Cùng ngư dân vươn khơi bám biển

Trải qua những ngày lênh đênh trên biển cùng ngư dân xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), chúng tôi mới hiểu phần nào sự vất vả của nghề. Nhưng với những ngư dân 'ăn sóng, nói gió', bám biển đánh bắt hải sản đâu chỉ để sống, đó còn là cách khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Ngư dân với chiến lợi phẩm vừa câu được.

3 ngày trải nghiệm trên ngư trường

Sinh ra và lớn lên ở miền biển, từ nhỏ tôi vẫn thường tò mò về những ánh đèn lập lòe mỗi tối ngoài khơi xa. Tôi luôn mong ước có một lần được cùng đi để thấu hiểu nỗi vất của những ngư dân lênh đênh trên biển.

Và rồi ước mơ đó cũng trở thành hiện thực, sau khi mất khá nhiều thời gian thuyết phục, anh Bùi Văn Dũng, sinh năm 1979, chủ tàu TH-93628-TS ở xã Ngư Lộc mới cho theo cùng. Anh Dũng giải thích: “Cuộc sống trên biển không như trên bờ, trên tàu lại đi toàn đàn ông, em là con gái sẽ rất bất tiện... Nếu vẫn quyết định đi thì ngày mai chúng ta sẽ vươn khơi”.

Như đã hẹn, đúng 17 giờ ngày 2-8-2018, tôi có mặt tại Cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc), đặt chân lên chiếc tàu có công suất 450 CV do anh Dũng là người lái chính, trên tàu lúc này còn có 7 thuyền viên tuổi đời từ 21 đến 55, cùng ở xã Ngư Lộc. Anh Dũng cho biết, chuyến ra khơi này đi khoảng 15 ngày, nếu may mắn gặp đàn cá lớn chuyến đi có thể kéo dài hơn. Xem giờ xuất phát, anh Dũng bắt đầu nổ máy cho tàu chạy. Đất liền xa dần. Sau lưng tôi chỉ còn một vết mờ, trước mắt là mặt nước mênh mông, ảo ảnh như thấy chân trời và mặt biển chạm vào nhau. Nắng chiều vàng ong khảm trên mặt biển những lấp lánh màu bạc trải dài trước mắt.

Gần 8 giờ rẽ sóng ra khơi, tàu cách đất liền 45 hải lý - ngư trường thường đánh bắt được nhiều hải sản mà ngư dân đã đánh dấu tọa độ. Máy tầm cá mở lên, quét trong vòng 5 hải lý, độ sâu quét được đến cả cây số. Trên cabin tàu, anh Dũng nói: “Trước đây không có máy dò cá, ra chuyến nào phải thuê ngư dân giỏi lặn xuống lắng “nghe” cá “đi”, chúng “đi” từng đàn, tiếng quẫy nước ép vào màng nhĩ ngư dân, người thính tai sẽ ước đàn cá nhiều hay ít mới bủa lưới. Làm thế có khi được khi mất, vì cá di chuyển nhanh, thợ lặn lên tàu rồi mới cho thả lưới vì sợ họ bị quấn vào lưới, thao tác như thế dễ bị cá... “qua mặt”. Giờ có máy tầm cá, chỉ cần thấy nó quét màu đỏ vàng đậm đặc, biết ngay mẻ cá chừng nào”.

Máy đo độ sâu báo hơn 70 m, tàu không thể thả dây neo, các thuyền viên bung dù. Đây là cách neo đặc biệt khi tấm dù xòe ra níu tàu trôi chậm lại quanh vùng đánh bắt. Anh Dũng tắt máy chính, máy phụ để hoạt động cho giàn đèn điện chiếu sáng dụ cá, mực đến. Đứng trên tàu, nhìn xuống mặt biển, lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy từng đàn cá nhỏ chao lượn trên mặt biển. “Cá nhỏ vào càng nhiều thì mực, cá lớn đến càng đông, vì chúng tới săn mồi” - anh Dũng giải thích.

