Cùng khám phá đồ chơi trung thu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Vào hồi 9 giờ, thứ bảy, ngày 15-9, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN, đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức hoạt động 'Cùng khám phá đồ chơi trung thu'. Đây là cơ hội để công chúng, nhất là các em nhỏ tìm hiểu về đồ chơi trung thu truyền thống của người Việt trong dịp Tết trông trăng.

Trải nghiệm làm đồ chơi trung thu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: BTDTHVN

Tham gia chương trình, các em nhỏ sẽ được hướng dẫn làm đồ chơi trung thu: ông Tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn con thỏ, tò he, hoa quả bằng bột, đầu lân, mặt nạ, diều, đèn kéo quân, tàu thủy sắt tây…

Tại bãi cỏ trước tòa Cánh diều sẽ có các trò chơi dân gian gồm: thi đội nước (Chăm), kéo co, kéo co ếch, thi đội nước; Đuổi quạ (Raglai), Bịt mắt đập niêu (Chăm); Diều hâu bắt gà con (Chăm, Raglai); Kaiw (Chăm), đi cà kheo…

Cạnh nhà Chăm có hoạt động làm bánh dẻo, cắt tỉa hoa quả, làm cốm Vòng. Tại vườn Kiến trúc dân gian có các hoạt động: Chơi và thi trò chơi: nhảy ra nhảy vào, chơi đồ, chơi chuyền, ô ăn quan…

Các hoạt động hướng dẫn đồ chơi dân gian, làm bánh dẻo, cắt tỉa hoa quả, làm cốm Vòng có nghệ nhân trình diễn và hướng dẫn cách làm.

Bên cạnh các hoạt động gắn với Tết Trung thu truyền thống của người Việt, trung thu năm nay, Bảo tàng DTHVN phối hợp Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận giới thiệu, quảng bá văn hóa vùng đất Ninh Thuận qua Chương trình "Trung thu 2018: Sắc màu văn hóa Ninh Thuận". Chương trình sẽ đến với công chúng thủ đô thông qua các hoạt động trình diễn văn nghệ dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống, ẩm thực Ninh Thuận và các trò chơi dân gian của người Chăm và người Raglai.

Trình diễn nghề thủ công dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp - Tinh hoa văn hóa Chăm.

Các nghệ nhân dân gian ở vùng đất phương nam sẽ trình diễn các tiết mục múa hát dân gian, Trống ginăng, Paranưng, kèn Saranai, đàn Kanhi (Chăm); Mã la, khèn bầu, đàn Chapi (Raglai).

Chương trình "Trung thu 2018: Sắc màu văn hóa Ninh Thuận" tại Bảo tàng DTHVN sẽ diễn ra trong hai ngày 22 và 23-9 (tức thứ bảy và chủ nhật, ngày 13 và 14-8 âm lịch, từ 8 giờ 30 phút đến 12 giờ và 14 giờ đến 17 giờ 30 phút).

Thi đội nước là trò chơi dân gian không thể thiếu trong các dịp lễ hội lớn của người Chăm.

Đ.N. Ảnh: BTDTHVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/37576902-cung-kham-pha-do-choi-trung-thu-tai-bao-tang-dan-toc-hoc-viet-nam.html