Cùng một bệnh đi khám hai lần, bệnh nhân nhận hai toa thuốc chênh lệch tiền hơn 100 lần vẫn đúng?

Một bệnh nhân bị Herpes tái phát, đến khám và điều trị tại bệnh viện Quân y 175 thì được bác sĩ kê toa thuốc điều trị là tuýp kem bôi. Do lo lắng nên người này yêu cầu khám lại lần 2 và được bác sĩ khác kê toa thuốc chênh lệch giá tiền với toa ban đầu hơn 100 lần.

Hai toa thuốc khác nhau, chênh lệch trị giá hơn 100 lần

Ngày 14/10, sau khi ngủ dây, thấy đau rát vùng miệng, anh N.D.H (40 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhận thấy một số bọng nước nổi lên ở vùng môi trên, nghi bị Hepex tái phát nên mua thuốc uống tạm. Đến ngày 15/10, thấy các bọng nước vỡ ra, viêm loétvà có dấu hiệu bị viêm họng nên anh H. đến bệnh viện Quân y 175 khám và điều trị.

“Không hiểu sao khi đăng ký khám, bệnh viện chỉ cấp phiếu cho đi khám viêm họng tại khoa Tai – Mũi - Họng mà không thấy chỉ định cho tôi đi khám Hepex ở khoa Da liễu. Khám xong, tôi yêu cầu khám Hepex nhưng nhân viên của bệnh viện lại không đồng ý, tôi phải nhận thuốc viêm họng ra về và chờ đến sáng hôm sau trở lại bệnh viện Quân y 175 để khám điều trị Herper”. anh N.D.H kể lại.

Hai toa thuốc của bệnh nhân H. nhận được chênh lệch tổng trị giá tới hơn 100 lần

Sáng 16/10, anh H. trở lại bệnh viện Quân y 175 khám bệnh Hepex. Tại đây, sau khi khám và kiểm tra tình trạng bệnh lý, bác sĩ nhanh chóng kê toa cho anh H. Khi mua thuốc, anh này mới ngớ người vì trong toa thuốc chỉ ghi ngoài công khám 33.100 đồng trong khi đơn thuốc chỉ có 1 tuýp kem bôi giá 4.900 đồng.

Mất hai buổi đi khám, nhận 1 tuýp kem bội ngoài da trong khi miệng đang có dấu hiệu viêm nhiễm, lở loét, chảy nước… nên anh H. trở lại bệnh viện yêu cầu khám lại. Thấy anh H. bức xúc, một bác sĩ bệnh viện Quân y 175 đứng cạnh quầy tiếp nhận bệnh nhân của bệnh viện Quân Y 175 đến tìm hiểu và đề nghị khám lại cho bệnh nhân.

Kết quả, bác sĩ này đã “điều chỉnh” lại toa thuốc cho anh H. với thêm 4 loại thuốc khác gồm có kháng viêm, kháng sinh và thuốc bổ trợ. Tổng giá trị toa thuốc này có giá 550.000 đồng.

“Cùng một bệnh lý, cùng một bệnh nhân, khám tại cùng một bệnh viện… nhưng bác sĩ lại có hai toa thuốc khác nhau là thế nào?. Vì sao 2 toa thuốc trên lại có giá trị chênh lệch nhau đến hơn 100 lần?. Chưa kể, trong toa thuốc thứ 2 của ngày 16/10 lại có thuốc trùng với thuốc viêm họng mà chiều 15/10 tôi đã mua.

Tiếp đó, khi tôi cầm thử toa thuốc thứ 2 tới tiệm thuốc tây gần bệnh viện Quân y 175 để khảo sát giá thì nhân viên quầy thuốc này cho biết tổng số tiền thuốc nếu mua ở đây lại chưa tới 200.000 đồng”, anh H. thắc mắc.

Hai toa thuốc đều đúng?