Trong khi mọi người chuẩn bị ngư lưới cụ và các vật dụng cần thiết khác, anh Dũng làm lễ cúng biển - nghi lễ truyền thống của những ngư dân trước khi đánh bắt hải sản. Khi máy tầm ngư chưa xác định được luồng đi của hải sản, các thuyền viên ra phía sau đuôi tàu câu mực ống. Thấy tôi đứng quan sát, anh Dũng giải thích: Thường thì ngư dân có thể câu mực bằng tay hoặc bằng những chiếc cần câu tự chế. Chiếc cần câu được làm bằng những thanh tre nhỏ, phía trên có đính một vòng sắt để dây câu có thể luồn qua và di chuyển. Phía lưỡi câu có các móc câu buộc đấu lưng lại với nhau tạo thành cái móc ba chia, buộc phía dưới con mồi độ một gang tay, phía trên có một con mồi giả. Những con mồi này được làm bằng chì hoặc nhựa phản quang, bên ngoài được quấn bằng giấy kim tuyến xanh, đỏ, tím, vàng để dễ bắt ánh sáng đèn và dụ mực đến.

Gió cấp 4 - 5, tàu lắc lư dữ dội, tôi nôn nao vì say sóng, không đứng nổi dậy, phải bò trên sàn tàu, anh Dũng ung dung ngồi vắt vẻo trên thành tàu, tay thoăn thoắt buông lưỡi câu, miệng nói: “Khi thả cần câu xuống biển, thi thoảng tay giật giật chiếc cần cho lưỡi câu chuyển động để con mực thấy mồi di chuyển và đến ăn mồi. Khi mực ăn mồi, tay người câu sẽ có cảm giác bị ghì xuống và lúc đó phải giật mạnh dây câu để mực đóng vào lưỡi câu, rồi dùng tay kéo nhanh dây câu lên để bắt mực”.

Anh Dũng nói chưa dứt lời, tôi đã nằm bẹp trên sàn tàu, lịm dần vì say. Khi mở mắt ra, tôi thấy mình đã nằm trên cabin tàu. Cố gắng nhắm mắt để quên cơn say sóng, nhưng bên tai, chiếc máy bộ đàm phát ra lời bài hát “Gần lắm Trường Sa” của tác giả Huỳnh Phước Long. “...Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi/ Không xa đâu Trường Sa ơi/ Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...”. Con tàu vượt qua những con sóng bạc đầu, giọng hát của ca sĩ đôi khi lạc vào hư không thật xa, có lúc thật gần... Một ngư dân cho biết, trên biển mênh mông sóng nước, chiếc máy bộ đàm là một trong những phương tiện đắc lực nhất của ngư dân. Không chỉ kịp thời thông tin với nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn hoặc rủi ro trên biển mà còn là phương tiện thông tin cho nhau về ngư trường đánh bắt. Nếu ở ngư trường mà tàu nào đó đang thả neo nguồn hải sản ít hoặc không có thì sử dụng bộ đàm để nhờ trợ giúp, các tàu khác sẵn sàng cung cấp vị trí ngư trường có nguồn hải sản nhiều hơn. Nhờ vậy mà sau mỗi chuyến ra khơi hầu như không có tàu nào bị “tay trắng”. Ngoài ra, máy bộ đàm cũng là phương tiện để mọi người giao lưu văn nghệ sau mỗi chuyến ra khơi. Các anh hát cho nhau nghe có thể là những bài tân nhạc hoặc tân cổ giao duyên tập trung vào chủ đề biển, tình yêu quê hương, đất nước.

Hơn 2 giờ sáng, các thuyền viên đang câu mực thì máy dò cá báo hiệu xuất hiện hải sản. “Héo! Nước êm, trăng lách qua một bên rồi. Dậy bật máy dò...”. Tiếng gọi của một bạn thuyền lớn tuổi gọi anh Dũng bằng cái tên ở nhà vang trên ca-bin khiến chúng tôi bật dậy. Các dãy đèn hai bên hông tàu được bật sáng. Tiếng “tít, tít” từ chiếc máy dò kêu lên liên tục. Anh Dũng thốt lên: “Hên quá! No ấm đây rồi!”. Anh chỉ cho chúng tôi làn cá đang tập trung khá dày dưới tầng nước hơn 25m. Hệ thống lưới chụp được thiết kế bốn góc con tàu có bốn cần sắt dài gần chục mét vươn ra. Dây thừng vây quanh tạo thành một bộ khung vững chắc để giữ lưới trên không. Đèn điện trên tàu được tắt dần, rồi thuyền trưởng Dũng hô lớn “một, hai, ba”, cùng lúc mỗi người một góc mũi tàu giật dây thả tấm lưới rộng khoảng 50m2 chìm nhanh xuống nước. Hàng trăm cục chì nặng đến vài tạ sẽ đưa lưới chìm rất nhanh, khi đến độ sâu vài chục mét, máy tời hoạt động gom lưới để cá mực nằm gọn phía trong.

