Cung khó đáp ứng cầu vì thiếu cả chất lẫn lượng

Trong khi nhiều cử nhân vẫn phải loay hoay tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình, thì thị trường lao động phổ thông vẫn chưa bao giờ hết nóng. Thậm chí, để tuyển dụng một lao động phổ thông ưng ý, nhiều chủ doanh nghiệp sẵn sang chấp nhận đưa ra mức thu nhập cao hơn so với thị trường mà vẫn không tuyển dụng đủ với nhu cầu. Thực tế này cho thấy, nếu tiếp tục không có hướng đi chiến lược của các đơn vị quản lý và các nhà hoạch định chính sách thì sự mất cân đối về việc làm sẽ rất cao.

Lao động thủ công lên giá

Ráo riết chạy đôn, chạy đáo để cửa hàng của mình kịp ngày khai trương, thế nhưng điều anh Nguyễn Quý Đức (Tây Hồ, Hà Nội) quan tâm là tuyển dụng các nhân viên phổ thông bình thường là phục vụ bàn và rửa chén bát. Vận dụng hết mối quan hệ của mình, từ tìm kiếm trên mạng đến người quen giới thiệu, đến ngày khai trương cửa hàng rộng hơn 300m2 trên phố Võng Thị của anh cũng chỉ “kịp” tuyển dụng vài lao động, không đủ 50% so với nhu cầu.

Với cuộc cách mạng 4.0 điều quan trọng lao động cần có kỹ năng nghề (ảnh mang tính minh họa)

Với cuộc cách mạng 4.0 điều quan trọng lao động cần có kỹ năng nghề (ảnh mang tính minh họa)

"Thực tế hiện nay tuyển dụng lao động có chất lượng không phải là vấn đề lớn vì đã có từng mức lương cụ thể, ví dụ đầu bếp chính lương vào khoảng 15 -20 triệu đồng, các phụ bếp sẽ có dao động từ 5 -10 triệu đồng tùy theo thâm niên, lương quản lý cũng như vậy. Nếu muốn tuyển dụng thì cứ chiểu theo mức đó là có thể dễ dàng tìm được ứng viên.

Tuy nhiên, đối với những lao động phổ thông còn lại như dọn dẹp, rửa bát, bảo vệ… thì lại không có một mức độ nào cả. Tôi đã gửi thông tin tới các nơi đăng tuyển lao động phổ thông nhưng chưa có phản hồi, thậm chí dán tờ rơi treo biển tuyển dụng trước cửa nhà hàng để cầu may nhưng vẫn không hiệu quả” - anh Đức cho biết.

Nhóm người lao động phổ thông hiện nay đang chiếm số lượng lớn trong tổng số lao động trên thị trường.

Tỷ lệ người lao động thất nghiệp là lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn) chiếm 63,7% số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Còn anh Vũ Thanh Tùng, quản lý một xưởng sản xuất ghế nhựa tại huyện Hoài Đức đang cần 10 lao động khuân vác, phụ lắp ráp nhưng mới có 3 hồ sơ gửi tới. Cung ít cầu nhiều nên những lao động này được nhận ngay. Tuy nhiên, chỉ được vài tháng, đã có hai lao động xin nghỉ, người còn lại thì cũng rục rịch chuẩn bị chuyển việc vì họ thấy mức lương 4 - 5 triệu đồng một tháng là không thỏa mãn đủ nhu cầu.

“Vẫn biết việc nhân sự biến động liên tục sẽ dẫn đến hoạt động kinh doanh không hiệu quả nhưng rất khó để công ty có thể đáp ứng mức lương cao hơn nữa cho các lao động phổ thông” - anh Tùng nói.

Kết quả khảo sát thuộc dự án “Phát triển thị trường lao động và việc làm” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiến hành cho thấy, nhóm lao động phổ thông chiếm số lượng tương đối cao trong tổng số các nhóm lao động trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, lao động phổ thông từ nông thôn và từ ngoại thành di cư ra thành thị thường khó tiếp cận với các chính sách về an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách việc làm.

Độ tuổi của nhóm lao động này giao động từ 18 – 35 với tỷ lệ nữ giới là 60%, nam giới là 40%. Khi di cư ra các thành phố lớn, nhóm lao động phổ thông có mong muốn tìm được công việc có thu nhập cao hơn. Nhưng do chưa qua đào tạo, không có chuyên môn kỹ thuật, công việc của lao động di cư chủ yếu là những công việc chân tay, không ổn định, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm...

Mặt khác, những lao động đã qua đào tạo thường tìm được công việc ngay tại chỗ nên các doanh nghiệp từ xa về khó tuyển dụng được lao động như mong muốn, trong khi lao động phổ thông thì không đáp ứng được yêu cầu. Điều này tạo nên một nghịch lý rằng dù doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm người thì nhiều lao động phổ thông vẫn cứ tiếp tục thất nghiệp.

Xu hướng thay đổi

Từ Tuyên Quang về Hà Nội tìm việc, anh Nguyễn Thành Quân không đến các khu công nghiệp hay xí nghiệp để tìm cơ hội việc làm. Qua một số thông tin từ trước đó, Quân đến thẳng một trung tâm tuyển dụng tài xế của một công ty cung cấp ứng dụng đặt xe. Tại đây, Quân được cấp tài khoản và chạy xe ngay sau đó. Quân chia sẻ: “Công việc này giúp mình linh động về mặt thời gian, như vậy mình có thể kiếm thêm nhiều cơ hội khác trong tương lai”.

Thực tế hiện nay cho thấy, nếu vài năm trước, một lao động phổ thông từ các tỉnh lên Hà Nội hay các thành phố lớn tìm việc thì đích đến của họ sẽ là các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc các doanh nghiệp sản xuất. Thì hiện nay, họ có thêm rất nhiều lựa chọn, con số 175.000 lao động phổ thông tham gia vào một ứng dụng công nghệ không khiến nhiều người phải giật mình, con số này thậm chí lớn hơn rất nhiều số công nhân chính thức tại hiện đang làm việc tại nhiều khu công nghiệp lớn của Hà Nội.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động. Dự báo những ngành, nghề đang sử dụng quá nhiều lao động phổ thông, số lượng lớn người lao động sẽ có nguy cơ bị cắt giảm để thay thế bởi máy móc. Nếu không có hướng đi chiến lược thì sự mất cân đối về việc làm sẽ rất cao. Việc đi trước đón đầu, thiết lập nền tảng thông tin cho nhóm lao động phổ thông và các doanh nghiệp của các trung tâm tư vấn hướng nghiệp việc làm là cần thiết giúp “cung” và “cầu” được gắn kết lại với nhau.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, đa phần người lao động phổ thông không đặt nặng vấn đề công việc ổn định. Tâm lý ràng buộc lâu dài, bị bó hẹp trong một khoảng không gian hay thời gian nhất định khiến nhiều người lựa chọn những công việc có tính linh hoạt, chủ động cao.

Tuy nhiên, ông Thành cũng khẳng định bên cạnh những đơn vị khó tuyển lao động thì cũng có những đơn vị không bao giờ lo thiếu. Như vậy, để thu hút người lao động, doanh nghiệp phải cần có chế độ lương, thưởng phúc lợi tốt và chủ động hơn nữa trong việc kết nối với các nguồn cung cấp lao động để có được nguồn lao động dồi dào.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cung-kho-dap-ung-cau-vi-thieu-ca-chat-lan-luong-93256.html