Cùng diêm dân xuống đồng 'làm một ngày, ăn cả đời'

Công việc của những diêm dân bắt đầu từ tờ mờ sáng, khi ánh bình minh còn chưa kịp xua tan màn đêm tĩnh lặng, họ đã lục tục kéo ra đồng làm ra những 'hạt ngọc từ biển'. Mời bạn đọc cùng mục sở thị nét đẹp lao động với bà con diêm dân tại vựa muối lớn nhất của tỉnh Nghệ An.

Nghề chắt nước biển khơi

Ngay từ sáng sớm, chúng tôi có mặt tại vựa muối của xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu - Nghệ An vào những ngày cuối đông, khi những cơn gió lạnh như cắt vào da, cứa vào từng thớ thịt thì trên cánh đồng muối, những diêm dân đã bắt đầu cho một ngày lao động mưu sinh.

“Nghề này phải dậy từ sáng sớm, khi mặt trời còn chưa ló rạng. Mùa này làm muộn hơn chứ vào mùa tháng 5, tháng 6 thì còn ra ruộng từ 3-4 giờ sáng cơ cháu ạ” – cụ Hoàng Thị Hiệp ở xóm Hạ, xã Diễn Bích cho hay.

Vừa đều tay tung những xẻng cát từ đống cát cạnh bể, cụ Hiệp cho biết, để làm ra những hạt muối, trước tiên nền của ruộng phải được đầm, nén thật chặt và bằng phẳng, sau đó cát lấy về từ bãi bồi ven biển được rải đều trên mặt ruộng phẳng.

Sau khi rải cát đều lên mặt ruộng là công đoạn dùng gáo múc nước dưới bể (nước biển có độ loại 1 - PV) tưới lên lớp cát vừa được rải ra. Công việc này đòi hỏi sự khéo léo và đều tay, bởi chỉ cần nhẹ tay đôi chút là nước sẽ tuôn thành dòng, xô những hạt cát co cụm vào nhau, vun thành từng đống. “Như vậy, cát thấm nước nhưng sẽ lâu khô, bốc hơi chậm hơn. Muối bám vào cát sẽ khó hơn” – cụ Hiệp giải thích.

Khi ánh mặt trời ló rạng, thấp thoáng nhô lên từ mặt biển khơi cũng là lúc công đoạn rải cát, rải nước đã xong. Kế đến là lúc những diêm dân dọn sạch sân đã được láng bóng bê tông để bắt đầu múc những gầu nước đã được lọc hết tạp chất để đổ rải lên những sân muối. “Công việc này không cần quá cầu kỳ, nước múc lên, rải sâm sấp mặt sân là đủ” – ông Bùi Ngọc Triển, một diêm dân cho hay.

Và khi những sân nước đã được trang đầy, cũng là lúc mặt trời đứng bóng, kết thúc công việc buổi sáng của những diêm dân nơi đây.

Những hạt muối kết tinh được bà con diêm dân thu về.

Những hạt muối kết tinh được bà con diêm dân thu về.

Và những “hạt ngọc” thành quả cuối ngày

Công việc buổi sáng là vậy, tuy nhiên theo những trải nghiệm của chúng tôi thì công việc buổi chiều còn nặng nhọc hơn.

Bắt đầu từ 14h, những người diêm dân dưới cái nắng như thiêu như đốt đã tất bật trầm mình trên những ruộng muối của mình. Lúc này, những hạt cát còn đen bóng trên ruộng ban sáng đã lấp lánh ánh trắng của muối. Những diêm dân bắt đầu gom những hạt cát này về bể chứa phía đầu ruộng. Gom về bể đến đâu thì dùng chân, vồ nén xuống đến đấy. Cùng với mỗi lượt cát được nén xuống bể là việc tưới nước vào. “Đây là công đoạn lọc cát, chắt lấy những giọt nước mặn nhất. Phía dưới bể là hệ thống lọc nước. Những giọt nước này được dẫn qua bể lắng khác bằng hệ thống ống dẫn ngầm phía dưới” – ông Triển giải thích.

Khi những giọt nước được lọc qua bể lọc, chảy về một bể khác chờ lắng xuống thì lại múc từ bể lắng này về một bể lắng tiếp theo. Cứ thế, trải qua 2-3 bể lắng để nước làm sao chắt về phải sạch và trong vắt và chờ trong bể cho công việc sản xuất ngày hôm sau.

Đến 16h, cũng là lúc các bể nước đã đầy, trên sân, những hạt muối đã được sức nóng của mặt trời làm nước bốc hơi, còn lại ánh sáng lấp lánh cô đọng. Những diêm dân bắt đầu về kho, lán của mình để lấy xe bò, xẻng trở lại sân muối để thu gom, gặt hái thành quả của một ngày lao động.

Xe bò, xẻng gỗ được đưa ra, từng chuyến xe bò đầy ắp những “hạt ngọc” trắng ngần, lấp lánh được chở về kho cất giữ. “Muối hôm nay được nắng, khô và trắng ngần cô, chú ạ” – cụ Hiệp phấn khởi cho hay. Cũng theo cụ Hiệp, những ngày nắng đẹp là thế. Nhưng khó khăn nhất là khi đã làm xong tất cả công đoạn mà gặp lúc trời mưa thì coi như mất trắng, “coi như ngày công hôm ấy lại theo sông về với biển” - cụ Hiệp hài hước nói.

Chia sẻ với PV báo PL&XH, ông Nguyễn Văn Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho biết, trên địa bàn xã hiện có tổng diện tích 45ha sản xuất muối, đươc chia đều cho 2 HTX là HTX Hải Bắc gồm 18ha và HTX Hải Trung 27ha. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá muối rẻ, năng suất lao động gặp nhiều khó khăn bởi các xã viên bỏ nghề đi làm nghề khác nên HTX Hải Bắc dường như không hoạt động nên đã xin chuyển đổi sang một ngành nghề khác.

Riêng HTX Hải Trung, cấp ủy, chi bộ đang phối hợp với Chủ nhiệm HTX và bà con để duy trì ngành nghề truyền thống này. “Mục tiêu đặt ra khoảng 1.300 – 1.500 tấn/năm. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng đang phối hợp với Sở NN&PTNN hỗ trợ bà con sản xuất bạt trải ruộng cũng như liên hệ với các công ty thu mua để giúp bà con duy trì sản xuất” – ông Liên cho biết.

Khi ánh mặt trời đã khuất dạng cũng là lúc chúng tôi kết thúc một ngày trải nghiệm với bà con diêm dân nơi đây. Trên con đường trở về với công việc thường nhật, hình ảnh những bà, những mẹ với gánh muối nặng trĩu trên vai đối với chúng tôi là những gành hàng mặn chát – Vị mặn không chỉ của biển, của muối mà kèm trong đó là vị mặn của mồ hôi và nước mắt!

Huy Trung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cung-diem-dan-xuong-dong-lam-mot-ngay-an-ca-doi-177398.html