Cùng dệt nên những mái ấm mùa xuân

Trực tiếp thi công để dành tiền của các nhà hảo tâm tập trung mua nguyên vật liệu, sửa chữa nhà cho người nghèo; từ đồn trưởng cho đến chiến sĩ không quản nắng mưa, trần mình làm thợ nề, thợ mộc, thơ sơn kể kịp hoàn thành, bàn giao nhà theo tiến độ. Những người lính Đồn Biên phòng Non Nước đã mang mùa xuân về với những người nghèo nơi phố biển Đà Nẵng…

Ở tổ 34 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) ai cũng biết bà Hồ Thị Nga. Chồng mất, một mình bà Nga nuôi 2 con đang độ tuổi ăn học, thu nhập chủ yếu vào việc làm tạp vụ tại khách sạn Lustery Hotel. Bởi vậy mà suốt nhiều năm, 3 mẹ con bà Nga vẫn phải sống trong căn nhà cấp 4 đã dột nát. Những ngày bão gió, bà Nga phấp phỏng lo âu, ngày hè oi bức, căn nhà cứ hầm hập khiến bọn trẻ không thể nào yên giấc. Cho đến khi, những người lính biên phòng Đồn Biên phòng Non Nước xắn tay vào giúp đỡ, căn nhà được thay tôn, đóng mới la phông, sơn sửa cửa ra vào, cửa sổ… Tận dụng tôn cũ, các anh làm mái che sân để trời mưa đỡ bị hắt, ngày hè thêm mát mẻ. Sau gần nửa tháng tập trung thi công, ngôi nhà của bà Nga đã được thay diện mạo mới, ai cũng mừng cho người phụ nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi này.

 Đồn Biên phòng Non Nước tặng quà gia đình bà Ngô Thị Nên trong ngày bàn giao nhà.

Đồn Biên phòng Non Nước tặng quà gia đình bà Ngô Thị Nên trong ngày bàn giao nhà.

Ông Lê Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ chia sẻ, bản thân ông nguyên là lính biên phòng của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Trước đây, ông Dũng nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Nam-Đà Nẵng và được biên chế về Đại đội huấn luyện. Hồi đó ông là Tiểu đội trưởng của Thiếu tá Nguyễn Quang Chung - “thợ cả” trong suốt những ngày sửa chữa nhà bà Nga. Dù đã chuyển ngành nhưng ông Dũng vẫn luôn tự hào về những tháng năm quân ngũ của mình. Khi công tác tại quận Ngũ Hành Sơn, địa phương nơi đồn Biên phòng đóng quân, có nhiều hoạt động phối hợp, nhất là những hoạt động an sinh xã hội như hỗ trợ sinh kế, tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, có công với cách mạng vào dịp lễ, tết. Những việc làm ý nghĩa, đầy nhân văn ấy của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước khiến ông lại càng tự hào hơn nữa về những gì đồng đội mình đã làm. Thế nên, trong bất cứ việc gì có liên quan, ông chỉ đạo cấp dưới hỗ trợ hết mức để cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước nhanh chóng hoàn thành việc sửa chữa nhà cho bà Nga.

Lễ bàn giao nhà đã sửa chữa cho bà Ngô Thị Nên, một phụ nữ đơn thân trú tại tổ 4 phường Hòa Hải có sự tham gia của lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, phường Hòa Hải... Khi chuẩn bị kết thúc, một cụ già chống gậy đi vào, níu tay Đồn trưởng, Thượng tá Hồ Sĩ Hậu. Anh cười và nói với cụ: “Cụ cứ về nhà nghỉ ngơi, con nhớ chuyện của cụ rồi”. Trước lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn, phường Hòa Hải, Thượng tá Hồ Sĩ Hậu nói rành rọt: “Vừa nãy, cụ Ngô Xa (101 tuổi) có vợ là Phan Thị Nguyên (91 tuổi), nhà cũng trong tổ 4 này đến nói với tôi rằng, cụ rất muốn được BĐBP giúp sửa nhà. Cụ Ngô Xa và vợ được Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Bằng Khen vì đã góp công, góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bản thân cụ Ngô Xa được tặng Huy chương kháng chiến, Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày. Chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động hai cụ nhận tiền để xây mới hoặc sửa chữa nhà vì gia đình hộ nghèo lại có công với cách mạng, nhưng các cụ đều từ chối vì tuổi cao sức yếu, không thể quản lý việc xây dựng hay sửa chữa nhà. Vì hai cụ giờ đều như ngọn đèn trước gió nên nếu địa phương bố trí được nguồn kinh phí, chúng tôi sẽ triển khai ngay để các cụ có nhà mới đón Tết”- Đồn trưởng Hồ Sĩ Hậu khẳng định. Có lẽ bởi lý do rất chính đáng vậy mà Công ty cổ phần Vinpearl (chi nhánh Đà Nẵng) đã nhanh chóng đồng ý hỗ trợ 30 triệu đồng để cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước sửa chữa nhà cho cụ Ngô Xa.

