Cùng chia sẻ để an toàn

Mấy ngày nay, mạng xã hội lan tỏa câu chuyện một chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại khu cách ly của Trung đoàn 738, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An, xin phép được lập bàn thờ trong khu cách ly để tiễn biệt mẹ do không thể về nhà chịu tang. Câu chuyện nhận được sự chia sẻ của cộng đồng, qua đó cho thấy nỗ lực của những đơn vị tuyến đầu trong việc đẩy lùi dịch bệnh, khi những nỗi niềm riêng tư đành gác lại…

Khi mạng xã hội chia sẻ câu chuyện trên, nhiều người bày tỏ sự cảm động và động viên: “Rớt nước mắt. Mất mẹ là mất mát quá lớn, mong anh nén đau thương vượt qua”; “Còn gì buồn hơn khi không thể về với mẹ trong phút đưa tiễn. 500 anh em nhớ chú ý phòng dịch để những chiến sĩ như anh đỡ vất vả”… Những lời động viên đó, cũng chính là lời nhắc nhở cộng đồng cùng cố gắng phòng dịch thật tốt để sự hy sinh của những người nơi tuyến đầu không vô ích.

Trước đó, nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ sự xúc động trước câu chuyện nữ bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương không thể về chịu tang mẹ, dù bệnh viện chỉ cách nhà mấy mươi cây số. Đau buồn nhưng vì nhiệm vụ, vì ý thức phòng dịch, họ không thể làm khác đi. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là nơi đang bị cách ly y tế sau khi có chùm ca bệnh. Các bác sĩ ở đây vừa tuân thủ quy định cách ly, vừa làm tròn trách nhiệm chữa bệnh… Và những ngày qua, còn nhiều câu chuyện ý nghĩa của những lực lượng khác, từ chuyện chăm chút từng bữa ăn của những người trong khu cách ly, cho đến việc xuyên đêm kiểm soát dịch tại các cửa ngõ.

Trải qua nhiều đợt dịch, chắc hẳn chúng ta ít nhiều cảm nhận được sự dốc lòng của những người nơi tuyến đầu. Trong sự khẩn trương chống dịch, mỗi người cần góp sức, đơn giản nhất là tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Bởi sự an toàn không chỉ cho riêng mình. Chỉ riêng việc chờ chúng ta nhớ lại những nơi đã đi qua, những người đã gặp… để truy vết cũng đã làm khổ đơn vị chống dịch. Huống gì hầu như gia đình nào cũng có người già và trẻ nhỏ, chỉ sơ sẩy, chúng ta sẽ làm khổ họ, làm khổ bạn bè, đồng nghiệp, rộng hơn là đe dọa sự an toàn của cộng đồng và hao phí nguồn lực xã hội.

Bên cạnh một số trường hợp bị xử phạt do không đeo khẩu trang nơi công cộng, một số quán xá không tuân thủ giãn cách, tín hiệu đáng mừng là nhiều cơ sở kinh doanh đã đồng lòng chống dịch. Như chiều hôm trước, một nhóm bạn trẻ định ghé vào quán cà phê trên đường Trường Sa, quận Phú Nhuận, TPHCM, vừa dừng xe, người bảo vệ đã thông báo: “Anh chị thông cảm, quán không nhận thêm khách”. Dù bị từ chối, nhưng nhóm vẫn thấy vui, vì cứ giữ vững tinh thần như thế, chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh.

RA NY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cung-chia-se-de-an-toan-732912.html