Củng cố thương hiệu tăng sức cạnh tranh của gạo Việt

Về lâu dài, tái cơ cấu sản xuất lúa gạo phải theo hướng lấy tín hiệu thị trường để định hướng quy hoạch và tổ chức lại sản xuất. Đặc biệt, việc tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu sẽ là biện pháp giúp ổn định được hoạt động tiêu thụ với mức giá có lợi và nâng cao thu nhập của người nông dân. Đây cũng được coi là giải pháp hiệu quả để tăng sức cạnh tranh cho gạo của nước ta trong bối cảnh hiện nay.

Gạo Việt Nam tiếp tục khẳng định uy tín và vị thế trên thị trường

Thực tế, từ giữa tháng 7/2020, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới. Hơn nữa, giá gạo xuất khẩu hiện đang quanh ngưỡng 495 USD/tấn và đây là mức giá khá tốt tác động tích cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.

 Sản xuất lúa gạo phải theo chuỗi để gia tăng giá trị. (Ảnh: Tứ Cường)

Sản xuất lúa gạo phải theo chuỗi để gia tăng giá trị. (Ảnh: Tứ Cường)

Nhìn một cách tổng thể, không riêng gạo 5% tấm mà nhiều loại gạo xuất khẩu khác của Việt Nam như gạo DT8, gạo 5451… dù có sự biến động theo thị trường nhưng nhiều thời điểm đã có giá tốt, góp phần nâng cao trị giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian qua.

Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), gạo Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện. Hơn nữa, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm chiếm 27,15% trong tỷ trọng tổng lượng gạo xuất khẩu, gạo japonica chiếm 3,39%, gạo nếp chiếm 9,26%… Điều này góp phần nâng cao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng năm 2020 với giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 493 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Đánh giá về giá gạo xuất khẩu tăng cao có ảnh hưởng đến cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, đồng baths và đồng rupee đang có xu hướng giảm giá so với USD đã góp phần làm giảm giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ, trong khi đồng Việt Nam tương đối ổn định.

Trước bối cảnh, thu hoạch lúa vụ Thu - Đông trong nước sắp kết thúc, trong khi xuất hiện nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, thiên tai, dự kiến giá gạo Việt Nam vẫn duy trì ổn định đến cuối năm.

Thời gian qua, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao, góp phần nâng cao giá gạo xuất khẩu cũng như trị giá xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực và gần đây Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tổ chức lại khâu sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các quy định khắt khe của các thị trường khó tính.

Đồng thời, góp phần tận dụng các ưu đãi về thuế quan, nâng cao khả năng cạnh tranh để thúc đẩy xuất khẩu vào khu vực thị trường EU và RCEP.

Để tăng tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã dần chuyển dịch, nâng cao tỷ lệ sản xuất các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao.

Cùng với đó, các thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Đây là một trong các yếu tố đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.

Số liệu về trị giá xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường “có yêu cầu cao về chất lượng” đã cho thấy những “tín hiệu” tích cực về việc nâng cao chất lượng sản phẩm gạo của ngành nông nghiệp nói chung cũng như của các doanh nghiệp nói riêng trong các năm gần đây.

Đáng lưu ý, với các chính sách phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, các mô hình liên kết tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân, các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt nhằm nâng cao chất lượng gạo, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng các vùng nguyên liệu, áp dụng các mô hình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường cao cấp của không chỉ EU mà còn Hoa Kỳ, Hàn Quốc...

Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, về lâu dài, tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác cần phải theo hướng lấy tín hiệu thị trường để định hướng quy hoạch và tổ chức lại sản xuất. Đặc biệt, việc tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu sẽ là biện pháp giúp ổn định được hoạt động tiêu thụ với mức giá có lợi và nâng cao thu nhập của người nông dân.

Tạo dựng và củng cố thương hiệu gạo Việt

Gạo ST25 của Việt Nam giành giải cao trong xếp hạng gạo thế giới. (Ảnh: HNV)

Theo các nhà chuyên môn, bước đi của hạt gạo sẽ không ổn định nếu không xây dựng một kế hoạch phát triển và tạo dựng thương hiệu sản phẩm có hiệu quả trên thị trường quốc tế.

Chỉ tính riêng với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hằng năm cung cấp trên 51% sản lượng lúa và khoảng 80-90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước cũng để thấy tiềm năng gạo của nước ta lớn đến thế nào.

