Cùng một bệnh viện, 3 sản phụ gặp tai biến nghi do vì thuốc tê

Ba ca tai biến trong đó hai sản phụ tử vong, một sản phụ nguy kịch khi sinh mổ với những biểu hiện giống nhau. Sở Y tế Đà Nẵng nghi ngờ do thuốc tê.

Liên tiếp các ca tai biến sản khoa tại cùng một bệnh viện

Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng - nơi xảy ra vụ việc.

Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng - nơi xảy ra vụ việc.

Thông tin từ Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, vừa xảy ra hai vụ tai biến sản khoa liên tiếp tại Bệnh viện Phụ nữ (quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Theo báo cáo ban đầu của Bệnh viện này, khoảng 8h ngày 17/11, chị V.T.N.S. (32 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhập Bệnh viện Phụ nữ để chờ sinh. Sản phụ S. lúc này đang mang thai 38 tuần 3 ngày. Các bác sĩ chỉ định sinh mổ bắt thai trong trạng thái chuyển dạ, thai to, đa ối.

Đến khoảng 11h20 cùng ngày, các bác sĩ tiến hành gây tê tủy sống, mổ lấy thai nhi. Tuy nhiên, tới cuối ca mổ, bệnh nhân có biểu hiện duỗi thẳng hai chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh. Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và tử vong vào lúc 20h cùng ngày.

Trường hợp khác là sản phụ N.T.H. (32 tuổi, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), nhập viện lúc 10h50 ngày 17/1. Người phụ nữ này đang mang thai 37 tuần 1 ngày, trong tình trạng chuyển dạ vết mổ cũ. Đến 15h5 phút cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng mổ.

Các bác sĩ gây tê tủy sống cho sản phụ nhưng sau đó bệnh nhân có các biểu hiện tương tự sản phụ S. như đau vùng mông, khó chịu, bứt rứt nên các bác sĩ đã chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng. Tại đây, bệnh viện tiến hành mổ lấy thai nhi rồi chuyển sản phụ H. vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng nguy kịch.

Trao đổi với Tri thức trực tuyến, bác sĩ Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết hiện hai trẻ sơ sinh hoàn toàn khỏe mạnh và đang huy động mọi nguồn lực để cứu chữa bệnh nhân H. Tuy vậy, bác sĩ Nhân thừa nhận nguy cơ tử vong đang ở mức rất cao.

Trước đó, ngày 22/10, sản phụ L.H.P.T. (trú quận Hải Châu) cũng đến Bệnh viện Phụ nữ và tiến hành mổ bắt con. Chị T. cũng tử vong do sốc phản vệ nghi do thuốc với các triệu chứng như hai bệnh nhân trên,.

Nghi ngờ nguyên nhân do thuốc tê

Ông Nguyễn Út, Phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng (áo đen) thông tin với báo chí. Ảnh: PLO.

Trao đổi với báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Út, Phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết Sở đã yêu cầu bệnh viện BV Phụ nữ TP Đà Nẵng niêm phong phòng mổ, niêm phong các lô thuốc gây tê và lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương.

"Ngay đêm xảy ra vụ việc, Sở đã tiến hành niêm phong tất cả thuốc tại BV. Chúng tôi cũng đã đề nghị các cơ sở y tế có sử dụng thuốc này tạm ngưng sử dụng, chờ kết quả cuối cùng để tránh trường hợp tương tự", ông Út nói.

Cũng theo ông Út, ngoài BV Phụ nữ TP Đà Nẵng thì BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và Trung tâm y tế quận Liên Chiểu cũng sử dụng loại thuốc này. Không chỉ tại Đà Nẵng, một số BV ở Cần Thơ, Bến Tre cùng từng xảy ra các trường hợp tương tự khi sử dụng cùng loại thuốc gây tê trên.

Được biết, loại thuốc gây tê tủy sống mà BV Phụ nữ TP Đà Nẵng sử dụng có tên Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (viết tắt là Bupivaicane), số lô 01DB0619, tổng cộng 250 ống, đã dùng hết 130 ống. Theo đại diện BV này, từ tháng 1 đến tháng 7-2019, BV nhập loại thuốc Marcain spinal Heavy 0,5% 4ml, sản xuất Cenexi (Pháp) với số lượng 575 ống (kế hoạch được phân bổ 850 ống).

Tuy nhiên, đến tháng 5/2019, nhà cung cấp thông báo hết hàng cung ứng. BV đã tìm nguồn thuốc thay thế nhưng chỉ có Bupivacaine của Ba Lan. Từ tháng tháng 5 đến tháng 10, BV đã nhập tổng số 380 ống, đã sử dụng hết 260 ống. Đơn vị cung cấp thuốc là Công ty CP Dược phẩm trung ương CPC I, chi nhánh Đà Nẵng.

Minh Trang (T/H) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/cung-mot-benh-vien-3-san-phu-gap-tai-bien-nghi-do-vi-thuoc-te-79055-9.html