Củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) ở nước ta đã chiếm tới 86,9% dân số, cho thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế của người dân ngày càng cao, nhất là chăm sóc sức khỏe y tế ban đầu.

Chăm sóc y tế tại tuyến cơ sở

Y tế cơ sở được coi là “người gác cổng”, là nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau, bệnh tật, góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện đã được đưa ra tại Phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở, do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức vừa qua.

Khả năng cung ứng dịch vụ còn hạn chế

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thành tựu lớn nhất của ngành y tế trong thời gian qua là từng bước khôi phục, củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở (YTCS). Hiện cả nước có 11.400 trạm y tế xã bao gồm cả mạng lưới y tế thôn, bản; gần 99% số xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; 87,5% số trạm có bác sĩ khám, chữa bệnh (KCB); 97% số trạm có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% số thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%. Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản được triển khai hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Đến nay, đã triển khai KCB BHYT tại khoảng 80% tổng số trạm y tế. Đáng chú ý, chất lượng KCB tại tuyến huyện ngày càng tăng, nhiều đơn vị đã thực hiện được các kỹ thuật của tuyến trên, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân lên đến gần 50% số thẻ đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện/trung tâm y tế huyện…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đánh giá, YTCS cả tuyến huyện và tuyến xã còn nhiều hạn chế về chất lượng chuyên môn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, khiến người bệnh thiếu tin tưởng và thường vượt lên tuyến trên, gây nên tình trạng quá tải tại bệnh viện (BV) tuyến tỉnh, Trung ương. Trạm y tế xã chưa quan tâm đến phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như sàng lọc phát hiện sớm các bệnh cho người dân... Điều này do tổ chức hệ thống y tế chưa ổn định, lúc nhập vào, lúc tách ra, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu. Về nền tảng và tiềm năng, nhìn chung chất lượng chưa cao thiếu đồng bộ. Đầu tư cho YTCS còn thấp, có trạm y tế rất “xơ xác”. Chính sách đãi ngộ cho nhân viên YTCS chưa thỏa đáng; nhận thức, quan điểm chỉ đạo của cấp chính quyền và cơ quan y tế chưa quan tâm đến YTCS... Nguồn nhân lực tại y tế cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, có xu hướng bác sĩ không muốn làm việc tại YTCS mà muốn làm việc ở tuyến trên hoặc khu vực tư nhân.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, một trong những lý do khiến người dân không lựa chọn trạm y tế xã là nơi chăm sóc sức khỏe, KCB BHYT ban đầu là do chính sách thông tuyến được thực hiện từ năm 2015, với điều kiện giao thông thuận tiện như hiện nay, người bệnh BHYT thường lựa chọn KCB tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến các trạm y tế xã. Ngoài ra, hệ thống trạm y tế xã hiện nay chưa đảm đương được yêu cầu, nhiệm vụ và còn nhiều bất cập cả về nhân lực và cơ sở vật chất.

Chất lượng KCB tại YTCS chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, tình trạng khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc tại nhiều trạm y tế xã còn bất cập. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người dân không lựa chọn trạm y tế xã làm nơi KCB ban đầu, dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện. Bên cạnh những thách thức nêu trên, còn có thêm một số khó khăn, vướng mắc về mô hình tổ chức, cơ chế chính sách, nguồn lực, nhân lực… đã tạo áp lực không nhỏ cho ngành Y tế và BHXH trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách BHYT tại tuyến YTCS.

Đồng thời, lợi dụng chính sách thông tuyến, nhiều cơ sở KCB tuyến huyện tiếp nhận người bệnh không có đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở này và cấp giấy chuyển lên tuyến trên để điều trị những bệnh thông thường do không phải quản lý quỹ. Tình trạng chỉ định quá mức dịch vụ KCB diễn ra phổ biến tại các bệnh viện tuyến huyện, nhất là việc kê thêm giường, kéo dài ngày điều trị nội trú, chỉ định sử dụng thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý… Đơn cử, ở một số bệnh viện bệnh nhân phẫu thuật phải nằm viện từ 5 đến 7 ngày hay đẻ thường nằm viện tới 5 - 6 ngày; hay có những bệnh nhân chỉ bị viêm họng nhưng YTCS vẫn giữ lại điều trị tới ba ngày để được BHYT chi trả nhiều hơn.

Chăm sóc y tế từ cơ sở tốt sẽ giảm tải cho các tuyến trên

Bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh ở YTCS

Có ý kiến cho rằng, việc trạm y tế vắng bệnh nhân không chỉ do nguyên nhân nguồn nhân lực cán bộ y tế quá yếu mà còn do việc khoán KCB BHYT cho tuyến xã cao nhất chỉ 20%, nên người dân ít muốn đến trạm y tế. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế, 31% số ca trường hợp KCB ở tuyến Trung ương có thể giải quyết ở tỉnh, 41% số ca KCB ở tuyến tỉnh có thể chữa ở huyện... Tuy nhiên, hiện chưa có quy định pháp lý để BV tuyến Trung ương, tuyến tỉnh hạn chế nhận KCB bệnh nhân thông thường ở tuyến dưới. Về vấn đề này, Bộ Y tế đã từng kiến nghị, không quy định giao quỹ KCB cho trạm y tế cao nhất bằng 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú như hiện nay, thay vào đó cơ quan BHXH sẽ thanh toán chi phí cho trạm y tế dựa trên chi phí thực tế do ứng dụng dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới, chức năng nhiệm vụ mới… kể cả chi phí điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, chi trả chi phí thuốc điều trị HIV, lao…

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tỷ trọng số lượt KCB BHYT tại tuyến xã trong tổng số lượt KCB BHYT có xu hướng giảm qua các năm từ 2015 đến nay: Năm 2014, tỷ trọng số lượt KCB tại tuyến xã chiếm khoảng 28,3% tổng số lượt KCB BHYT; các năm 2015, 2016, 2017 con số này là 26%, 21,9% và 19,9% tương ứng; 6 tháng đầu năm 2018 tỷ trọng số lượt KCB BHYT tại tuyến xã chỉ chiếm 18,5% tổng lượt KCB BHYT của các tuyến. Ngược lại, tỷ trọng số lượt KCB BHYT tại tuyến huyện trong tổng số lượt KCB BHYT lại gia tăng mạnh (2010-2014: 42,8%; 2015: 43,2%; 2016: 48,5%; 2017: 51,4%; ước sáu tháng đầu năm 2018: 52,2%).

Qua thảo luận tại phiên giải trình, đại biểu, lãnh đạo các bộ, ngành thống nhất YTCS cần phải được củng cố và đầu tư một cách thỏa đáng để có thể đảm nhiệm vai trò là “người gác cổng” trong hệ thống y tế, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. UBND các tỉnh, thành phố cần phải bố trí ngân sách địa phương cho việc thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên bố trí vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư các trạm y tế xã chưa đạt chuẩn quốc gia.

Đồng thời, Bộ Y tế cần đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở theo vị trí việc làm, triển khai các chính sách thu hút và duy trì nguồn nhân lực y tế tại tuyến cơ sở; tăng cường công tác luân phiên cán bộ y tế theo hai chiều từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện tự chủ BV tuyến huyện và việc sử dụng quỹ KCB BHYT ở BV tuyến huyện.

BÍCH NGỌC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cung-co-va-phat-trien-mang-luoi-y-te-co-so-555066.html