Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao

Với mục tiêu trở thành trường đào tạo đạt chuẩn quốc gia, tiếp cận khu vực ASEAN và quốc tế, những năm qua Trường Cao đẳng Công thương TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực, đổi mới công tác đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong và ngoài nước.

Đào tạo theo nhu cầu xã hội

Tiền thân là Trường Nghiệp vụ Kỹ thuật Công nghiệp nhẹ, được thành lập theo Quyết định số 92/CNn.CBĐT.B ngày 20 tháng 10 năm 1976 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ (nay là Bộ Công Thương). Sau nhiều lần nâng cấp, Trường đã không ngừng được củng cố về quy mô và chất lượng đào tạo. Qua 44 năm xây dựng và phát triển, Trường đã đào tạo hàng nghìn lượt học viên, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trong cả nước và xuất khẩu lao động.

Sinh viên biểu diễn trong Tuần lễ Kỹ năng nghề Australia tổ chức tại Trường

Sinh viên biểu diễn trong Tuần lễ Kỹ năng nghề Australia tổ chức tại Trường

Xác định đào tạo phải theo nhu cầu sử dụng của xã hội, ngay từ những ngày mới thành lập, trong điều kiện còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo… Ban Giám hiệu nhà trường vẫn luôn xác định và kiên trì với mục tiêu dài hạn là không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Công Thương, thông qua các chương trình, đề án, Trường được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ thực hành, đặc biệt với những ngành nghề quan trọng và trọng điểm quốc gia, như: Điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, công nghệ ôtô… Bên cạnh cơ sở vật chất, hàng năm, Trường đã cử nhiều lượt giáo viên tham gia các chương trình đào tạo, các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn.

Một trong những giải pháp mang tính đột phá để tăng quy mô, chất lượng đào tạo, cung ứng nhân lực cho thị trường lao động, đó là việc tiếp tục và mở rộng liên kết với các DN trong quá trình đào tạo. Để tăng cường tính thực tiễn, Trường đã thành lập bộ phận theo dõi và liên hệ với các cơ quan, DN để nắm bắt yêu cầu về vị trí việc làm, nhu cầu tuyển dụng. Từ đó có sự điều chỉnh về nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp.

Từ năm 2018, Trường đã hợp tác và ký kết cùng Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Cơ điện lạnh Bình Minh Én, Thời trang Nam Lê trong việc triển khai học phần thực tế DN. Theo đó, đã đưa sinh viên đến làm việc 3 tháng tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Bình Minh Én và tiếp tục xây dựng nội dung phối hợp với Công ty Jabil Việt Nam, Cổ phần nhựa Duy Tân, Ôtô Vĩnh Phát…. Việc liên kết với các DN đã mang lại hiệu quả rõ rệt, khẳng định hướng đi đúng đắn trong quá trình đào tạo của nhà trường.

Giờ học thực hành của sinh viên

Cũng trong thời gian này, nhà trường đã được chứng nhận trở thành Trung tâm Khảo thí ICDL. TS. Bùi Mạnh Tuân – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước và khu vực trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, nhà trường nhận thấy chứng chỉ quốc tế ICDL có độ phủ rộng từ các kiến thức, kỹ năng căn bản nhất đến các lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đặc thù cho các ngành nhà trường đang đào tạo. Các kỹ năng về CNTT với chuẩn đầu ra của tổ chức ICDL quốc tế sẽ giúp học sinh, sinh viên của Trường trang bị thêm hành trang để chủ động và tự tin hơn trong bối cảnh hội nhập.

Tạo dựng thương hiệu

Nhờ đổi mới phương pháp đào tạo, Trường ngày càng có sức hút với sinh viên, quy mô và chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Bên cạnh số lượng được tăng lên, chất lượng đào tạo luôn được coi là yếu tố quyết định sự sống còn của nhà trường, khẳng định vị trí, uy tín, thương hiệu của nhà trường trong xã hội. Sinh viên trong quá trình đào tạo được trang bị kiến thức vững vàng, được rèn kỹ năng chuyên môn thành thạo. Sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm được việc làm đạt trên 90%, với mức thu nhập trung bình từ 8-10 triệu đồng/người/tháng, trong đó sinh viên làm đúng ngành, nghề đào tạo đạt trên 75%. Sinh viên được đánh giá cơ bản có ý thức, thái độ tốt và kiến thức chuyên môn vững, tay nghề đáp ứng được yêu cầu của DN.

Bên cạnh những thành tích đạt được trong đào tạo, các hoạt động khác của nhà trường cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Trường đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt 8 ngành nghề trọng điểm đào tạo theo hướng chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; Trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 gồm các ngành: Công nghệ thực phẩm; Công nghệ Kỹ thuật điện - Điện tử; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử; Công nghệ may; Công nghệ da giày; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; Cắt gọt kim loại.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên cũng được quan tâm đặc biệt. Nhằm tạo điều kiện để giảng viên giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, từ đó có nhiều phương pháp dạy hay, cách dạy tích cực được áp dụng để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Nhà trường đã tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp khoa, cấp trường, chọn giảng viên tham dự hội thi cấp thành phố, cấp quốc gia. Năm 2018, có 15 giảng viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường, 4 giảng viên được công nhận dạy giỏi cấp thành phố, 2 giảng viên đạt giải khuyến khích cấp quốc gia.

Những thành tích đạt được đã mở ra nhiều cơ hội mới cho thầy và trò nhà trường, nhưng thách thức cũng vô cùng lớn. Bởi vậy, trên những chặng đường tiếp theo, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường quyết tâm phấn đấu hơn nữa để đảm bảo chỉ tiêu đào tạo theo kế hoạch được giao, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo để trở thành Trường chất lượng cao, đạt chuẩn đào tạo quốc gia, tiếp cận khu vực ASEAN và quốc tế. Từ đó, đủ điều kiện trở thành trường đại học có thương hiệu trong và ngoài nước.

Hường Thu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cung-cap-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-147829.html