Tuy nhiên, nhìn chung, ta vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giá thành còn cao và giá trị gia tăng thấp. Vấn đề được đặt ra ở đây chính là việc quản lý chuỗi cung ứng gạo cũng như tính toán chuỗi giá trị gạo khu vực ĐBSCL còn nhiều hạn chế, nên giá thành và chất lượng hạt gạo làm ra còn kém sức cạnh tranh, chưa có nhãn hiệu cạnh tranh cao như gạo Thái Lan.

Đặc biệt, những hoạt động trong chuỗi cung ứng như nhà cung ứng đầu vào, người sản xuất, chế biến, phân phối, tiếp thị và tiêu dùng chưa thật sự gắn kết với nhau để xây dựng thương hiệu, tạo ra sản phẩm chất lượng ổn định, uy tín trên thị trường. Đây chính là thách thức lớn trong sản xuất và xuất khẩu gạo ra nước ngoài cũng như gạo nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Không chỉ trên thị trường thế giới, hạt gạo Việt Nam cũng đang phải chịu sức ép cạnh tranh ngay trong nước; nhất là tại các thành phố lớn, vẫn có mặt gạo Thái Lan. Những lợi thế về chi phí lao động thấp đang dần mất đi trong quá trình tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, bên cạnh các yếu tố về đảm bảo chất lượng, giá cả, mẫu mã, kênh phân phối... cần phải xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Do đó, điều cần chú trọng chính là ở cả hai vấn đề: giá và chất lượng.

Để làm được điều này, ngay từ khâu thu hoạch phải được làm tốt, chú trọng đầu tư cho khâu chế biến và công nghiệp chế biến để giảm tỷ lệ tổn thất (hiện nay tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của nước ta là 13-16%, Thái Lan khoảng 7-10%), nâng cao chất lượng gạo ở Việt Nam (80% tổng lượng lúa được xay xát tại các cơ sở nhỏ không được trang bị đồng bộ về sân phơi, sấy và kho chứa, trong khi đó đối với Thái Lan có trên 90% là nhà máy quy mô lớn, được trang bị đồng bộ, nên chất lượng gạo cao hơn). Thêm vào đó, nước ta vẫn thiếu những thương hiệu mạnh về gạo, vì thế, rất cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam. Muốn vậy, cần tạo sự gắn kết 4 nhà bằng cách xây dựng công ty cổ phần, gồm các cổ đông là nhà nông, nhà chế biến, nhà đầu tư kinh doanh, nhà khoa học.

Không thể phủ nhận rằng, trong thời kỳ hội nhập, thương hiệu là tài sản vô hình quan trọng, là “vũ khí “ cạnh tranh bên cạnh các yếu tố khác như chất lượng sản phẩm, giá cả, mẫu mã, kênh phân phối. Chúng ta bỏ qua việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là tự mình từ bỏ một tiềm lực lớn trong nền kinh tế hội nhập.

Do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội nghị Thương mại Gạo thế giới năm 2020 do The Rice Trader (TRT) tổ chức diễn ra từ ngày 1 đến 3/12/2020 tại Hoa Kỳ theo hình thức trực tuyến.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Tổ chức đã tổ chức cuộc thi Gạo ngon thế giới và xét trao Giải Thành tựu Cống hiến trọn đời cộng đồng gạo thế giới. Việt Nam đã vinh dự đạt 2 giải thưởng này.

“Giải Thành tựu Cống hiến trọn đời cộng đồng gạo thế giới TRT (TRT World Rice Community - Lifetime Achievement Award)” được trao cho ông Trương Thanh Phong, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2). Đây là giải thưởng rất vinh dự và ý nghĩa không chỉ với ông Trương Thanh Phong mà còn với ngành lúa gạo Việt Nam.

Trong khi đó, với cuộc thi World’s best rice contest 2020 - Gạo ngon nhất thế giới năm 2020, giải Nhất thuộc về gạo Thái Lan, gạo ST25 Việt Nam của Kỹ sư Hồ Quang Cua đạt đạt giải Nhì. Trước đó, năm 2019, cuộc thi này tổ chức tại Manila (Philippines) và gạo ST25 giành đã giải Nhất.

(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam)

Chu Thị Bích LiênHọc viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/cung-co-thuong-hieu-tang-suc-canh-tranh-cua-gao-viet-569337.html