Cùng nghệ sĩ phát gạo thời dịch COVID-19

Nhóm từ thiện của ca sĩ Trọng Tấn xác định dành cả ngày 20/4 để phát gạo cho bà con khó khăn tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nhưng việc phân phát nhanh hơn mọi người hình dung, vì có sự phối hợp với chính quyền.

Buổi tiếp nhận gạo diễn ra nhanh gọn hơn dự kiến với sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền phườngẢnh: N.M.Hà

Buổi tiếp nhận gạo diễn ra nhanh gọn hơn dự kiến với sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền phườngẢnh: N.M.Hà

8 rưỡi sáng, các thành phần ban tổ chức đã có mặt tại nhà văn hóa phường Thanh Xuân Bắc, bao gồm Trọng Tấn và các ca sĩ Đăng Dương, Lê Anh Dũng, Tố Nga, Bùi Lê Mận, Lương Nguyệt Anh, Đinh Hiền Anh… Phía chính quyền có đầy đủ lực lượng bảo vệ, y tế (đo nhiệt độ), có khẩu trang và nước rửa tay cho mọi người trước khi vào hội trường.

Phía bên trong đã sẵn sàng kê ghế có chỗ dựa hẳn hoi, cách xa nhau vừa đủ cho mọi người ngồi đợi. Đã có một số đợt hỗ trợ trong đợt dịch vừa rồi nên danh sách 14 hộ cận nghèo, 144 hộ khó khăn đã có. Phường chỉ việc gửi giấy mời thông báo các hộ sáng nay đến lĩnh gạo. Mỗi hộ cận nghèo được nhận 10kg, họ khó khăn 5kg.

Độ 9h mọi người đến đông đủ. Sau phát biểu ngắn của đại diện chính quyền và ca sĩ Trọng Tấn, việc phân phát gạo được tiến hành ngay. Các ca sĩ, nhà báo trao từng bao gạo tới tận từng người dân. Một loáng là xong. Sau đó một số người vẫn tiếp tục đến lẻ tẻ. Cho đến giờ ăn trưa chỗ gạo (đã được chia sẵn ra từng bao 5kg) chỉ còn độ 1/3.

NGƯỜI CẬN NGHÈO LÀ AI?

Tranh thủ thời gian trước vào sau khi các đại diện hộ gia đình được nhận gạo, tôi định tiếp xúc với 4 người. Hai bên đều đeo khẩu trang. Người đầu tiên, một bác nam nhỏ thó tuổi vào quãng U70 chối luôn, lý do đang bị khản họng. Tôi định nói bác nên đi khám nhưng lại thôi.

Người tiếp theo là bà Nguyễn Thị Tiết, 69 tuổi. Cây gậy inox đứng cạnh chiếc ghế bà ngồi. Bà Tiết cho hay bị tai biến, liệt nửa người, phải nằm tại chỗ có người phục vụ mất năm rưỡi. Tháng rưỡi đầu không nói được. Vì sẵn bệnh nên bác thuộc diện không được ra ngoài trong thời gian này cho đến hôm nay đi lĩnh gạo.

Bản thân không có lương, bình thường bác sống nhờ vào lương hưu của chồng và vài trăm tiền trợ cấp dành cho người cao tuổi. Tháng hết hơn triệu tiền thuốc, bảo hiểm cho một phần, hầu hết vẫn phải mua ngoài. Các con đã lập gia đình nhưng vẫn lo cho hai ông bà tươm tất cái ăn trong đợt dịch. “Hai vợ chồng dặt dẹo có thế thôi chứ cũng chả vấn đề gì. Có rau ăn rau có muối ăn muối. Tất nhiên chưa có dịch thì tươm tất hơn”.

Trước đó, bà đã nhận được quà do Hội Phụ nữ mang đến tận nhà gồm gạo, dầu ăn, nước mắm và gói bột canh. Hỏi bà có đề đạt được hỗ trợ gì thêm không, bà đáp: “Biết thế nào cho đủ. Nói chung mình cũng rất khó khăn, nhưng nhiều trường hợp còn khó khăn hơn. Nên tôi cũng không đòi hỏi gì lắm. Vì cái chung thôi”.

Ông Đặng Xuân Thủy đến nơi cấp phát gạo với sự giúp sức của cây nạng, tay chân đều băng bó. Ông mới bị tai nạn xe máy từ trước Tết trong một lần đi xe máy về quê trong đêm vì có việc gấp. Do mệt mỏi, sương mù nên ông đâm vào dải phân cách. Bị gẫy tay, một bên chân đứt dây chằng, bên kia tổn thương cơ.

Ông nằm tại một bệnh viện tư khoảng một tháng rồi về nhà tự điều trị. “Không dám đi bệnh viện lớn vì sợ nguy cơ lây COVID-19”, ông cho hay”. Chuyện nhà ông khá éo le. Khi con đầu lòng được 2 tuổi, ông mới biết vợ mình bị… tâm thần phân liệt. Hóa ra nhà ngoại đã giấu bấy lâu nay. “Lúc biết cũng bực, cũng uất nhưng có con rồi thì phải sống vì con, không thể bỏ vợ được. Vợ lên cơn đánh mình dã man luôn. Năm cứ 2 lần như thế, mỗi lần 1-2 tháng”.