Với sự giúp sức của máy tời, những đôi tay rắn chắc thoăn thoắt thu lưới qua chiếc ròng rọc đặt trên sàn tàu, lưng áo của các ngư dân ướt đẫm mồ hôi giữa gió lạnh biển đêm. Chiếc tàu nghiêng hẳn về bên trái vì sức nặng của giàn lưới vây rút khá lớn. Khi vòng vây dần thu hẹp, lũ cá hoảng loạn tìm cách thoát ra ngoài. Các ngư dân nhanh chóng dùng vợt xúc cá đổ lên sàn tàu. Cá bạc má, cá trích... lấp lánh vảy bạc giãy đành đạch, cá hố giương vây lưng như tỏ vẻ giận dữ vì bị kéo lên khỏi mặt nước; mực lá, mực cơm ngoe nguẩy xúc tua, lấp lánh dưới ánh đèn vàng. Ngư dân nhanh chóng phân loại rồi cho vào các khay, sau đó vận chuyển xuống hầm lạnh. “Mẻ lưới này được khoảng 30 kg mực và một ít cá, bán được hơn 2 triệu đồng” - anh Dũng ước chừng và thúc mọi người thu dọn để tiếp tục mẻ lưới mới. Các mẻ lưới sau được lặp lại, thời gian chong đèn dụ hải sản từ 1 đến 3 giờ. Khi máy dò báo hiệu nhiều cá mực đến thì ngư dân thả lưới vây bắt. Đến 4 giờ, tàu anh Dũng được 4 mẻ, thu hơn một tạ mực và ít cá.

Vươn khơi bám biển, làm giàu

Trời chuyển dần về sáng, tôi ngồi hàn huyên cùng ông chủ tàu. Nhiều đời gia đình anh Dũng theo nghề biển. Anh gắn bó với biển từ khi lên 10, đến nay cũng gần 30 năm. Tích cóp mãi rồi cũng có tàu riêng, vỏ gỗ, công suất máy thấp, dần dần mới khá lên làm chủ tàu lớn như bây giờ. Nghề đi biển bao đời nay phải đối diện với nhiều chuyện, nào là: Thiên tai, nhân tai, lực lượng theo nghề giảm, bị ép giá... Mới năm ngoái đây, tàu vỏ gỗ của anh gặp bão, chìm dưới đáy biển, may được Nhà nước hỗ trợ vay vốn để đóng tàu mới. Anh tin với kinh nghiệm của mình sẽ sớm trả được các khoản vay. Nhưng nghề đi biển còn phụ thuộc nhiều ở may rủi nữa. Anh tâm sự, cũng chỉ làm nghề hơn chục năm nữa là “rửa tay gác kiếm”, tìm nghề khác trên đất liền an dưỡng tuổi già. Nghĩ hơi tiếc là những đứa con của anh không ai theo nghề biển, nhưng biết đâu điều đó lại tốt cho mấy đứa nhỏ? Nói thì nói vậy, anh vẫn tin biển bạc nhiều cá ngoài kia là một thế giới đầy hấp dẫn, hy vọng có nhiều bạn nghề trẻ đang làm trên thuyền của anh sẽ quyết tâm trở thành ông chủ tàu cá vươn khơi bám biển, bảo vệ ngư trường, lãnh hải Việt Nam.

