Cùng gỡ 'điểm nghẽn', khắc phục khiếm khuyết

Trong năm qua, điểm lại có rất nhiều việc từ lớn đến nhỏ ở TP.HCM sau khi có phản ánh từ báo chí nói chung và Pháp Luật TP.HCM nói riêng, các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc.

Khi nhận thấy hợp lý từ phản ánh đó, các cơ quan đã có những quyết định điều chỉnh phù hợp hơn, được người dân, doanh nghiệp đồng lòng ủng hộ.

Cùng chống ngập với TP

Tháng 5-2018, một trong những dự án lớn nhất TP.HCM lúc này là dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu trị giá 10.000 tỉ đồng đang tạm ngừng vì những lý do liên quan đến vấn đề giải ngân, khi tư vấn giám sát hợp đồng dự án nêu quan điểm chủ đầu tư dùng thép Trung Quốc thay vì thép từ các nước G7, điều này có khả năng làm tăng chi phí duy tu, bảo dưỡng.

Đến tháng 9-2018, dự án vẫn tạm ngừng vì những lo ngại trên, cơ quan chức năng sau nhiều cuộc họp vẫn chưa thể khiến dự án tái khởi động, trong khi đó người dân vẫn sống chung với cảnh bì bõm nước mỗi khi triều lên. Trước tình cảnh đó, báo chí đã cùng TP vào cuộc, từng bước tháo gỡ khúc mắc của dự án.

Hàng loạt bài viết khai thác các khía cạnh của vấn đề như phỏng vấn trực tiếp chủ đầu tư dự án, phân tích của các chuyên gia, ghi nhận thực tế dự án, quan điểm của cơ quan chức năng được báo Pháp Luật TP.HCM đăng nhiều kỳ nhằm tìm kiếm các giải pháp giải quyết vấn đề dự án. Đến tháng 2-2019, sau các nỗ lực của báo chí và cơ quan chức năng, dự án chính thức được tái khởi động.

Công nhân đang thi công trên công trình cống ngăn triều Tân Thuận, quận 7, TP.HCM. Ảnh nhỏ: Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Công nhân đang thi công trên công trình cống ngăn triều Tân Thuận, quận 7, TP.HCM. Ảnh nhỏ: Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Cùng sửa những “khiếm khuyết” về giao thông, môi trường

Tháng 3-2019, sự kiện được quan tâm nhiều nhất về giao thông là dải phân cách bằng bê tông ở cao tốc Long Thành - Dầu Giây gây tai nạn làm chết người. Sau đó, với các bài viết phản ánh, phân tích sự đúng sai về mặt pháp luật và sự cầu thị của Sở GTVT TP.HCM, dải phân cách nguy hiểm bằng bê tông đã được dỡ bỏ.

Chưa dừng lại ở đó, Sở cũng cho rà soát việc lắp đặt dải phân cách trên toàn TP để tránh các trường hợp tương tự xảy ra, báo chí cùng vào cuộc tuyên truyền cho người dân nhiều hơn về việc đảm bảo an toàn cho mình khi điều khiển phương tiện.

Không chỉ giao thông, vấn đề nhức nhối về môi trường cũng được báo chí phối hợp cùng TP nhanh chóng xử lý những điểm nóng, tuyên truyền các chính sách để người dân đồng hành cùng bảo vệ môi trường sống của mình.

Đơn cử như bài viết “Dân Hiệp Thành vừa bịt mũi vừa ăn cơm” phản ánh tình trạng hàng trăm hộ dân sống gần bãi rác Hiệp Thành, quận 12 phải sống chung với mùi hôi thối gần 20 năm nay. Ngay sau thông tin được đăng tải trên báo Pháp Luật TP.HCM, cả chính quyền quận 12 cũng như UBND TP.HCM “giật mình” với những tồn tại của bãi rác này và nhanh chóng vào cuộc cùng giải quyết nỗi khổ của dân.

Lập tức, UBND quận 12 cùng phối hợp với Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 12 cải tạo mặt bằng của bãi rác TTC Hiệp Thành bằng các biện pháp như nâng nền, rải đá, lu chèn. UBND quận cũng đã tổ chức chốt chặn nhằm xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường cũng như đảm bảo an ninh, trật tự khu vực. Đồng thời, đích thân Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo khắc phục vụ việc ảnh hưởng môi trường này.

Cũng liên quan đến môi trường, công tác tuyên truyền luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hướng người dân đến các hành vi ngăn ngừa tác hại và bảo vệ môi trường chung. Năm qua, việc tuyên truyền quan trọng được nhắm đến là việc phân loại rác thải rắn tại nguồn và không sử dụng túi nylon.

Trong cả hai chiến dịch, báo Pháp Luật TP.HCM đều có những tuyến bài bám sát động thái tuyên truyền của cơ quan chức năng, phân tích nhiều lý do tác hại và hiệu quả khi thực hiện việc phân loại rác cũng như không sử dụng túi nylon trong tương lai.

KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/cung-go-diem-nghen-khac-phuc-khiem-khuyet-841266.html