Ông từng đi bộ đội hồi chiến tranh biên giới phía Bắc. Sau phục viên về làm bảo vệ. Con gái đã có gia đình riêng, con trai đang học đại học (học phí hoàn toàn do các cậu các dì chi trả). Giờ tai nạn mất việc, lại thêm dịch bệnh, cả nhà ăn uống tằn tiện bằng tiền hỗ trợ của họ hàng anh em.

“Anh em bên vợ đi chợ mua hết, để sẵn trong nhà, mình chỉ việc nấu thôi”, ông cho hay. “Nhưng mình không thể dựa dẫm mãi được. Nên là cố… nhịn thôi. Chỉ mong mau khỏi bệnh để đi làm tiếp. Cũng chỉ đi bộ đi làm thôi, không đi xe được vì gẫy tay”.

Lòng khòng trong bộ đồng phục xe ôm công nghệ, đầu vẫn đội nguyên mũ bảo hiểm, ông C.Đ.H, 58 tuổi, ở C16, Thanh Xuân Bắc nói một cách khó nhọc: “Đợt này khó khăn, ít việc lắm. Hầu như bây giờ người ta ở nhà. Nên ngày tôi chỉ kiếm được mấy chục nghìn, bằng 1/10 so với trước”.

Rõ ràng ông không gặp khó khăn khi phát âm, nên nói chậm và nhát gừng. Tuy nhiên tôi cũng được biết vợ ông bị khớp kinh niên, con trai thứ cũng bị bệnh. Chỉ có cô con gái đầu là đi làm. Ông chạy xe ôm từ khi đi bộ đội về. Ông đã 2 lần được hỗ trợ gạo và mì ăn liền.

Ông nói với các nhà báo: “Thay mặt gia đình cám ơn Chính phủ với phường giúp đỡ trong lúc khó khăn”. Tất tưởi đến muộn nên ông cũng không được biết số gạo này do các ca sĩ quyên góp.

Đại diện chính quyền, bà Nguyễn Thị Hải thường trực Mặt trận Tổ quốc phường Thanh Xuân Bắc khẳng định khó mà có trường hợp khó khăn nào bị bỏ sót dịp này: “Hộ khó khăn có bị sót hay không là do dưới khu dân cư đưa lên hay không. Nhưng phần lớn Hội Phụ nữ đã rà soát tặng quà. Bên Mặt trận cũng trích quỹ Vì Người Nghèo cho những hộ cận nghèo rồi”.

Tiêu chuẩn hộ cận nghèo do thành phố quy định nên danh sách đã có từ trước. Vào dịp Tết các hộ này vẫn nhận được tiền hỗ trợ, nhưng không có hiện vật như đợt này. “Số lượng hộ khó khăn tùy thời điểm”, bà Thủy cho hay. Đợt này có nhiều hộ khó khăn hơn vì không được kinh doanh, lao động tự do thì không có việc làm.

TẤM LÒNG NGHỆ SĨ THỦ ÐÔ

Trọng Tấn đăng lời kêu gọi góp tiền đong gạo cho người nghèo trên Facebook tối 14/4. Chỉ sau một ngày đã quyên được 213 triệu từ các ca sĩ chủ yếu trong dòng nhạc đỏ ở Hà Nội và một số doanh nghiệp. Ca sĩ Lương Nguyệt Anh bày tỏ: “Anh Trọng Tấn là đàn anh, người đi trước có lời kêu gọi thì các nghệ sĩ nhất là trong dòng nhạc chính thống như chúng tôi đều đồng lòng hưởng ứng ngay. Tôi muốn làm việc này từ rất lâu rồi”. Cô cũng rất xúc động trước sự đón tiếp nhiệt tình của phường.

Theo Trọng Tấn sau một thời gian giãn cách xã hội tương đối dài, lúc này chính là thời điểm khó khăn của các hộ nghèo. Chính vì thế anh chọn hình thức hỗ trợ bằng gạo. Số tiền ban đầu quy ra hơn 16 tấn gạo. Tặng phường Thanh Xuân Bắc hết 7 tấn. Tới đây Tấn và các bạn sẽ tới xã Minh Quang ở Ba Vì, Hà Nội thăm hỏi khoảng 50 hộ nghèo chủ yếu là người Dao.

Tuy nhiên, khi COVID-19 kết thúc, hoạt động từ thiện của Tấn và anh em nghệ sĩ vẫn tiếp diễn. Họ bắt đầu nghĩ tới những đêm nhạc gây quỹ. “Sức mạnh tập thể mới là cái tôi mong muốn. Với tinh thần này tin chắc năm nay sẽ có quỹ để kịp thời giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bất cứ lúc nào. Đây cũng là sứ mệnh của nghệ sĩ. Nghệ thuật là tiếng lòng của chúng tôi, còn công việc thiện nguyện là tấm lòng. Tất cả đều là những bông hoa đẹp dâng cho đời”, Trọng Tấn nói.

Ca sĩ Trọng Tấn và đại diện một hộ cận nghèo của phường Thanh Xuân Bắc, Hà Nội

NGUYỄN MẠNH HÀ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/cung-nghe-si-phat-gao-thoi-dich-covid19-1646073.tpo