Củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng thông qua giám sát, phản biện

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò là 'cầu nối' giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, góp phần phát huy dân chủ, tạo đồng thuận xã hội.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi gặp mặt và biểu dương 90 điển hình tiêu biểu ở cộng đồng dân cư nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi gặp mặt và biểu dương 90 điển hình tiêu biểu ở cộng đồng dân cư nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Xây dựng tổ chức Mặt trận là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, phát triển tư tưởng đại đoàn kết của Người, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng ta cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố và mở rộng hệ thống Mặt trận về tổ chức và hoạt động để Mặt trận thực sự là tổ chức tập hợp toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu của lịch sử và lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, gắn quyền lợi với trách nhiệm, trong đó, lấy lợi ích dân tộc làm trọng.

Chặng đường 90 năm xây dựng và phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất (ngày nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đã để lại những bài học quý, trong đó có việc phát huy dân chủ trong các tầng lớp nhân dân, tạo đồng thuận xã hội để Mặt trận thực sự giữ vai trò là "cầu nối" giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội.

Phản biện từ tâm trong sáng

Chế độ chính trị nhất nguyên hiện nay ở nước ta chế định rằng xã hội Việt Nam chỉ có một đảng chính trị duy nhất, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản đang cầm quyền.

Bàn về tầm quan trọng của việc phát huy thực sự hiệu quả vai trò phản biện của Mặt trận, theo Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng (Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), việc có một đảng duy nhất và đang là đảng cầm quyền thì đảng đó có nhiều thuận lợi trong lãnh đạo phát triển đất nước, nhưng cũng nảy sinh một số điểm đáng lưu ý nếu không có nhiều ý kiến phản biện từ các tổ chức chính trị khác.

"Chúng ta khẳng định rằng với chế độ một đảng, xã hội nước ta vẫn bảo đảm được dân chủ. Dân chủ của một xã hội không phụ thuộc vào số lượng của chính đảng, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phụ thuộc vào chất lượng của chính bản thân đảng.

Trong tình hình đó, chức năng, nhiệm vụ phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay là rất quan trọng. Trong phản biện, ý kiến có thể có nhiều điều trái với cả những điều đang có trong nghị quyết, chủ trương lớn, quan điểm của Đảng, nhưng vẫn phải tôn trọng và chú ý lắng nghe, miễn là những ý kiến đó có cái tâm trong sáng," ông Mạch Quang Thắng nhấn mạnh.

Thực hiện quyền và trách nhiệm của mình, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy ngày càng rõ nét hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, trong đó có giám sát, phản biện xã hội. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, nhiệm kỳ Đại hội VIII của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định bước phát triển mới trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội.

Chủ thể giám sát, phản biện xã hội là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, đối tượng là các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đại biểu dân cử. Do nội dung, phạm vi giám sát rất rộng nên cần có sự vào cuộc của nhân dân.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hiệp thương xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm để thấy rõ nội dung công việc Mặt trận chủ trì và những việc các đoàn thể chính trị-xã hội chủ trì.

Công tác giám sát, phản biện xã hội trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội. Mặt trận Tổ quốc đã chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước triển khai 12 chương trình giám sát cấp Trung ương, tập trung vào các lĩnh vực như chính sách đối với người có công với cách mạng; thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ; đổi mới giáo dục và đào tạo; quản lý, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế; bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Ủy ban Mặt trận các tỉnh, thành phố đã đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền lựa chọn những chủ trương lớn về phát triển kinh tế-xã hội, những vấn đề bức xúc ở địa phương để tổ chức giám sát. Nhiều lĩnh vực quản lý phức tạp, khó và nhạy cảm như bồi thường tái định cư, thu hồi đất, quản lý sử dụng các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, bồi thường sự cố ô nhiễm môi trường biển... đã được Mặt trận các cấp giám sát có hiệu quả.

Những báo cáo, kiến nghị sau giám sát của Mặt trận, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong nhân dân đã được các bộ, ngành ở Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp nhận, kịp thời chỉ đạo giải quyết và thông báo đến các tầng lớp nhân dân.

Trong nhiệm kỳ 2014-2019, Ủy ban Mặt trận cấp tỉnh chủ trì và tham gia giám sát liên ngành được 4.093 cuộc; Ủy ban Mặt trận cấp huyện chủ trì giám sát 22.679 cuộc; Ủy ban Mặt trận cấp xã chủ trì giám sát 466.012 cuộc.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ góp ý, phản biện xã hội, cùng với giám sát và thông qua các hoạt động của Mặt trận để tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật; hàng năm, góp ý trên 30 văn bản pháp luật.

Ở các địa phương, những chủ trương lớn, cơ chế, chính sách liên quan thiết thực đến số đông người dân đều được lấy ý kiến hoặc phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc trước khi quyết định.

Lắng nghe dân nói

Cùng với việc tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì với sức lan tỏa mạnh mẽ, thiết thực, hoạt động giám sát, phản biện xã hội với nhiều chuyển biến rõ nét có thể coi là điểm sáng trong công tác Mặt trận tại thành phố Đà Nẵng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quà cho đồng bào các dân tộc sống và sinh hoạt tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam trong Tuần đại đoàn kết các dân tộc năm 2019. (Ảnh: Thống Nhất/ TTXVN)

Đây là nhiệm vụ khá mới đối với Mặt trận và các tổ chức thành viên tại thành phố Đà Nẵng nên phải từng bước vừa làm, vừa học hỏi. Với tinh thần trách nhiệm cao, Mặt trận các cấp thành phố đã phát huy vai trò nòng cốt, thông qua các tổ chức thành viên tranh thủ ý kiến của cộng đồng và nhân dân, chủ động góp ý với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, góp phần cùng chính quyền tự điều chỉnh, hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quản lý nhà nước ngày càng tốt hơn trong quá trình phát triển của thành phố.

