Cúng cô hồn tháng 7 vào ngày nào, cúng ở đâu?

Người xưa quan niệm rằng, ngày Rằm tháng 7 Âm lịch là giới hạn của kỳ 'mở cửa' Quỷ Môn Quan, sau ngày này, người cõi âm sẽ không thể nhận được đồ thờ cúng nữa.

Từ xưa đến nay, ở Việt Nam việc cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác. Mâm cơm cúng được chuẩn bị không chỉ dâng tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến những người họ hàng đã khuất. Ngoài ra còn cần cúng đúng để không gặp xui xẻo trong tháng 7 Âm lịch – “tháng cô hồn” cũng như tích đức, tích phước cho con cháu, xóa tội cho vong linh của gia đình dưới suối vàng.

Người xưa quan niệm rằng, ngày Rằm tháng 7 Âm lịch là giới hạn của kỳ "mở cửa" Quỷ Môn Quan, sau ngày này, người cõi âm sẽ không thể nhận được đồ thờ cúng nữa nên: Từ ngày 2 tháng 7 Âm lịch là đã có thể cúng cô hồn.

Tùy từng gia đình, từng địa phương mà lễ cúng sẽ bắt đầu từ ngày mùng 2 cho tới trước 12h trưa ngày 15 tháng 7. Tuy nhiên, tháng 7 này còn có lễ Vu Lan báo hiếu. Vì vậy nên làm lễ cúng Phật, cúng thần linh, gia tiên trước rồi mới cúng cô hồn.

Cúng cô hồn ở đâu?

Lễ cúng cô hồn bắt buộc và nhất định phải làm ở ngoài nhà, từ ngoài sân, trước cửa nhà, vỉa hè, ngã ba, cổng nhà… Tuyệt đối không làm lễ cúng cô hồn trong nhà bởi theo quan niệm người xưa chẳng khác nào rước vong vào nơi ở.

Cúng cô hồn cần chuẩn bị mâm cúng như thế nào?

- 1 đĩa muối và gạo

- 12 chén nhỏ cháo trắng hay 3 vắt cơm vắt

- 12 cục đường thẻ

- Giấy áo, giấy tiền vàng bạc. Trong đó, tiền vàng từ 15 lễ trở lên, quần áo chúng sinh từ 20 đến 50 bộ.

- Bắp rang, khoai lang, ngô, sắn luộc...

- Mía (để vỏ và chặt khúc khoảng 15cm).

- Bánh, kẹo, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá).

- 3 ly nước nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.

Tuy nhiên trong thời buổi hiện đại, nhiều gia đình bận rộn nên có thể tối giản bằng việc chuẩn bị: Hương, đèn (hoặc nến), gạo, muối, nước lã và cháo loãng - những đồ cúng bắt buộc phải có. Ngoài ra có thể kèm theo bánh kẹp, trái, mía, bỏng ngô là được.

Chú ý

- Sau khi cúng xong, các vật phẩm cúng cô hồn tránh đem vào nhà. Đồ mã đốt tại chỗ, còn đĩa muối, gạo rải ra tám hướng.

- Khi rải tiền vàng ra mâm cúng phải để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi hướng từ 3-5-7 cây hương.

- Buổi cúng kết thúc với việc vãi gạo, muối ra sân, ra đường và đốt vàng mã. Ở một số địa phương, người ta cho phép trẻ con cướp (cỗ) cô hồn khi việc cúng được tiến hành xong.

BP (sưu tầm)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/cung-co-hon-thang-7-vao-ngay-nao-cung-o-dau-20200818152417381.htm