh trở lại trường

Những ngày qua, các đơn vị quân đội ở miền Trung đã tích cực giúp các nhà trường tổng dọn vệ sinh sau khi lũ rút; nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, nhà xuất bản, nhà hảo tâm và nhiều người dân trên cả nước cùng chung tay kêu gọi, quyên góp sách, vở, đồ dùng học tập để gửi tới học sinh vùng lũ. Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức nhiều đợt thăm, động viên, trao quà hỗ trợ ngành GD&ĐT các tỉnh miền Trung để khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, bộ đã và đang kêu gọi các nhà xuất bản, các nhà hảo tâm cung cấp sách giáo khoa, vở, thiết bị dạy học cho các trường, bảo đảm học sinh vùng lũ có đủ sách, vở, đồ dùng học tập tối thiểu. Đối với khung thời gian kế hoạch năm học, trong kế hoạch năm học có khoảng thời gian dự phòng, do đó, các trường học có thể linh hoạt giãn chương trình, để học sinh được học nhẹ nhàng, tránh tình trạng dồn ép, bảo đảm học sinh tiếp thu được các kiến thức cơ bản, đồng thời, củng cố kiến thức cho học sinh sau đợt nghỉ do bão lũ.

Bộ GD&ĐT đã có công điện yêu cầu các sở GD&ĐT thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thiệt hại do bão lũ gây ra đối với ngành giáo dục, kịp thời báo cáo về Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ GD&ĐT. Từ đó, Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp thiệt hại, báo cáo Chính phủ có phương án hỗ trợ.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân chiều 29-10, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Vụ đã chỉ đạo các trường đại học trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ huy động các đội sinh viên tình nguyện để hỗ trợ các nhà trường về tài liệu; sửa chữa các trang thiết bị, đồ dùng học tập; tham gia hoạt động vệ sinh môi trường và sửa chữa trường, lớp để học sinh sớm ổn định học tập. Ngoài ra, các đội hình sinh viên tình nguyện còn tham gia hỗ trợ sửa nhà của các gia đình học sinh bị hư hại sau khi bão lũ đi qua”.

Đà Nẵng cho học sinh đi học trở lại từ ngày hôm nay (30-10). Đối với các cơ sở vẫn còn ngập úng hoặc chưa khắc phục xong thì căn cứ vào tình hình thực tế, hiệu trưởng các trường, giám đốc các trung tâm đề xuất tiếp tục cho học sinh nghỉ học ngày 30-10 để bảo đảm an toàn.

Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương chủ động quyết định việc cho học sinh nghỉ học để tập trung khắc phục hậu quả sau bão và bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên.

Tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, học sinh bắt đầu đi học trở lại từ ngày 30-10.

THANH THÚY

Bài và ảnh: THU HÀ - NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/cung-no-luc-giup-hoc-sinh-vung-lu-642417