Cùng ngư dân khai thác biển 'không thẻ vàng'

TP Đà Nẵng 'sở hữu' đội tàu đánh bắt xa bờ lớn của miền Trung với gần 1.000 phương tiện từ 90CV trở lên. Tuy nhiên, Đà Nẵng lại là một trong những tỉnh, thành hiếm hoi không có tàu đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Trước việc Liên minh châu Âu (EU) rút 'thẻ vàng' với thủy sản xuất khẩu Việt Nam, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và BĐBP Đà Nẵng tìm cách tháo gỡ, hướng dẫn bà con thực hiện khai thác biển an toàn để thực sự được hưởng lợi từ biển.

BĐBP Đà Nẵng tặng tủ sách pháp luật cho nhân dân phường Xuân Hà, quận Thanh Khê. Ảnh: Trúc Hà

BĐBP Đà Nẵng tặng tủ sách pháp luật cho nhân dân phường Xuân Hà, quận Thanh Khê. Ảnh: Trúc Hà

Có thể khẳng định rằng, để có được kết quả “không có tàu đánh bắt xâm phạm chủ quyền vùng biển nước khác” là nhờ trong nhiều năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và BĐBP Đà Nẵng luôn chú trọng công tác vận động, tuyên truyền ngư dân nắm chắc, nắm rõ về phạm vi, khu vực, ngư trường được đánh bắt, tuyệt đối không xâm nhập, vi phạm chủ quyền nước ngoài. Trong đó, nhấn mạnh việc tuyên truyền về hậu quả, tác hại của việc xâm phạm chủ quyền nước khác để đánh bắt hải sản. Đó là việc nếu bị nước ngoài bắt giữ sẽ ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến quyền lợi kinh tế của bà con, thậm chí là bị giam giữ, phạt tù. Xa hơn nữa là việc đánh bắt xâm phạm vùng biển nước khác là một trong những nguyên nhân khiến Liên minh châu Âu rút “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu Việt Nam. Như vậy, người bị ảnh hưởng trực tiếp chính là ngư dân.

Đối với các hành vi đánh bắt tận diệt gây nguy hại cho nguồn lợi thủy sản, năm 2016, BĐBP Đà Nẵng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quyết định số 42 về Quy chế quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển thủy sản trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, BĐBP thành phố chỉ dạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương vận động các chủ phương tiện hành nghề lưới kéo, lưới rung, nghề lờ vây, phương tiện dưới 50CV xả bản để chuyển đổi ngành nghề khai thác. BĐBP Đà Nẵng cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và cương quyết xử lý các trường hợp đánh bắt tận diệt như giã cào trái tuyến, sử dụng thuốc nổ.

Điển hình: Ngày 4-5-2018, Đồn Biên phòng Non Nước phát hiện và bắt giữ 8 phương tiện của tỉnh Quảng Nam có hành vi cào nghêu giống khu vực cấm khai thác. Đơn vị đã tiến hành lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính mỗi phương tiện 1,5 triệu đồng. Sau khi được Đồn Biên phòng Non Nước giải thích, các ngư dân đã thấy được sai phạm của mình và ký cam kết không tái phạm. Ngày 4-4-2018, Đồn Biên phòng Sơn Trà làm rõ vụ ông Nguyễn Văn Cường (trú tại phường Nại Hiên Đông) cùng 2 con trai dùng thuốc nổ để đánh cá. 3 cha con ông Cường đã sử dụng thuyền và ngư cụ ra khu vực bãi San Lỗ (khu bảo tồn Sơn Trà) thả 1 quả thuốc nổ xuống biển, thu vớt được khoảng 10kg cá. Đồn Biên phòng Sơn Trà đã tạm giữ phương tiện, sau đó xử phạt ông Cường 10 triệu đồng.

Trước việc Liên minh châu Âu đưa ra thẻ vàng với thủy sản xuất khẩu Việt Nam, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã xác định, nếu không triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp thì không gỡ được “thẻ vàng” và rất có thể Ủy ban châu Âu (EC) sẽ rút “thẻ đỏ”. Chính vì vậy, ngay sau khi có cảnh báo của Liên minh châu Âu, UBND thành phố đã chỉ đạo BĐBP thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị cơ sở, nhất là lực lượng kiểm soát hành chính tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang và tại các Trạm kiểm soát Biên phòng Thanh Hà, Mân Quang, Công trình đá 15, Sông Hàn kiểm tra, kiểm soát trước khi tàu xuất bến cũng như cập bến, lên cá tại cảng cá. Thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm Luật Thủy sản trên các vùng biển (vùng biển ven bờ, vùng lộng) thuộc địa bàn thành phố quản lý; tích cực tuyên truyền rộng rãi, hướng dẫn các chủ phương tiện, ngư dân về việc thực hiện đúng quy trình, thủ tục khi xuất, nhập và hoạt động trên biển.

Đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận tổ chức 7 lớp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho 20 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và gần 400 ngư dân là chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu cá đánh bắt xa bờ. BĐBP Đà Nẵng cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập văn phòng đại diện ngay tại cảng cá để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ theo quy định của EC.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn có một số khó khăn, như: Theo thói quen tâm lý của ngư dân, việc ghi nhật ký, hành trình đánh bắt chưa thường xuyên, một số còn giấu ngư trường đánh bắt nên không thường xuyên vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Về vấn đề này, các đồn Biên phòng đã xây dựng “Mật danh tọa độ” cam kết với bà con việc giữ bí mật ngư trường. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố cũng chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với Chi cục Thủy sản theo dõi chặt chẽ, tổng hợp báo cáo và đề xuất xử lý nghiêm nếu phương tiện không bật thiết bị 24/24 giờ để kết nối với các trạm bờ theo quy định.

BĐBP Đà Nẵng phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra các phương tiện đánh bắt trên biển. Ảnh: Văn Tuynh

BĐBP Đà Nẵng luôn quan tâm, tuyên truyền kiến thức pháp luật cho ngư dân song song với việc hỗ trợ vật chất để ngư dân yên tâm bám biển vươn khơi. Bởi vậy, trong những năm qua, BĐBP Đà Nẵng tập trung thực hiện Đề án 1133 của Chính phủ về việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ và nhân dân khu vực biên giới, hải đảo. Với nhiều hình thức có thể tuyên truyền tập trung, nhỏ lẻ, lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố, khu dân cư, nhà trường trên địa bàn. BĐBP Đà Nẵng phối hợp với Phòng Tư pháp, Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Đài Truyền thanh quận, phường tổ chức biên tập nội dung, ghi âm để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh hoặc chiếu băng, hình tại các lễ hội cầu an, cầu ngư, khu dân cư văn hóa biển, nhà sinh hoạt cộng đồng và nhà trường. BĐBP Đà Nẵng cũng cấp hàng chục tủ sách pháp luật với hàng trăm đầu sách cho các khu dân cư để giúp người dân tìm hiểu, tra cứu kiến thức pháp luật.

Ngoài ra, BĐBP Đà Nẵng xác định, việc thực hiện Đề án giai đoạn 2013-2016 và tiếp tục giai đoạn 2017-2021 là việc quan trọng và được thực hiện một cách nghiêm túc, đem lại hiệu quả thiết thực. Nhờ vậy, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới được nâng lên rõ rệt, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và cán bộ, nhân dân trên địa bàn thành phố trong tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Trúc Hà - Văn Tuynh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cung-ngu-dan-khai-thac-bien-khong-the-vang/