Cung cấp thông tin về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP

Về việc cung cấp thông tin các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP để đề xuất sửa đổi và bổ sung, mới đây Bộ Xây dựng đã có Văn bản gửi Bộ Tư pháp.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Trước đó, Bộ Xây dựng nhận được Văn bản số 3417/BTP-PLDSKT ngày 12/09/2018 của Bộ Tư pháp về việc cung cấp thông tin về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP) để đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Tại văn bản phúc đáp, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP

Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP được ban hành là cơ sở để thực hiện thống nhất, đồng bộ việc lập dự toán, quản lý, sử dụng quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng Thông tư này cho thấy, quy định về kinh phí thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, việc triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Nhiều mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, chưa thu hút được đội ngũ chuyên gia giỏi tham gia vào hoạt động này.

Nội dung chi thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp theo Quyết định số 585/QĐ-TTG ngày 05/05/2010 của Thủ tướng Chính phủ đối với khoản chi tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, cán bộ pháp chế của doanh nghiệp còn chưa cụ thể, dẫn đến một số khoản chi thực tế cần thiết, nhưng có thể không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, định mức một số khoản chi còn thấp, chênh lệch so với mức kinh phí triển khai trên thực tế cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Ví dụ: mức chi bồi dưỡng cho Luật gia, Tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia tư vấn pháp luật từ 20.000 đồng – 30.000 đồng/giờ tư vấn, mức chi cho bài tham luận tối đa 300.000 đồng/bài viết…). Nội dung chi thuê chuyên gia giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp chỉ đưa ra định mức chi cho hình thức chuyên gia giải đáp ý kiến bằng văn bản, còn một số hình thức giải đáp khác như tư vấn trực tiếp hoặc qua mạng thông tin xã hội… thì chưa được quy định nên không có cơ sở triển khai thực hiện.

Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị quy định chi tiết về nội dung chi phục vụ công tác tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho cán bộ pháp chế của doanh nghiệp để thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/05/2010 của Thủ tướng Chính phủ, ví dụ như: các khoản chi do ngân sách nhà nước hỗ trợ (kinh phí thuê hội trường, tài liệu bồi dưỡng cho giảng viên…); các khoản chi do doanh nghiệp tự chi trả…để bảo đảm việc hỗ trợ kinh phí đúng nội dung, đúng mục đích.

Đồng thời điều chỉnh tăng mức kinh phí chi cho một số nội dung chi như: Bồi dưỡng cho Luật gia, tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên pháp luật tham gia tư vấn pháp luật; viết bài tham luận; Bổ sung quy định về việc chi thuê chuyên gia giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp qua các hình thức khác như: tư vấn trực tiếp, tư vấn qua mạng thông tin xã hội…

Ánh Dương

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/cung-cap-thong-tin-ve-cac-vuong-mac-kho-khan-trong-qua-trinh-thuc-thi-thong-tu-lien-tich-so-1572010ttlt-btc-btp.html