Đại diện lãnh đạo, chỉ huy Đồn Biên phòng Non Nước tặng quà Tết cụ Ngô Xa.

Ai cũng hiểu rằng, với 30 triệu đồng do Công ty cổ phần Vinpearl (chi nhánh Đà Nẵng) và Công ty TNHH Đầu tư và phát triển SILVER SHORE (trụ sở tại quận Ngũ Hành Sơn) tài trợ chỉ đủ mua nguyên vật liệu, vậy nên cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước đóng góp toàn bộ ngày công sửa chữa. Thượng tá Hồ Sĩ Hậu trước nay vốn là cán bộ “miệng nói, tay làm”, sửa chữa nhà cho 4 gia đình thì cả 4 nhà anh đều có mặt thường xuyên để chỉ đạo. Không những vậy, đồn trưởng Hậu còn khiến mọi người ai cũng nể “tay nghề” của mình vì anh có thể làm thợ mộc, thợ nề, thợ sơn, hay thợ đóng tôn, la phông. Việc nào cũng được anh làm cẩn trọng, tỉ mỉ bởi: “Làm đến đâu phải chắc, đẹp tới đó, không để xảy ra tình trạng sau khi bàn giao, chủ nhà ở một thời gian phải sửa chữa, vừa tốn kém lại vừa mất uy tín của Bộ đội Biên phòng”. Đó cũng là lý do khiến cụ Ngô Xa tin tưởng và muốn được những người lính biên phòng giúp sửa nhà để sống an vui những năm cuối đời người.

Ngày bàn giao nhà cho vợ chồng cụ Ngô Xa và Phan Thị Nguyên, lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng, Quận ủy, UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng đến tặng quà. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước đã đóng khung lại toàn bộ giấy khen treo ngay ngắn. Đơn vị cũng trích tiền mua và kê thêm chiếc giường vào phòng thay cho chiếc giường đã quá cũ của hai cụ. Đồn trưởng Hồ Sĩ Hậu cũng tặng cụ Xa một bộ quần áo mùa đông. Anh cũng chu đáo chỉ đạo đơn vị chọn bức ảnh Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc để cụ treo trong những ngày Tết. Khỏi phải nói vợ chồng cụ mừng thế nào. Cụ Ngô xa bảo: “Vậy là mong ước của tôi được các chú biên phòng giúp cho toại nguyện rồi. Tết này con cháu về chơi cũng đỡ tủi”.

Đồn Biên phòng Non Nước tặng quà Tết người nghèo ở khu vực biên giới biển quận Ngũ Hành Sơn.

Đại úy Võ Minh Phúc là Chính trị viên phó nhưng thường xuyên xuống địa bàn động viên cán bộ, chiến sĩ làm việc và góp tay vào những việc mình có thể làm. Theo Đại úy Võ Minh Phúc, việc sửa chữa nhà không chỉ giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống mà còn giúp những người lính, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ trẻ ý thức hơn về trách nhiệm của mình với nhân dân trên địa bàn. Binh nhì Nguyễn Toàn Phúc mới được biên chế về Đồn Non Nước sau khóa huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện BĐBP Quảng Nam. Phúc tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng rồi nhập ngũ. Thật ra, trong suốt những năm phổ thông và đại học, Phúc chỉ dành thời gian cho việc học nên nhiều việc của đàn ông không rành rọt. Những ngày đi giúp sửa chữa nhà cho bà Nga, bà Nên, cụ Xa, Phúc đã biết quét sơn, đóng la phông, có khi phụ đồn trưởng sửa những cánh cửa đã bong bản lề, rỉ sét. Đối với Nguyễn Toàn Phúc, công việc có vất vả nhưng: “Những việc này khiến thời gian quân ngũ của em trở nên ý nghĩa và đáng nhớ hơn”- Binh nhì Nguyễn Toàn Phúc nói như khẳng định.

Xuân Canh Tý đến, Đồn Biên phòng Non Nước đã vận động các mạnh thường quân tặng 68 suất quà, mỗi suất gồm 500.000 đồng và 10kg gạo. Và như thế, mùa xuân của những người nghèo trọn vẹn hơn nhờ có những người lính Đồn Biên phòng Non Nước.

Bài, ảnh: THANH TRÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cung-det-nen-nhung-mai-am-mua-xuan-608531