Cung đường 'hạnh phúc'

Sau những chuyến đi thực tế, theo chân các anh Đội quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp của các đơn vị đến từng thôn bản xa xôi vào những ngày mùa mưa về, tôi mới thấu hiểu hết nỗi nhọc nhằn của anh em thợ điện, những câu chuyện vui buồn và cả những tình huống 'éo le' có một không hai. Trong đó, ấn tượng sâu sắc nhất với tôi có lẽ là câu chuyện về những con đường đến với các thôn buôn vùng sâu vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Đắk Nông, một tỉnh có địa hình hiểm trở nhất khu vực Tây Nguyên. Mảnh đất bốn bề là đồi núi, nương rẫy với những con đường đất nhỏ bé quanh co men theo sườn núi và những lối mòn băng qua các con suối mà các anh em đơn vị hằng ngày phải vượt qua để thực hiện nhiệm vụ được giao, những con đường quen thuộc mà các anh ưu ái đặt cho cái tên 'cung đường hạnh phúc'.

Anh em công nhân PC Đắk Nông vượt qua đường rừng

Anh em công nhân PC Đắk Nông vượt qua đường rừng

Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Nông cho biết:“Phụ trách khu vực phía Tây Nam của Tây Nguyên, Công ty Điện lực Đắk Nông có nhiệm vụ cung ứng điện trên địa bàn có diện tích hơn 6.516 km2, vùng đồi núi chiếm trên 80%, phía Tây giáp với Vương quốc Campuchia, với khoảng 40 dân tộc chung sống, phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, điện dùng cho thắp sáng sinh hoạt và phục vụ nông nghiệp chiếm đến hơn 70%, công nghiệp - xây dựng - dịch vụ chiếm tỷ lệ rất nhỏ”. Cũng từ tháng 03/2019, được nhận nhiệm vụ lên công tác tại Công ty Điện lực Đắk Nông, vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên đầy nắng và gió, gặp gỡ tiếp xúc với người dân các thôn bản vùng sâu, biên giới nơi đây mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của các anh em ngành điện”.

Nếu ở vùng đồng bằng hay thành phố, công việc quản lý vận hành lưới được cho là khá nhàn nhã, thì đối với những công nhân điện Đắk Nông, đây lại là một công việc không hề đơn giản, thường xuyên gặp những tình huống dở khóc, dở cười... Do mật độ dân cư thưa thớt, nhà cách nhà cả một quả đồi, nhìn thì gần nhưng để tìm đến được nhà dân có khi phải mất cả tiếng đồng hồ vì đường trơn trượt, phải đi bộ, có khi phải băng rừng, băng rẫy. Người dân nơi đây sử dụng điện rất ít, có hộ khoảng 2 - 3 tháng mới dùng hết 3, 4 số điện, mà theo đơn giá mới, mỗi cuống hóa đơn trị giá chưa tới 10.000 đồng, nhưng hễ người dân báo mất điện là Công ty phải cử ngay thợ điện đi mấy chục ki-lô-mét để kiểm tra, sửa chữa.“Công sức và chi phí đi lại lớn hơn chi phí tiền điện rất nhiều, nhưng mỗi lần sửa chữa xong thấy người dân vui vẻ ngồi quây quần xem ti-vi hay những đứa trẻ ngồi học bài chăm chỉ dưới ánh điện, tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì công việc của mình rất ý nghĩa và giúp ích được cho bà con.” anh Trần Trung Hậu, Tổ QLVH đường dây và TBA Điện lực Krông Nô tâm sự.

Công nhân Điện lực Gia Nghĩa trong lần đi khắc phục sự cố tại huyện Đắk Glong

Tính đến nay, tỉnh Đăk Nông đã thành lập được gần 15 năm, kinh tế - xã hội đã phát triển hơn trước rất nhiều, được Đảng và nhà nước quan tâm xây dựng nhiều con đường nhựa và bê tông hóa nông thôn. Tuy vậy, vẫn còn đó rất nhiều con đường đất đỏ bazan dẫn vào các bản làng, thường bắt đầu từ lối đi rừng phát rẫy, lấy củi… của những người dân đầu tiên khai hoang. Những con đường này nằm ở các xã, thôn buôn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh. Không chỉ những người dân đi lại gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, mà đối với anh em công nhân ngành điện làm nhiệm vụ cũng dở khóc, dở cười với những “cung đường hạnh phúc”. Đặc thù địa chất Đắk Nông chủ yếu là đất đỏ bazan, những con đường đất mùa khô thì bụi mù mịt, mùa mưa thì bùn lầy dính như keo. Chưa kể những đoạn đường ở sườn núi bị sạt lở hay cây ngã chặn ngang đường mỗi khi đến mùa mưa bão với bao nhiêu mối nguy hiểm cận kề. Có những đoạn đường chưa đến một ki-lô-mét nhưng anh em ngành điện phải mất hơn một giờ mới bươn qua được. Xuống gặp anh Võ Phúc - Tổ QLVH đường dây và TBA Điện lực Tuy Đức, anh Phúc bộc bạch:“Các chú quản lý trên Công ty không biết anh em đường dây dưới này khổ thế nào! Có những lần sự cố, anh em đi kiểm tra gặp những đoạn đường bùn lầy ngập đến đầu gối, xe máy không đi qua được phải gửi nhà dân đi bộ mất cả tiếng đồng hồ mới kiểm tra đến cuối tuyến được. Chưa kể, những lần cây rừng lớn ngã vào đường dây phải cô lập xử lý, anh em phải vác bao nhiêu đồ đạc trên vai bươn qua bùn lầy như bộ đội hành quân”, anh Phúc cười trên khuôn mặt rám nắng hiền hậu.

Từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm, Tây Nguyên chìm trong những cơn mưa triền miên từ sáng tới tối. Trời mưa lớn nhưng những chiếc xe cọc cạch vẫn leo qua dốc núi khúc khuỷu, chênh vênh vượt qua những ổ gà lắc lư trong khi bầu trời tối sầm đã hạn chế tầm nhìn. Anh Nguyễn Khánh Vinh, tài xế Công ty tâm sự những lần như vậy, anh chỉ còn cách cho xe đi thật chậm lại và liên tục bấm còi, phòng có chiếc xe máy nào đó xuất hiện sau những khúc cua tay áo. Cũng giống như thợ điện các nơi khác, công nhân Điện lực Đắk Nông chủ yếu sử dụng xe máy đi hiện trường. Anh em đi kiểm tra đường dây định kỳ hay sự cố vào mùa mưa bão này vất vả lắm. Với chiếc xe máy ì ạch, “bò” qua từng cung đường, với vận tốc chỉ 5-7 km/h. Bình thường, đi xe máy từ trung tâm xã vào các thôn bản mất khoảng 30 phút cho quãng đường 15 ki-lô-mét. Còn vào ngày mưa, trời mù mịt, phải đi mất 1 tiếng 20 phút. Dù là tay lái “cứng”, quen đường nhưng anh Đặng Văn Bảy - Đội Quản lý điện tổng hợp Quảng Khê cũng như các anh em khác chỉ dám đi một mình một xe. Hôm nào đặc biệt lắm, mới “dám” đèo thêm người. Những đoạn đường dây băng đồi núi đến với các thôn bản xa thường phải đi qua những cung đường đất, mưa lớn làm cho mặt đường đầy bùn lầy, có đoạn đường bị sạt lở rất nguy hiểm, khiến cánh thợ điện phải xuống xe dắt bộ, đoạn bùn nhiều anh em phải bỏ giày lết từng bước chân. Nhưng đối với các anh thợ điện, dù khó khăn vất vả bao nhiêu các anh vẫn quyết tâm vượt mọi “cung đường hạnh phúc” hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ở những vùng đồng bằng, đô thị đường nhựa rộng rãi, các đơn vị điện lực thường sử dụng ô tô để di chuyển hay sử dụng xe nâng để chuyên chở vật tư cũng như giảm sức lao động trong quá trình xây dựng mở rộng lưới điện. Nhưng ở Đắk Nông, các đoạn đường dây được đầu tư xây dựng mới thường nằm ở những vùng dân cư thưa thớt, đường đất hẹp men theo đồi núi nên cánh thợ điện trong cái khó đã ló ra “sáng kiến” sử dụng xe cày để chuyển vật tư thiết bị phục vụ thi công như cột, dây điện, xà, sứ... Có những hôm anh em thức dậy đi từ 4 giờ sáng nhưng đến được địa điểm để trồng cột điện thì đã 9 giờ rồi, áo ướt đẫm mồ hồi, người đã thấm mệt sau những “cung đường hạnh phúc”. Để có những cột điện sừng sững, những đoạn đường dây vượt đồi núi, cánh thợ điện đã tốn biết bao công sức để đưa ánh điện đến với những thôn bản xa. Còn nhớ năm 2007, đóng điện TBA xã Đăk Săk. Trong quá trình thi công, bà con đã nấu cơm, tiếp nước cho thợ điện. Bà con coi thợ điện như người nhà. "Họ gọi chúng tôi là chú thợ điện, như bộ đội, công an, vì nhân dân phục vụ", chú Lương Văn Đông - Tổ QLVH đường dây và TBA Điện lực Đăk Mil chia sẻ về mối quan hệ thắm thiết giữa thợ điện và người dân.

Cứ vào mùa mưa thì những huyện như: Đăk G’long, Tuy Đức, Đăk R’Lấp... đường sá thường xuyên sạt lở, rất dễ gây nguy hiểm cho người đi lại. Vậy mà, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân và đảm bảo an ninh, an toàn lưới điện, những “người lính áo cam” nhiều khi phải lội suối, đi bộ cả chục ki-lô-mét đường rừng để lắp đặt mới cho người dân cũng như sửa chữa những điểm xung yếu mất an toàn hoặc bị sự cố do thiên tai. Không chỉ gặp khó khăn về thời tiết, ngôn ngữ cũng là một rào cản lớn đối với các công nhân điện lực trong việc trao đổi, giao tiếp, chuyển thông tin đến người sử dụng điện là người dân tộc. Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thì có tới 40 dân tộc sinh sống, việc biết một vài thứ tiếng dân tộc đã khó, biết đủ hết ngần ấy quả là một thách thức lớn đối với những công nhân điện lực.

Từ sự bền bỉ, nỗ lực đó, cùng tình cảm, trách nhiệm ngày càng sâu đậm mà đất và người nơi đây đã gieo sâu vào lòng mỗi cán bộ công nhân Điện lực Đắk Nông, lưới điện quốc gia đã lần lượt vươn tới các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Không thể kể hết những khó khăn gian khổ của công nhân điện lực vùng cao, nhưng công sức của họ được ghi nhận bằng những niềm vui, việc làm ý nghĩa mà họ mang tới cho bà con nơi đây. Nhờ có những chuyến đi thực tế, vượt qua hàng trăm khúc cua đường núi đầy ổ gà, sỏi đá gập ghềnh, những đoạn đường đất bùn lầy, tôi mới hiểu và thấm hết hành trình vượt “cung đường hạnh phúc” để trồng những cột điện giữa đồi hiên ngang, nối dài nguồn năng lượng điện, mang lại ánh sáng mới, diện mạo mới cho bà con vùng cao của những “chiến sĩ áo cam” Điện lực Đắk Nông.

Đinh Trần Thuận (EVNCPC)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cung-duong-hanh-phuc-577963.html