'Cùng là chai nhựa tái chế nhưng Việt Nam ít người dám dùng còn châu Âu phải mua bằng giá đắt'

Cụm từ 'tái chế' làm người Việt ngần ngại sử dụng còn ở nước châu Âu họ gọi là sản phẩm sinh thái, hữu cơ...người dân sẽ bỏ tiền mua vì họ biết mua để ủng hộ môi trường.

Ảnh minh họa.

Chiều 7/10 đã diễn ra Chương trình gặp gỡ và đối thoại về kinh tế tuần hoàn: Từ góc nhìn quốc tế đến tiềm năng triển khai tại Việt Nam do VCCI phối hợp cùng Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, có hai rào cản khiến kinh tế tuần hoàn chưa thực sự phát triển ở Việt Nam. Đó là rào cản về chính sách và rào cản về nhận thức. Ở Việt Nam có sản phẩm của nền kinh tế tuần hoàn nhưng lại đóng khung cho nó là sản phẩm "tái chế".

Dẫn chứng về rào cản nhận thức, ông Huy nói: "Cùng là chai nhựa đựng nước nhưng nếu biết đó là sản phẩm từ nhựa tái chế thì ở Việt Nam chắc chỉ có ít người dám uống nhưng tại châu Âu người dân lại bỏ nhiều tiền ra mua".

Một ví dụ nữa là tại Đức có sản phẩm cốc uống cà phê được làm từ bã cà phê tái chế và bán với giá 20-30 Euro nhưng nếu ở Việt Nam sản phẩm này sẽ được gọi là "cốc tái chế từ bã cà phê" và chắc có đến hơn 90% không dám sử dụng.

"Có thể thấy, rào cản về nhận thức khi truyền thông khiến các sản phẩm này kém được ưu tiên. Chúng ta có luật về môi trường, trong đó sử dụng cụm từ "sản phẩm tái chế", điều này khiến tất cả các sản phẩm từ nguyên liệu tái chế đều sử dụng cách gọi này nhưng lại khiến các doanh nghiệp không dám ghi cụm từ đó lên", ông Huy cho hay.

Toàn cảnh chương trình gặp gỡ và đối thoại về kinh tế tuần hoàn: Từ góc nhìn quốc tế đến tiềm năng triển khai tại Việt Nam

Toàn cảnh chương trình gặp gỡ và đối thoại về kinh tế tuần hoàn: Từ góc nhìn quốc tế đến tiềm năng triển khai tại Việt Nam

Đại diện Quỹ đổi mới Phần Lan, ông Ernesto Hartikainen, chuyên gia cấp cao về kinh tế tuần hoàn cho biết, đúng là ở phương Tây cứ thấy có chữ "organics" thì người dân sẽ bỏ tiền mua rất nhiều, bởi họ rất coi trọng các sản phẩm hữu cơ."Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mô hình nền kinh tế tuần hoàn nên được áp dụng đối với các sản phẩm dành cho người tiêu dùng. Họ mua sản phẩm không chỉ vì nhu cầu với sản phẩm mà còn vì ủng hộ các giải pháp phát triển bền vững", ông Ernesto Hartikainen cho biết.

Còn đối với các doanh nghiệp, nguyên vật liệu tái chế khó mà cạnh tranh với nguyên vật liệu nguyên cấp ban đầu bởi mức độ tiện lợi hay chi phí. Đây là một lý do khiến nền kinh tế tuần hoàn chưa thực sự phát triển, Chuyên gia cấp cao về kinh tế tuần Phần Lan nhìn nhận.

Tập đoàn TH tiên phong ứng dụng các giải pháp nguyên liệu tiêu dùng thân thiện với môi trường

Vì sao tốn thời gian, chi phí nhưng Tiger vẫn gom từng nắp chai đã bị bỏ đi để tái chế?

Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững: Ngân hàng với mô hình “xanh”

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/cung-la-chai-nhua-tai-che-nhung-viet-nam-it-nguoi-dam-dung-con-chau-au-phai-mua-bang-gia-dat-3523153.html