Cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực phòng, chống dịch bệnh

Không chỉ đối mặt với đại dịch Covid-19, thế giới còn đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi (TNMN), tái nổi. Những bệnh này đang ngày một gia tăng, xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Sân bay quốc tế Nội Bài.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Sân bay quốc tế Nội Bài.

Không chỉ đối mặt với đại dịch Covid-19, thế giới còn đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi (TNMN), tái nổi. Những bệnh này đang ngày một gia tăng, xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Kể từ khi ca nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm 2019, đến nay, thế giới ghi nhận hơn 78 nghìn ca mắc Covid-19 và hơn 1,72 triệu người chết. Tại Việt Nam, tính đến ngày 25-12, đã ghi nhận 1.433 người bệnh mắc Covid-19, trong đó có 1.281 người mắc Covid-19 được chữa khỏi bệnh và 35 người chết. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát thành công dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, coi là hình mẫu để các nước trên thế giới học hỏi.

Thế giới không chỉ đối mặt với đại dịch Covd-19 với diễn biến phức tạp, khó lường, mà hơn mười năm qua, đã ghi nhận hàng loạt dịch bệnh TNMN, với số mắc và tử vong cao, tập trung nhiều nước ở châu Á và châu Phi. Ðáng lo ngại, có đến khoảng 70% bệnh TNMN có nguồn gốc từ động vật. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện trên thế giới đã ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người và nguy cơ này sẽ tiếp tục tăng lên, là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Những năm gần đây, khu vực Tây Thái Bình Dương được coi là nơi dễ xảy ra dịch bệnh TNMN nguy hiểm như Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Ðông do vi-rút Corona (MERS-CoV), cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, cúm A/H5N6... Ngoài ra, sốt xuất huyết do vi-rút Ebola không còn là bệnh của khu vực châu Phi mà đã trở thành mối đe dọa toàn cầu. Tại khu vực Ðông - Nam Á, sự gia tăng của một số bệnh TNMN đe dọa sức khỏe hàng triệu người dân.

Việt Nam hiện được xác định là một trong những "điểm nóng" toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây các bệnh TNMN bởi tập quán sống gần gia cầm, vật nuôi, chưa kể thói quen sinh hoạt, ăn uống (như ăn tiết canh động vật, ăn thịt gia cầm ốm, chết…) cũng là nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng sự lây lan bệnh từ động vật sang người. Thời gian qua, Việt Nam đã ghi nhận các bệnh TNMN như: Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS); cúm gia cầm A/H5N1, với tỷ lệ tử vong cao. Không chỉ vậy, Việt Nam còn phải đối mặt với một số bệnh truyền nhiễm lưu hành từ lâu như bệnh dại, sốt rét, sốt xuất huyết…

Các chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực y tế dự phòng cho rằng, quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự giao lưu của con người bằng những phương tiện giao thông hiện đại là cơ hội cho các ổ dịch bệnh mới nổi từ động vật lây sang người hiện tại hoặc xuất hiện và bùng phát trong tương lai. Dù bệnh phát sinh ở bên ngoài biên giới cũng có thể là mối đe dọa đối với các quốc gia. Do vậy, việc phòng, chống hiệu quả các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe con người và vật nuôi, ổn định kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, mà còn góp phần bảo đảm an ninh y tế toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, nhận thức tầm quan trọng của vấn đề nêu trên và cần có sự chung tay của các quốc gia trên thế giới trong công tác phòng, chống dịch, ngày 7-12-2020, tại phiên họp toàn thể Ðại hội đồng Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh vào ngày 27-12 hằng năm. Ðây là nghị quyết đầu tiên của Ðại hội đồng Liên hợp quốc trong lĩnh vực này, và là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công. Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức trong hệ thống của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực khác, khu vực tư nhân và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các cá nhân và tác nhân liên quan khác tổ chức kỷ niệm Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh hằng năm, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa, chuẩn bị và hợp tác ứng phó với dịch bệnh.

Sáng kiến của Việt Nam đưa ra đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên Liên hợp quốc do đúng thời điểm và trúng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đóng góp thực chất vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, cũng như các dịch bệnh khác trên thế giới đã xảy ra hoặc sẽ xuất hiện trong tương lai. Là quốc gia thành viên có trách nhiệm với các vấn đề quốc tế, hưởng ứng Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh (27-12), ngành y tế Việt Nam cần tiếp tục rà soát, nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, nhất là trong việc ứng phó với các mối đe dọa về y tế công cộng và các vấn đề sức khỏe toàn cầu. Việt Nam cần chuẩn bị hệ thống y tế toàn diện, có năng lực, sẵn sàng, chủ động, tự lực và bền vững để ứng phó với rủi ro của dịch bệnh mang lại; xây dựng một hệ thống dự phòng cho các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, phục hồi chức năng, hướng tới các nhóm dân số đặc thù như: trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi… Ðồng thời, tiếp tục đổi mới các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm y tế, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng cường hơn nữa sự hợp tác từ các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người và các dịch bệnh khác, để hướng tới một thế giới an toàn và an ninh hơn với các dịch bệnh trong tương lai.

TRUNG TUYẾN

Ngày 27-12 được chọn là Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh do đây là ngày sinh của Nhà bác học Louis Pasteur (người Pháp), một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vắc-xin đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều thế hệ trên toàn thế giới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/-cung-cong-dong-quoc-te-no-luc-phong-chong-dich-benh-629647/