Củng cố ở vùng 4.000 USD, khối lượng giao dịch Bitcoin vẫn mạnh

Sau khi bất ngờ vọt lên trên 4.000 USD vào cuối tuần qua, giá Bitcoin trong phiên hôm nay vẫn chưa cho thấy dấu hiệu rõ ràng khi tiếp tục lượn lờ quanh mốc tâm lý này. Dù vậy, khối lượng giao dịch tiếp tục cho thấy ở mức cao so với bình quân trước đây.

Hiện tại trong phiên chiều này, giá Bitcoin đang xoay quanh 4.010 USD/BTC, ghi nhận giảm gần 0,3% trong vòng 24 giờ qua. Các đồng tiền mật mã khác (altcoins) cũng chìm trong sắc đỏ, với Ether rớt 0,87% trong cùng thời gian xuống 139 USD; XRP giảm 0,5% còn 0,316 USD; Litecoin giảm 2,1% xuống 59,9 USD, EOS giảm 1,37% xuống 3,74 USD. Chỉ có đồng Bitcoin Cash là ngược chiều xu hướng khi tăng 5,5% lên hơn 160 USD.

Tổng giá trị vốn hóa của toàn thị trường tiền mật mã đang xấp xỉ hơn 139 tỷ USD, trong đó vốn hóa của Bitcoin vẫn chiếm tỷ trọng vượt trội là 50,76%, tương ứng 70,57 tỷ USD. Đồng Ether xếp thứ 2 với tỷ trọng vốn hóa đạt 10,54%, XRP xếp thứ 3 với 9,44%. 2 đồng tiền Litecoin và EOS xếp thứ 4 và thứ 5 với tỷ trọng lần lượt đạt 2,63% và 2,44%. Các đồng tiền còn lại có giá trị vốn hóa đạt 33,63 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 24,19%.

Khối lượng giao dịch tăng mạnh có đáng tin?

Theo ý kiến của giới quan sát, thị trường tiền mật mã đang trải qua một tháng 3 khá lạc quan khi khối lượng hàng ngày đạt được những mức giao dịch ấn tượng và giá cũng đang tỏ ra vững chắc ở mốc 4.000 USD.

Theo nhà nghiên cứu tiền điện tử độc lập Kevin Rooke cho biết, theo thống kê từ CoinMetrics, khối lượng giao dịch Bitcoin trên tất cả các sàn giao dịch cộng lại đã tăng 150% hoặc cao hơn trong 5 tháng qua, kể từ khi Bitcoin giảm từ 6.000 USD xuống còn 4.000 USD.

Tổng khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày của thị trường tiền điện tử đã không cao như vậy kể từ tháng 1 năm 2018, khi giá Bitcoin giảm mạnh và nhanh chóng từ mức đỉnh 20.000 USD. Ông cũng cho biết thêm là chỉ có 9 ngày trong 12 tháng qua, thị trường Bitcoin mới chứng kiến khối lượng giao dịch nằm khoảng 10 tỷ USD, thì riêng tháng 3 tính đến thời điểm này đã chiếm hết 5 ngày trong số đó.

Khối lượng giao dịch tăng lên là tín hiệu quan trọng cho thấy sự quan tâm của thị trường đối với một tài sản, có nghĩa là sự gia tăng gần đây của cả áp lực mua và bán có thể mang ý nghĩa các nhà đầu tư (bắt đầu nhận thấy một số tiềm năng kiếm tiền. Nhiều người tin rằng sự đầu cơ mới này có thể thúc đẩy sự phục hồi về giá đối với Bitcoin.

Survival Survivalism đã từng nói rằng khối lượng giao dịch ở mức cao nhất mà ngành công nghiệp này từng thấy là tuần cuối cùng của năm 2017 – thời điểm mà mọi người đang đầu tư tiền tiết kiệm vào các đồng tiền mật mã với giấc mơ trở nên giàu có.