Suốt cả hành trình, tôi dường như phải “chiến đấu” với những cơn say sóng. Trong người tôi lúc nào cũng lâng lâng, mệt mỏi. Thậm chí có lúc không thể ngóc nổi đầu dậy, nằm bẹp trên cabin tàu, nhìn thấy thức ăn là sợ. 3 ngày trên tàu, đồng nghĩa với 3 ngày trong bụng tôi không có hạt cơm nào, tôi đành cầm hơi bằng cách gặm nhấm mấy miếng lương khô mang theo, cùng nước trắng. Đổi lại, tôi được nghe những cuộc trò chuyện giữa muôn trùng biển khơi của các ngư dân. Trong 3 ngày trên tàu, tàu của chúng tôi gặp 2 tàu câu mực khác. Chẳng hề quen biết nhưng hai thuyền trưởng vẫn điều khiển tàu áp sát vào nhau. Các thuyền viên không ngừng hỏi thăm sức khỏe, tình hình đánh bắt của mỗi tàu. Họ chuyền tay nhau chai nước ngọt, gói mì tôm hay sẻ cho nhau điếu thuốc. Trên bộ đàm, thuyền trưởng các tàu thường trao đổi thông tin về luồng cá, dự báo thời tiết. Những câu chuyện tiếu lâm lại có dịp “nổ”, kèm theo những trận vang trên tàu. Tiếng cười xua đi mệt mỏi, cô độc.

Nhìn con thuyền ưỡn bụng trước biển, rẽ sóng vươn khơi, thấy nghề biển vô cùng vất vả nhưng tự hào lạ lùng. Lá cờ đỏ sao vàng cắm trên các mũi thuyền tung bay phần phật trước gió. Thi thoảng gặp các tàu cá của bà con ngư dân Nghệ An, Hà Tĩnh... Các tàu cùng chạy ngang qua, mọi người lại vẫy tay niềm nở chào hỏi. Như một luật bất thành văn trên biển, đó là tàu vùng nào, ở đâu, bất luận đã là ngư dân Việt Nam nếu ra tín hiệu SOS đều được đáp lại bằng nghĩa tình cứu hộ đồng bào.

Được biết, trong những năm qua để hỗ trợ cho ngư dân bám biển đánh bắt hải sản, khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân; chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng đã xây dựng mô hình tổ tàu, thuyền đoàn kết để các ngư dân sát cánh cùng nhau vươn khơi bám biển. “Bám biển là việc mưu sinh từ ngàn đời nay của mỗi ngư dân và việc khai thác trên các ngư trường cũng là cách khẳng định chủ quyền toàn vẹn biển, đảo mà cha ông để lại. Việc tập hợp ngư dân là cần thiết nhưng thiết nghĩ Nhà nước cần hỗ trợ cho các tàu có công suất lớn trang bị phương tiện hiện đại để có thể lưu giữ hình ảnh đánh bắt hải sản cũng như việc tàu nước bạn xâm phạm vùng biển nước ta” - lão ngư Ngô Văn Ngọ, 53 tuổi bày tỏ.

Đáng lẽ, tôi sẽ tiếp tục đi hết lịch trình như đã định cùng các ngư dân, nhưng do sức khỏe yếu, lại bị say sóng nên anh Dũng đã tìm tàu gửi tôi trở về đất liền. Bịn rịn chia tay những ngư dân hiền lành, chất phát trên chiếc tàu TH-93628-TS do anh Dũng làm chủ, tôi lên tàu thu mua quay về đất liền. Sau 3 ngày lênh đênh trên biển cùng ngư dân, được tận mắt nhìn thấy nguồn tài nguyên vô hạn từ biển cả, được cùng ngư dân hân hoan vui sướng khi nhận “lộc” của biển sau những lần thả lưới, tôi nhận ra rằng với mỗi ngư dân, biển khơi gắn bó với họ như mảnh vườn, thửa ruộng của người nông dân. Biển không chỉ là nghiệp mưu sinh mà còn là cuộc sống tinh thần. Mỗi lần ra khơi là một lần ngư dân đối mặt với sóng to gió lớn. Với họ bám biển không chỉ để kiếm sống, nối nghiệp cha ông, mà còn là góp phần bảo vệ vùng biển, khẳng định chủ quyền của dân tộc. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều hộ ngư dân đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn, trang thiết bị ngư cụ hiện đại để không những đi biển dài ngày, an toàn, mà còn tham gia giữ gìn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Hy vọng, trời luôn yên, biển luôn lặng để cuộc sống của người ngư dân đỡ vất vả hơn.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/0uq3dh/new-article.aspx