Cúng họ rằm tháng Giêng - Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt

Cúng họ ngày rằm tháng Giêng đã trở thành nghi thức mang nét văn hóa truyền thống đối với nhiều dòng họ ở nước ta. Chính vì thế mà nhiều dòng họ, chi tộc đã xây dựng nhà thờ làm nơi để cho con cháu tưởng nhớ, tri ân tổ tiên.

Là một trong những dòng họ có truyền thống văn hóa, dòng họ Đoàn tộc Đại tôn (xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cũng tổ chức cúng họ hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng. Đây được xem là ngày lễ trọng đại để cháu con tụ hội, tìm về để cùng dự lễ tế tổ đầu năm.

Sau Tết Nguyên Đán, rằm tháng Giêng được xem là ngày lễ trọng để cháu con tụ hội, tìm về để cùng dự lễ tế tổ đầu năm.

Ông Đoàn Duệ, thành viên ban trợ sự dòng họ Đoàn tộc Đại tôn cho biết: “Xét theo gia phả, dựa vào số hộ trong một chi mà phân chia đều thành từng nhóm. Mỗi nhóm khoảng 10 - 12 hộ. Theo tuần tự vào dịp rằm, các gia đình trong nhóm hộ được phân công chuẩn bị mâm cỗ, lễ vật để phục vụ ngày rằm tháng Giêng. Đến rằm tháng Giêng năm sau, lại đến nhóm tiếp theo”.

Cúng họ ngày rằm đã trở thành nghi thức tâm linh quen thuộc để thế hệ con cháu thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, gắn kết dòng tộc và gìn giữ gia phong.

Khi công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất, ngày 14/1, con cháu họ Đoàn tộc Đại tôn thực hiện lễ cáo giỗ, thắp hương tại nghĩa trang, mời tổ tiên và các bậc tiền nhân về từ đường. Đến trưa ngày 15/1, khi con cháu đã tập trung đầy đủ tại nhà thờ đại tôn, trưởng tộc sẽ thực hiện lễ tiến cỗ tế xuân. Mâm cỗ chính tế gồm có xôi, gà, rượu và trầu cau. Ngoài ra, các vật phẩm khác như bánh kẹo, hoa quả... cũng được con cháu chuẩn bị dâng cúng lên ông bà tổ tiên. Sau khi cúng xong, mọi người cùng sum họp, thụ lộc ngay tại khuôn viên của nhà thờ.

Đông đảo con cháu quy tụ tại nhà thờ họ vào ngày rằm tháng Giêng để tri ân tổ tiên, cội nguồn

Tùy theo đặc trưng của từng vùng miền, cách thức tổ chức cúng tế ngày rằm tháng Giêng lại có những nét khác biệt. Mỗi nét riêng biệt, quy tụ lại tạo nên lớp lang văn hóa đa dạng của từng địa phương. Tuy cách cúng mỗi nơi một khác, nhưng đó là cách để con cháu bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên, nguồn cội của mình. Đây là nét văn hóa truyền thống của người Việt cần được lưu giữ và trân trọng.

Sao Mai

Nguồn Khỏe 365: https://khoe365.nguoiduatin.vn/cung-ho-ram-thang-gieng-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-viet-74711.html