Theo tìm hiểu, toa thuốc đầu tiên mà bác sĩ bệnh viện Quân y 175 chỉ định cho anh H. là loại thuốc bôi là Acyclovir 5%-5g có giá là 4900 đồng/tuýp. Toa thuốc thứ 2, ngoài tuýp kem bôi trên thì bao gồm thêm 4 loại thuốc: Kemivir 800mg uống (giá bệnh viện là 12.850 đồng/viên), Vitamin 3B (175+175+125mg, giá 1.197 đồng/viên). Clorpheniramin Maleat 4mg (giá 32 đồng/viên), Vigentin (giá 10.250 đồng/viên).

Tổng cộng chi phí khám và thuốc là 550.012 đồng. Trong đó, tiền thuốc vật tư y tế là hơn 506.000 đồng, tiền công khám là 43.030 đồng. BHYT chi trả 440.010 đồng. Bệnh nhân thanh toán là 110.002 đồng. Như vậy so sánh tổng chi phí giữa to thuốc thứ 1 và toa thuốc thứ 2 chênh lệch giá tới hơn 100 lần.

Anh H. ký nhận lãnh thuốc sau khi khám lần 2 tại quầy thuốc BV Quân y 175

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ Sức Khỏe, đại Tá Trần Văn Thành - Phó Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện Quân y 175 cho biết, bệnh nhân bị Hepex đến khám diện BHYT tại khoa Da liễu là đúng chỉ định. “Bác sĩ kê toa thuốc lần thứ nhất dù là tuýp kem bôi nhưng nó đúng về chuyên môn, đúng chỉ định. Bác sĩ kê toa thuốc lần 2, qua kiểm tra đối chiếu với phác đồ điều trị cũng đúng với chỉ định chuyên môn, dù khác nhau về số lượng loại thuốc, tổng lượng tiền”.

“Phía bệnh viện ghi nhận sự phản ánh, góp ý của người bệnh, trên cơ sở đó để rút kinh nghiệm trong quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân cần phải khám kỹ hơn, tư vấn và trao đổi thông tin với người bệnh đầy đủ hơn để người bệnh yên tâm hơn khi điều trị”, bác sĩ Thành nhìn nhận.

Bổ sung câu trả lời, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Huệ - Trưởng khoa Da Liễu bệnh viện 175 phân tích: “Toa thuốc lần 1 là dùng để bôi đối với bệnh nhân bị Hepex. Toa thứ 2 ngoài thuốc bôi thì có thêm kháng sinh, kháng viêm, chỉ định dùng cho bệnh nhân bị tái phát nhiều lần. Như vậy việc thay đổi toa thuốc là đúng theo nguyện vọng của người bệnh và đúng chỉ định chuyên môn”.

Lý giải việc bệnh nhân thắc mắc về giá thuốc lưu hành tại cửa hàng thuốc của bệnh viện khác giá thuốc ngoài quầy thuốc tư nhân, dược sĩ Nguyễn Ngọc Sơn - Quyền Trưởng khoa dược bệnh viện chia sẻ, tất cả các thuốc cung cấp cho bệnh nhân BHYT đều đã nằm trong mức giá kê khai của các đơn vị với Cục quản lý dược. Đặc biệt nó cũng thông qua quy trình đấu thầu chặt chẽ và đã được BHYT phê duyệt mức thanh toán và chi trả cho bệnh nhân. Bệnh viện chỉ đảm bảo chủng loại thuốc, chất lượng thuốc an toàn, hiệu quả cho người sử dụng. Còn thuốc bên ngoài bán thế nào, giá cả, chất lượng ra sao khi so sánh thì phải xem lại.

Kết thúc buổi làm việc, bác sĩ Thành bày tỏ: “Thay mặt bệnh viện, chúng tôi chân thành cầu thị, cảm ơn thông tin từ người bệnh, từ Báo Phụ Nữ Sức Khỏe đã thông tin kịp thời để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ trong việc chăm sóc sức khỏe cho mọi người”.

datnt

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/cung-mot-benh-di-kham-hai-lan-benh-nhan-nhan-hai-toa-thuoc-chenh-lech-tien-hon-100-lan-van-dung-c2a302380.html