Cung đường mùa xuân biên giới

Bình Liêu là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Những năm gần đây, huyện có những bước phát triển mạnh về du lịch, nhất là loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm và trải nghiệm, được nhiều du khách lựa chọn là điểm đến hấp dẫn.

KHỞI SẮC NGÀNH "CÔNG NGHIỆP KHÔNG KHÓI"

Du khách nước ngoài trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu.

Du khách nước ngoài trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu.

Dù đã tới Bình Liêu khá nhiều lần, được tham gia trải nghiệm một số lễ hội văn hóa, nét sinh hoạt của bà con dân tộc thiểu số nơi đây, song với tôi, Bình Liêu lúc nào cũng mới lạ, hấp dẫn. Tuyến đường tuần tra biên giới tựa như bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp; từng đám mây lảng bảng vờn trên đỉnh núi; những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau chạy tít tắp đến tận chân trời, thấp thoáng đây đó làn khói bếp bay lên từ những ngôi nhà vách đất truyền thống nép mình bên lưng đồi...

Trong 2-3 năm trở lại đây, những địa danh như Khe Vằn, Khe Tiền, Cao Ba Lanh, Cao Xiêm, Cao Ly, những cột mốc 1305, 1327... đã trở nên quen thuộc với du khách trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là những khách "phượt". Khi nhắc đến Bình Liêu, người ta không chỉ nghĩ về một vùng đất biên giới với trên 94% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gắn với đặc thù phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, cửa khẩu; mà còn biết đến là một địa điểm du lịch đặc sắc, ấn tượng. Thời gian qua, Bình Liêu đã tập trung khôi phục, duy trì, tạo dựng các lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số, như: Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày, hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chay, ngày lễ Kiêng gió của dân tộc Dao, các chợ phiên chủ nhật hằng tuần; Lễ hội hoa Sở… đã tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến với Bình Liêu.

Năm 2019, Bình Liêu ước đón trên 85.000 lượt du khách, tăng 18,05% so với năm 2018; trong đó khách lưu trú ước đạt 17.000 lượt. Doanh thu các hoạt động liên quan đến du lịch ước khoảng trên 26 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2018.

Một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Bình Liêu chính là việc tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển du lịch. Địa phương đã chú trọng đầu tư, hoàn thành các tuyến đường tuần tra biên giới, đường lên các cột mốc có cảnh quan đẹp, đường Đồng Văn - Khe Tiền, đường Khe Vằn - Húc Động... Hạ tầng viễn thông hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch; các biển chỉ dẫn được ngành Giao thông đầu tư chỉ đường đến các điểm du lịch thuận tiện, bài bản. Đến nay, trên địa bàn có 18 cơ sở lưu trú, với gần 200 phòng nghỉ; trong đó, 8 cơ sở với 58 phòng được Sở Du lịch thẩm định xếp hạng đủ tiêu chuẩn đón khách du lịch. Trên địa bàn cũng phát triển một số nhà ở cho khách du lịch thuê hoạt động khá hiệu quả như: Homestay A Dào (Phạt Chỉ - Đồng Văn), homestay Hoàng Sằn (Đồng Thanh - Hoành Mô)...

Để phát huy thế mạnh địa phương, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, Bình Liêu chú trọng công tác quảng bá, tuyên truyền điểm du lịch của huyện; tăng cường quản lý nhà nước và đào tạo nhân lực du lịch; mở rộng thị trường du lịch, kết nối với các thương hiệu Vietravel, Halotours, PYS Travel, Saigontourist... Huyện cũng xây dựng các sản phẩm du lịch quy hoạch 7 nhóm sản phẩm theo chuyên đề, nổi bật là: Du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa, trải nghiệm các lễ hội, ngày hội trên địa bàn...

Thương hiệu du lịch Bình Liêu được du khách biết tới ngày càng nhiều. Dịp thu, đông - mùa du lịch thấp điểm, Bình Liêu vẫn thu hút đông du khách tham quan, thưởng ngoạn. Du lịch Bình Liêu dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành "công nghiệp không khói" của địa phương.

Bình Liêu vào mùa nào cũng có một nét đẹp riêng. Mùa xuân này, nếu có cơ hội được đến Bình Liêu bạn đừng nên bỏ qua cung đường vành đai biên giới để được tận hưởng không khí trong lành, thả hồn mình giữa núi rừng bao la, trải nghiệm nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ mà không kém phần thơ mộng nơi biên giới.

Đến với Bình Liêu trong những ngày đầu năm mới, đi trên cung đường mùa xuân, ngoài sắc xanh của những chồi non mới mọc, du khách sẽ bị cuốn hút bởi sắc hồng của đào phai đang tô thắm cho mảnh đất vùng biên vốn hoang sơ.

Trên con đường khám phá cung đường biên giới, những con suối nhỏ cũng là điểm dừng chân hấp dẫn đối với các du khách.

Tuyến đường biên giới dài khoảng 43km, từ cột mốc 1300 đến cột mốc 1327, với những con đèo uốn lượn giữa những dãy núi cao ngút ngàn với một bên là vực thẳm dựng đứng.

Nếu di chuyển vào sáng sớm, bạn sẽ bắt gặp những rừng cây ẩn mình giữa những làn mây trắng xóa.

Xen giữa sắc xanh của cây rừng là những con đường tuần tra uốn lượn như những dải lụa bắc ngang qua núi.

Bình Liêu được ví như “thiên đường của những cột mốc”, một trong những cột mốc mà du khách không thể bỏ qua là mốc 1305, hay còn gọi là “Sống lưng khủng long”.

Núi rừng biên giới không khó để bắt gặp những cây phong thay lá, tạo nên một vẻ đẹp thơ mộng không kém cảnh sắc đất nước Hàn Quốc.

Giữa không gian bao la của mây trời biên cương, những cánh chim chao lượn bay về, tổ tạo nên hình ảnh đặc biệt, hấp dẫn bước chân người lữ hành.

Kết thúc hành trình, du khách có thể ngắm nhìn những cây cầu treo vắt qua dòng suối, tạo nên một bức tranh yên bình, khiến bao xô bồ của cuộc sống, bộn bề công việc tan biến.

Nguyễn Thanh - La Lành - Hoàng Gái (CTV)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202001/cung-duong-mua-xuan-bien-gioi-2468885/