Quán triệt chủ trương của Đảng, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 34-KH/TU về việc tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản liên quan đến hoạt động giám sát và phản biện của Mặt trận đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của thành phố, chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc Thành ủy.

Trong 5 năm (2014-2019), Mặt trận thành phố Đà Nẵng đã ban hành 25 kế hoạch giám sát chuyên đề, 4 đề án phục vụ cho công tác giám sát, phản biện xã hội; chủ trì 21 đoàn giám sát theo 6 chuyên đề liên quan đến những vấn đề mà nhân dân quan tâm, bức xúc; đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng nhân dân. Mặt trận các quận, huyện thực hiện giám sát 31 chuyên đề. Các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố chủ trì giám sát 11 chuyên đề.

Theo đó, Mặt trận các cấp trên địa bàn thành phố chủ trì thực hiện công tác giám sát thường xuyên với nhiều nội dung: Giám sát việc tiếp xúc cử tri của các đại biểu dân cử; việc chi hỗ trợ đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng các dự án; việc cấp phát các khoản cứu trợ, phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, đối tượng chính sách; việc thực hiện các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; việc trao quà, chuyển quà Tết của Trung ương và thành phố, quận, huyện đến các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội; vấn đề thực hiện dân chủ ở cơ sở; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên sinh hoạt tại khu dân cư; việc triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng đạo đức công vụ; việc thu các khoản ngân sách nhà nước và các khoản vận động trong nhân dân… và nhiều cuộc giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân của 56 phường, xã và 126 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Kết quả, qua giám sát 1.725 cuộc trên các lĩnh vực, 137 vụ việc vi phạm được phát hiện; 517 kiến nghị đã được giải quyết; công tác giám sát đầu tư của cộng đồng đã thực hiện 1.630 cuộc/2.083 công trình; phát hiện, kiến nghị 301 nội dung bằng văn bản đến các chủ đầu tư yêu cầu điều chỉnh và khắc phục kịp thời những sai phạm trong các công trình dân sinh, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận các cấp luôn được chính quyền thành phố tôn trọng và lắng nghe tiếp thu, góp phần đưa hoạt động phản biện đến gần với đời sống người dân thành phố. Ngoài ra, Mặt trận thành phố đã phản biện thông qua nhiều hình thức với 11 nội dung; Mặt trận quận, huyện phản biện 7 nội dung; Mặt trận phường, xã phản biện 19 nội dung.

Đặc biệt năm 2019, Mặt trận thành phố đã tổ chức thành công 5 hội nghị phản biện xã hội tạo ảnh hưởng lớn trong hệ thống chính trị và được dư luận nhân dân đồng tình: Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng-Marina Complex và Dự án Olalani Riverside Tower; dự án Nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố; dự án Cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà; hội nghị góp ý dự thảo 2 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố; hội nghị phản biện báo cáo đề án thu phí phương tiện cơ giới lưu thông vào trung tâm thành phố.

Các hội nghị phản biện đã mời nhiều nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam cũng như của thành phố Đà Nẵng, các nhà nghiên cứu lịch sử, xã hội, môi trường... và đại diện các tầng lớp nhân dân để có ý kiến phản biện khách quan, khoa học.

Nội dung giám sát, phản biện xã hội của hệ thống Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên thành phố ngày càng được tăng cường, có nhiều chuyển biến tích cực, xác định được đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát cụ thể, đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả, chất lượng.

Công tác giám sát đã phát huy dân chủ, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, được nhân dân quan tâm ủng hộ, phù hợp với tình hình thực tế tại các cấp địa phương; góp phần đưa tiếng nói của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đến với Đảng, chính quyền các cấp.

Giám sát và phản biện là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể. Mặt trận với tư cách là tổ chức nắm bắt nguyện vọng của nhân dân, sẽ đề xuất với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, các dân tộc, tôn giáo…để tạo sự đồng thuận xã hội.

Muốn làm được điều đó, bên cạnh việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, Mặt trận phải củng cố, giữ vững lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với công cuộc đổi mới, với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thông qua việc thực hiện vai trò giám sát, phản biện của mình để tạo sự công khai, minh bạch.

Mặt trận phải là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhân dân hành động yêu nước, là "chỗ dựa" của nhân dân khi nhân dân cần được bảo vệ.

Để tăng cường khối đại đoàn kết cũng như giúp Mặt trận thực hiện tốt những vai trò, nhiệm vụ của mình, trong đó có công tác giám sát, phản biện xã hội, theo Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, thời gian tới, công tác Mặt trận cần tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, nhất là địa bàn khu dân cư, phát huy sự năng động, sáng tạo của Mặt trận các cấp trong công tác vận động nhân dân, với phương châm "lắng nghe nhân dân nói."

Mặt trận các cấp cần tập hợp ý kiến, nguyện vọng và sự hiến kế của nhân dân trong tham mưu chủ trương, chính sách đối với Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy hiệu quả "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc;" chủ động trong mọi hoạt động để gần dân, sát dân hơn; tăng cường sự đồng thuận xã hội nhằm thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân./.

Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cung-co-long-tin-cua-nhan-dan-voi-dang-thong-qua-giam-sat-phan-bien/677270.vnp