Cùng hành động để chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên

Ở độ tuổi từ 10-24, trẻ vị thành niên, thanh niên có nhiều biến đổi phức tạp về tâm sinh lý. Do vậy, nếu không được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, quan hệ tình dục an toàn, các em rất dễ bị ảnh hưởng xấu.

TS.Đoàn Văn Báu, giảng viên Trường đại học An ninh nhân dân TP.Hồ Chí Minh tư vấn kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho học sinh cấp THCS trên địa bàn tỉnh.

Trên thực tế đã có không ít trường hợp trẻ vị thành niên, thanh niên bị xâm hại tình dục hay sống thử dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Và xử lý điều này không đơn giản chỉ là phá thai.

* Nhiều hệ lụy

Y sĩ Nguyễn Võ Thanh Thủy làm việc tại Phòng Hồi phục thuộc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh chia sẻ, trong hơn 30 năm làm nghề, bà đã chứng kiến rất nhiều trường hợp đau lòng khi cha mẹ, người thân hay người yêu của nữ vị thành niên, thanh niên đưa các em đến đây xin phá thai.

Tháng Hành động quốc gia về dân số năm 2018 có chủ đề Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì giống nòi.

Do thiếu kiến thức, kỹ năng về sức khỏe sinh sản, có không ít học sinh, sinh viên nữ đã mang thai khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều người trong số đó đã lựa chọn giải pháp là phá thai. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á và là một trong 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới với 250-300 ngàn ca phá thai mỗi năm. Điểm đáng chú ý là tỷ lệ phá thai ở nhóm tuổi từ 15-24 tuổi khá cao (chiếm 36,8%), cao hơn hẳn so với 2 nhóm tuổi còn lại là từ 25-34 tuổi và 35-49 tuổi.

Việc phá thai không an toàn và khi tuổi đời còn quá trẻ sẽ mang lại nhiều hệ lụy đối với sức khỏe của thanh, thiếu niên, ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân và khả năng sinh nở của thanh, thiếu niên sau khi lập gia đình.

Mới đây, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận và điều trị cho một trẻ sơ sinh bị nhiều bệnh nặng. Đặc biệt, mẹ trẻ sơ sinh này mới chỉ 15 tuổi - đang còn là trẻ vị thành niên. Khi biết mình có thai, sợ bị hắt hủi, cô bé đã bỏ nhà đi, đến xin ở tại nhà tạm lánh Mai Tiến (KP.4, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa - ngôi nhà dành cho những cô gái trót lầm lỡ có thai) của linh mục Nguyễn Văn Tịch để xin ở nhờ, chờ đến ngày sinh nở.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, một trong những nguyên nhân khiến bé sinh thiếu tháng và bị nhiều bệnh nặng là do bản thân người mẹ tuổi đời còn quá trẻ, không có kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình mang thai, dưỡng thai, không có sự chăm sóc của gia đình, người thân nên dễ khiến thai nhi không phát triển bình thường. Điều này gây nên nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé.

* Cùng hành động

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết, nhóm dân số từ 10-24 tuổi hiện chiếm 22% dân số cả nước. Trên thực tế, dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục song việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đối tượng vị thành niên, thanh niên còn gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu từ Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, tính đến hết tháng 11-2018, trung tâm đã xử lý 115 trường hợp phá thai cho trẻ vị thành niên, thanh niên. Trong đó, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 15 tuổi.

Thông tin của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, qua điều tra trên 9,7 ngàn thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10-24 ở 8 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy thanh thiếu niên vẫn thiếu kiến thức và thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Có 7,8% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 đã quan hệ tình dục trước 15 tuổi và chỉ có 54% thanh thiếu niên có sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. Có đến gần 30% thanh thiếu niên nữ từ 15-24 tuổi chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại. Rất ít trẻ vị thành niên tham vấn với cha mẹ hay thầy cô trong việc tìm hiểu thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản.

“Chăm sóc sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên không chỉ là việc hướng dẫn các biện pháp tránh thai hay sinh hoạt tình dục an toàn mà cần phải tuyên truyền, chăm sóc trước khi các em kết hôn, giúp các em chuẩn bị tâm, sinh lý để xây dựng một gia đình hạnh phúc, góp phần phát triển giống nòi” - bác sĩ Huỳnh Cao Hải lưu ý.

Ý thức được tầm quan trọng của việc này, thời gian qua nhiều đơn vị trong tỉnh, trong đó có Liên hiệp các hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh đã phối hợp tư vấn phòng chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục cho gần 6 ngàn học sinh của 10 trường THCS trên địa bàn 2 huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và TP.Biên Hòa.

Tại các buổi tư vấn, ThS.Trần Quang Toại, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh và TS.Đoàn Văn Báu, giảng viên Trường đại học An ninh nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã đưa ra các tình huống giả định để giúp học sinh xử trí, bảo vệ mình nếu bị tấn công tình dục. Đây là những sinh hoạt cần thiết và bổ ích đối với học sinh khi chương trình giáo dục giới tính và kỹ năng trong các nhà trường còn hạn chế.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201812/ky-niem-ngay-dan-so-viet-nam-26-12-cung-hanh-dong-de-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-vi-thanh-nien-2926049/