Củng cố cơ sở pháp lý để ''chặn'' chuyển giá

Không thể phủ nhận những đóng góp của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm qua. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại tình trạng 'lỗ giả, lãi thực', chuyển giá trong doanh nghiệp FDI khiến ngân sách nhà nước thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng. Vì vậy, việc củng cố cơ sở pháp lý để 'chặn' hoạt động chuyển giá là vô cùng cần thiết, nhất là thời điểm hiện nay khi dòng vốn FDI đang có xu hướng 'bẻ lái' vào nước ta sau đại dịch Covid-19.

Trong khi các doanh nghiệp may mặc, giày da trong nước đều có lãi, thì các doanh nghiệp FDI cùng ngành nghề đều báo lỗ. Ảnh: Nhật Nam

Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” diễn ra mới đây, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Tại thành phố Hồ Chí Minh, có tới gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; tỉnh Bình Dương - một trong những địa phương thu hút nhiều dự án FDI cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 đến 2011.

“Điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, trong khi doanh nghiệp FDI báo lỗ thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, giày da”, ông Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại cũng nhìn nhận, vẫn còn những hạn chế trong việc thu hút và sử dụng FDI mà Việt Nam chưa khắc phục được, trong đó có hiện tượng chuyển giá.

Hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đã gây thất thu cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng trong nhiều năm qua. Quy mô các khoản thu ngân sách nhà nước này không nhỏ khi các doanh nghiệp FDI đã chiếm tới khoảng 20% GDP, khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước.

Một trong những nguyên nhân được cho là doanh nghiệp lợi dụng chính sách quản lý thuế hiện nay cho phép doanh nghiệp tự kê khai thuế rồi kiểm tra, rà soát sau. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã dùng kẽ hở này để khai giảm, khai tránh. Bên cạnh đó, ông Đoàn Xuân Tiên cho rằng, vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với việc kiểm toán các chính sách và thực thi các chính sách thu hút vốn đầu tư FDI trong thời gian qua còn bất cập.

Kiểm soát, ngăn chặn hoạt động chuyển giá một mặt sẽ góp phần bảo đảm số thu cho ngân sách nhà nước, mặt khác tạo sự minh bạch và cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ (Kiểm toán Nhà nước) để thực hiện được việc này, cần tiếp tục làm rõ cơ sở pháp lý của Kiểm toán Nhà nước khi kiểm toán nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp thông qua việc trình và sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước cho phù hợp. Bên cạnh đó, Chính phủ củng cố lại cơ sở pháp lý về quản lý hoạt động chuyển giá, ban hành và hướng dẫn đầy đủ các phương pháp xác định giá chuyển giao phù hợp với trình độ phát triển kinh doanh trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng bộ môn Kiểm toán, Viện Kế toán - Kiểm toán (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng cần tăng cường trách nhiệm của kiểm toán độc lập trong kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp FDI và công khai kết quả kiểm toán hoạt động chuyển giá đối với những hành vi chuyển giá nghiêm trọng.

Hương Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/969970/cung-co-co-so-phap-ly-de-chan-chuyen-gia