Dù vậy, trong tuần vừa qua, Crypto Integrity – một bộ phận nghiên cứu tập trung vào blockchain, chuyên về mảng thao túng và gian lận thị trường – tuyên bố rằng có tới 88% số liệu về khối lượng trên tất cả các sàn giao dịch có thể hoàn toàn là lừa đảo. Nhóm này đặc biệt thu hút sự chú ý đến các sàn như OkEX, Bit-Z, Huobi, HitBTC, và một số sàn không được kiểm soát khác. Nếu điều này là chính xác thì tiết lộ này sẽ là một đòn mạnh đánh vào các nhà phân tích, những người tin rằng khối lượng giao dịch đang báo hiệu một cuộc phục hồi mạnh mẽ trong tiền mật mã.

 Theo Crypto Integrity thì gần 90% các đồng tiền có giao dịch bị thao túng về khối lượng

Theo Crypto Integrity thì gần 90% các đồng tiền có giao dịch bị thao túng về khối lượng

Tương lai của stablecoins?

Mặc dù người đứng đầu Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) gần đây là Jay Clayton đã xác nhận rằng Ethereum không phải là chứng khoán theo luật chứng khoán của Mỹ, thì các đồng stablecoins, những đồng tiền mật mã có giá trị neo chặt vào đồng tiền pháp định USD, có thể bị liệt vào là sản phẩm chứng khoán.

Theo đó, cố vấn cao cấp cho bộ phận tài sản kỹ thuật số tại SEC là Valerie Szczepanik đã báo cáo rằng stablecoin có thể là chứng khoán và có thể bị sự điều chỉnh theo luật chứng khoán hiện hành của Mỹ. Cụ thể, trong phát biểu tại hội nghị SXSW diễn ra ở Austin vào ngày 15/3, bà Szczepanik đã đưa ra tuyên bố liên quan đến chứng khoán và phân loại stablecoin thành 3 loại.

Đầu tiên là loại stablecoin gắn liền với tài sản thực như vàng hoặc bất động sản; loại thứ hai là những loại gắn liền với tiền tệ pháp định được lưu giữ trong quỹ dự trữ và cuối cùng là loại sử dụng các cơ chế tài chính thị trường để giữ giá ổn định.

Giải thích về loại cuối cùng cùng, bà Szczepanik chia sẻ: ““Tôi đã thấy các stablecoin có ý định kiểm soát giá thông qua một số loại cơ chế định giá, cho dù nó gắn liền với việc phát hành, tạo hoặc mua lại một loại tài sản kỹ thuật số khác gắn với nó, hoặc nó được kiểm soát thông qua cung và cầu theo một cách nào đó để giữ giá trong một khoảng nhất định”.

Và theo bà Szczepanik cho biết loại stablecoin thứ ba có thể sẽ được xem xét là chứng khoán theo luật chứng khoán Mỹ. Ngoài ra, cố vấn cấp cao của SEC cũng lưu ý rằng cho dù đó là stablecoin hay bất cứ loại tiền điện tử nào khác, SEC sẽ luôn xem xét kỹ lưỡng từng loại một. Bà nói: “Các dự án tiền mật mã, ICO nếu muốn hoạt động đều phải được sự cho phép của SEC. Ngoài ra, nếu có gì thắc mắc các nhà phát triển tiền mật mã có thể đến để trao đổi với chúng tôi, đừng tự ý làm khi chưa được sự đồng ý”.

Nếu bị xếp vào là chứng khoán, các đồng stablecoin sẽ thuộc diện phải kiểm toán và bị kiểm soát gắt gao hơn theo các điều luật quy định của Luật chứng khoán Mỹ, do đó con đường mở rộng và phát triển sẽ gập ghềnh và nhiều khó khăn, rào cản hơn.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/cung-co-o-vung-4-000-usd-khoi-luong-giao-dich-bitcoin-van-manh-159969.html