Cúng giao thừa và những việc nhất định phải làm vào ngày 30 Tết

Theo phong tục truyền thống, vào ngày 30 Tết, các gia đình chuẩn bị mâm cúng giao thừa. Đây là ngày cuối năm nhưng quan trọng không kém ngày mùng 1 Tết.

Ngày 30 tháng Chạp là ngày cuối cùng của năm cũ và được người Việt rất coi trọng. Vào ngày này, các gia đình thường rất bận rộn vì có nhiều việc và nghi lễ cần thực hiện. Bên cạnh việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa sạch đẹp đón năm mới, còn cần chuẩn bị mâm cỗ tất niên và cúng giao thừa. Mọi việc cần phải hoàn thành trước khi sang năm mới. Dưới đây là những việc cần làm vào ngày 30 Tết, theo phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt.

Bày mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên vào ngày Tết Nguyên đán. (Ảnh: Lê Vân Anh)

Mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên vào ngày Tết Nguyên đán. (Ảnh: Lê Vân Anh)

Mâm ngũ quả cần được bày trên bàn thờ gia tiên, nên hoàn thành trước buổi trưa ngày 30 Tết là tốt nhất. Vì ngày 30 Tết là ngày rất bận rộn với nhiều việc phải làm. Hơn nữa, sẽ tốt hơn nếu bạn bày mâm ngũ quả trong trạng thái thong thả, không vội vã để thể hiện thành ý và sự kính cẩn với tổ tiên.

Nguyên tắc bày mâm ngũ quả là phải có 5 loại trái cây với 5 màu sắc khác nhau, tương ứng với 5 màu sắc của các hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.

Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường gồm các loại trái cây như: chuối, dưa hấu (màu xanh); bưởi, phật thủ, cam, quýt hoặc quất (màu vàng); hồng, ớt hoặc táo tây (màu đỏ); đào hoặc lê (màu trắng); mận hoặc nho (màu đen).

Mâm ngũ quả của các gia đình miền Trung thường có dứa, thanh long, dưa hấu, xoài, bưởi, nho, táo, cam, lê, mãng cầu, chuối xanh.

Với người miền Nam, khi bày mâm ngũ quả, họ mang theo ước vọng "cầu sung vừa đủ xài", nghĩa là mong muốn một năm mới sung túc, đủ đầy. Tương ứng với đó, họ sẽ dùng các loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài, quả thơm (dứa).

Hoàn tất việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa

(Ảnh: Nhung Ngô)

Việc dọn dẹp nhà cửa cũng nên được hoàn tất sớm, để có nhiều thời gian trang trí nhà cửa và chuẩn bị cỗ cúng. Ngoài đào, quất, nhiều gia đình cũng mua thêm hoa tươi để cắm trong phòng khách. Các loại hoa ngày Tết được ưa chuộng thường là hoa thược dược, hoa thủy tiên, hoa lay ơn, hoa ly, hoa đồng tiền, hoa hải đường.

Chuẩn bị cỗ cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời

Lễ cúng giao thừa gồm hai lễ - lễ cúng giao thừa ngoài trời và cúng trong nhà. Theo phong tục truyền thống, lễ cúng giao thừa ngoài trời được tiến hành trước, sau đó mới đến lễ cúng giao thừa trong nhà.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn), lễ cúng giao thừa (lễ trừ tịch) có ý nghĩa rũ bỏ hết những điều xấu của năm cũ, đón những điều tốt đẹp của năm mới.

Lễ trừ tịch thường được tiến hành vào giờ chính Tý, tức đúng 12 giờ đêm hôm 30 tháng Chạp.

Người Việt tin rằng, mỗi năm có các vị thần Hành binh, Hành khiển, Phán quan cai quản hạ giới khác nhau. Cứ hết một năm, vị Hành khiển đã cai quản hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống cai quản hạ giới trong năm mới.

Lễ cúng giao thừa là một tập tục đẹp thể hiện sự tri ân báo đức cũng như bày tỏ lòng mong ước được gia hộ cho bình an, hạnh phúc và ấm no. Các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời như sau.

Mâm cúng ngoài trời gồm những lễ vật:

- Mâm ngũ quả

- Hương

- Hoa

- Đèn (nến)

- Trầu cau

- Trà rượu

- Muối gạo

- Quần áo mũ nón thần linh

- Thủ lợn luộc hoặc gà trống luộc

- Xôi, bánh chưng

Mâm cúng trong nhà gồm:

- Bánh chưng

- Giò, chả

- Xôi

- Thịt gà

Đồ cúng ngọt gồm có: Bánh kẹo, mứt tết, hương hoa, đèn (nến)

Trà Nguyễn

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/cung-giao-thua-va-nhung-viec-nhat-dinh-phai-lam-vao-ngay-30-tet-97782.html